Ngày 13/7, tại thành phố Việt Trì, Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc Kỳ họp thứ tư. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự và phát biểu chỉ đạo.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN
Cùng tham dự có: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Trưởng ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường; Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh…
Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết, Kỳ họp lần thứ tư, Hội đồng nhân dân tỉnh là kỳ họp thường lệ giữa năm 2022.
Tại phiên trù bị, 100% các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã nhất trí thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành kỳ họp. Trong hai ngày làm việc (13-14/7), Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ tập trung xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng.
Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đánh giá sự chuẩn bị chu đáo nội dung các báo cáo của Hội đồng nhân dân tỉnh. Các báo cáo mang tính khách quan, phản biện cao, qua đấy cho thấy sự đổi mới, tìm tòi, cải tiến các hoạt động của HĐND tỉnh.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của tỉnh, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động khó lường và tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương; sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, linh hoạt của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Phú Thọ đã đoàn kết một lòng, sớm kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, đạt được nhiều kết quả quan trọng và ấn tượng.
Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Phú Thọ đạt mức cao (năm 2021 đạt 6,28%; 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 7,8%, cao hơn mức bình quân trong cả nước). Lĩnh vực công nghiệp phục hồi và phát triển nhanh; du lịch, dịch vụ có nhiều khởi sắc. Thu ngân sách liên tục tăng cao (năm 2021 đạt 9.029 tỷ đồng, tăng 52% so dự toán; ước 6 tháng đầu năm 2022 đạt 4.589 tỷ đồng, đạt 81,2% dự toán, tăng 38% so với cùng kỳ), hướng tới nhóm “Câu lạc bộ 10.000 tỷ đồng” trong thu ngân sách. Giải ngân đầu tư công đạt kết quả tích cực, năm 2021 đạt 87,6%, 6 tháng đầu năm 2022 đạt 52% kế hoạch - là địa phương có tỷ lệ giải ngân trong nhóm 20/63 các tỉnh, thành cao nhất cả nước…
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm phát triển toàn diện. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, phòng, chống dịch có nhiều tiến bộ; không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và cơ bản giữ được sự ổn định của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đây là kết quả rất đáng mừng.
Các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao được chú trọng và tổ chức tốt, đã đăng cai, tổ chức thành công các trận đấu bóng đá nam tại SEA Games 31, để lại hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế và nhân dân cả nước.
Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo; xây dựng nông thôn mới đạt thành tích ấn tượng (mô hình khu dân cư nông thôn mới, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu); giảm nghèo đạt kết quả rất tích cực (tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 còn 2,5% theo chuẩn giai đoạn 2016-2020, còn 5,27% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025). Đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá trong thành công chung của tỉnh có sự đóng góp quan trọng của Hội đồng nhân dân, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Phú Thọ.
Để phát huy những thế mạnh, tiềm năng phát triển của tỉnh, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Phú Thọ thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm.
Theo đó, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Phú Thọ cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX của tỉnh, các Chương trình hành động triển khai, thực hiện các Nghị quyết; trong đó cần quán triệt, nâng cao nhận thức và xác định Phú Thọ là trung tâm liên kết vùng. Các chính sách được ban hành cần chú trọng các nhóm giải pháp ngoài phát huy lợi thế so sánh, mang tính đặc trưng riêng của một tỉnh trung du miền núi thì phải hướng tới tính liên kết vùng; hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư trong và ngoài nước; hoàn thiện kết cấu hạ tầng; quan tâm phát triển kinh tế đồng bộ với phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, chú trọng phát triển công nghiệp sạch, góp phần vừa phát triển bền vững, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa riêng có của quê hương Đất Tổ Vua Hùng.
Các cấp, các ngành cần chủ động, sáng tạo, quyết liệt hơn nữa; tiếp tục đổi mới tư duy, đổi mới phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức điều hành công việc theo tinh thần sâu sát, hiệu quả, thiết thực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.
Tỉnh tập trung quán triệt, triển khai các Nghị quyết của Đảng, các luật, Nghị quyết của Quốc hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để thống nhất nhận thức, tư tưởng, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tạo sự nhất trí cao, sự đồng thuận của nhân dân trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoạt động của HĐND các cấp đặt trong tổng thể các hoạt động này.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Phú Thọ cần chủ động nghiên cứu, đề xuất những quyết sách để sớm cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn, đặc biệt là Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; sớm ban hành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 nhằm xác định tầm nhìn, không gian phát triển kinh tế - xã hội rộng lớn không chỉ có ý nghĩa trong tỉnh, trong vùng, mà còn đóng góp cho cả nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ở địa phương.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi các Nghị quyết của HĐND phải có tính chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa, có tính khả thi cao, sát thực tiễn, mang tính dẫn dắt và tính dự báo chính xác, mục tiêu chính sách phải được lượng hóa, các giải pháp và công cụ chính sách phát triển kinh tế - xã hội phải rất cụ thể, rõ ràng, bám sát thực tiễn cuộc sống, dễ triển khai thực hiện và dễ giám sát, kiểm tra.
Với lịch sử phát triển lâu đời, Phú Thọ là miền đất của những di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, các giá trị văn hóa vật thể (như: di tích đình, chùa, đền, miếu và các di tích khảo cổ học...), những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc (như: tín ngưỡng, lễ hội, nghệ thuật trình diễn, dân ca, truyện kể, thơ ca dân gian, nghề thủ công truyền thống... trong đó Hát Xoan và Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là 2 di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại).
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp, chính quyền địa phương tăng cường bảo tồn, giáo dục, truyền thụ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để “văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn động lực nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh” như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng Đề án xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố Lễ hội có tính khả thi cao, sẽ sớm được phối hợp triển khai trên cơ sở nguồn lực nhà nước và huy động nguồn lực xã hội.
* Nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cùng với Quốc hội, HĐND là thiết chế quan trọng của bộ máy nhà nước nhằm hiện thực hóa thể chế dân chủ và bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân mà Đảng ta đã kiên trì lựa chọn trong suốt gần một thế kỷ qua; đồng thời đề nghị cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành, cử tri và nhân dân trong tỉnh cần tiếp tục quán triệt nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, tổ đại biểu HĐND và từng đại biểu HĐND.
HĐND các cấp cũng cần chủ động, tích cực, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng phát huy dân chủ, ngày càng công khai, minh bạch, gần dân hơn, tăng cường tính pháp quyền, ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả; tiếp tục rà soát, kiến nghị với cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND sao cho hoạt động của HĐND phải thể hiện rõ nhất phương châm “ý Đảng hợp lòng dân” và là nơi kiểm chứng việc tuân theo pháp luật của các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân và của công dân ở địa phương.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ tầm quan trọng của việc cần phát huy vai trò của Đảng đoàn HĐND trong việc chủ động xây dựng kế hoạch và đề xuất với cấp ủy cho ý kiến về định hướng chương trình hoạt động của HĐND cho cả nhiệm kỳ 2021-2026, nhất là chương trình ban hành nghị quyết của HĐND nhằm tạo sự chủ động “từ sớm, từ xa” thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đảm bảo hệ thống pháp luật một cách đầy đủ, khoa học, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, giải quyết tốt các vấn đề vừa cần thiết, cấp bách và vừa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của đông đảo nhân dân, yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống. Qua đó góp phần nâng cao năng lực quản lý và điều hành đất nước bằng pháp luật và thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống, năng lực quản trị quốc gia và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giám sát; kịp thời ban hành các nghị quyết để tổ chức thực hiện và giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
HĐND các cấp cần phát huy hiệu quả công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội; huy động sự tham gia đông đảo, có hiệu quả của các chuyên gia, các nhà khoa học trong các hoạt động của HĐND tỉnh; phát huy vai trò, trách nhiệm của từng đại biểu HĐND trước cử tri và nhân dân. Đồng thời, chủ động hơn nữa trong công tác phối hợp với UBND và các cơ quan liên quan chuẩn bị từ sớm, từ xa nội dung, chương trình kỳ họp, không đưa vào chương trình kỳ họp những nội dung chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng; nâng cao hiệu quả trong tiếp xúc cử tri, khắc phục tính hình thức trong tiếp xúc cử tri; thực hiện các biện pháp đồng bộ, chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, cơ quan báo chí, cùng nhân dân trong việc xem xét, giải quyết triệt để các kiến nghị chính đáng của cử tri và các kết luận sau giám sát.
Cùng với đó, HĐND tỉnh phối hợp, tham gia có hiệu quả vào chương trình giám sát của Quốc hội; tham gia tích cực vào chương trình xây dựng luật, các dự án luật trình Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong thời gian tới, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn đối với hoạt động của HDND các cấp; tăng cường sự gắn kết các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND các cấp.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, công tác cán bộ luôn được Đảng ta nhấn mạnh có vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành công của cách mạng. Do vậy, Thường trực HĐND tỉnh cần bám sát chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sớm xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch đại biểu HĐND, nhất là đại biểu HĐND chuyên trách cho nhiệm kỳ 2026-2031 theo đúng quy định và hướng dẫn của Đảng; triển khai rà soát, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng và đảm bảo số lượng cán bộ cho các khóa tiếp theo; không chỉ quy hoạch cho tỉnh mà còn cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Phú Thọ với vị trí và tiềm năng của mình, cùng với truyền thống đoàn kết, sáng tạo, thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần về thăm tỉnh Phú Thọ ngày 19/8/1962: “...để lãnh đạo tốt, các cấp phải thật đoàn kết, thật dân chủ, phải thực hành chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và phê bình, tự phê bình để không ngừng tiến bộ...”; đồng thời bày tỏ tin tưởng, với khát vọng ý chí vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Phú Thọ sẽ ngày càng phát triển, xứng đáng với vị trí trung tâm của vùng Trung du và miền núi phía Bắc./.
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-du-ky-hop-thu-tu-hoi-dong-nhan-dan-tinh-phu-tho-khoa-xix-303277.html