Tin tức

Chủ tịch Quốc hội dự Lễ khai giảng và tri ân các thầy, cô giáo Trường Đại học Y Hà Nội


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lưu niệm chúc mừng Trường Đại học Y Hà Nội nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Chiều 19/11, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã tham dự Lễ khai giảng năm học 2021-2022 và gặp mặt, tri ân các thầy, cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tại Trường Đại học Y Hà Nội.

Cùng tham dự có: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giáo sư,Tiến sĩ, bác sĩ Tạ Thành Văn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội; Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Tú, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội.

Lễ khai giảng và tri ân có sự góp mặt của hơn 100 Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Thầy thuốc Nhân dân, nguyên Bí thư Đảng ủy và Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, các thầy cô giáo nguyên lãnh đạo nhà trường; các giáo viên, sinh viên, học viên (tham dự trực tiếp và trực tuyến).

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tôn sư trọng đạo là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) là dịp để cả nước tỏ lòng biết ơn và tri ân các thầy giáo, cô giáo.

Bày tỏ vui mừng, xúc động dự Lễ khai giảng và gặp mặt, tri ân các thế hệ thầy giáo, cô giáo của Trường Đại học Y Hà Nội nhân ngày 20/11, Chủ tịch Quốc hội gửi tới các thầy giáo, cô giáo và các đại biểu lời chúc mừng tốt đẹp nhất; chúc sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà nói chung và của Trường Đại học Y Hà Nội tiếp tục đạt được nhiều thành công rực rỡ hơn nữa; chúc các sinh viên tiếp tục gặt hái những kết quả mới và thành công mới trong năm học mới.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đất nước ta đã và đang trải qua những ngày tháng vô cùng khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, của Đảng và Nhà nước, đã có 641 cán bộ, giảng viên, bác sĩ nội trú, sinh viên của nhà trường tình nguyện tham gia trở thành những chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu phòng, chống dịch (Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh). Nghĩa cử cao đẹp này là minh chứng sống động về đạo đức sáng ngời của người thầy giáo, người thầy thuốc Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự tri ân, biểu dương những đóng góp, hy sinh thầm lặng của đội ngũ cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế, các thầy, cô giáo và sinh viên nhà trường, những người đã bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh sức khỏe và tính mạng của bản thân, đi vào nơi tâm dịch, cống hiến hết sức mình, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, với bề dày truyền thống gần 120 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Y Hà Nội đã đào tạo rất nhiều thế hệ thầy thuốc, y bác sĩ ưu tú, đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học tầm cỡ khu vực và quốc tế, sáng lập ra nhiều ngành y học hiện đại, luôn giữ vững vị thế là ngọn cờ đầu trong lĩnh vực đào tạo khối sức khỏe của Việt Nam, một cơ sở đào tạo y khoa có quy mô lớn và uy tín nhất của cả nước.

Thành tích của nhà trường đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý, như: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…

Thực hiện Luật Giáo dục đại học, Trường Đại học Y Hà Nội đang thực hiện cơ chế tự chủ, tăng cường hợp tác quốc tế, phấn đấu phát triển thành đại học đa ngành, khoa học sức khỏe đầu tiên của cả nước, với các trường đại học thành viên; đồng thời phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ y học ngang tầm khu vực và quốc tế, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y, đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển của y học nước nhà và y học nói chung của thế giới.

Với mô hình tổ chức gắn chặt giữa đào tạo và khám-chữa bệnh, các thầy giáo, cô giáo của Trường Đại học Y Hà Nội vừa là thầy giáo, vừa là thầy thuốc. Vào bất kỳ thời gian nào, ở bất kỳ nơi đâu, người thầy giáo và người thầy thuốc luôn được xã hội trân trọng và tôn vinh.

“Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, các thầy giáo, cô giáo và cán bộ công nhân viên của trường sẽ luôn tâm huyết với sứ mạng trồng người và cứu người, phát huy truyền thống tốt đẹp và phẩm chất cao quý của mình, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng nhà trường sớm trở thành trường đại học hàng đầu khu vực, có một số lĩnh vực đào tạo ngang tầm thế giới”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên Trường Đại học Y Hà Nội cùng cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tập trung thực hiện đột phá chiến lược “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” với quan điểm “giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị đội ngũ cán bộ, công nhân viên nhà trường luôn luôn thực hiện tốt lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y phải như từ mẫu”, chung tay xây dựng một nền y học Việt Nam tiên tiến, dân tộc, khoa học, đại chúng gắn với nhu cầu thực tế của nhân dân, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà. Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển nhanh và bền vững của sự nghiệp giáo dục, đào tạo và chất lượng sức khỏe của nhân dân. 

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi đã được thực hiện, tới đây Quốc hội có chương trình sửa đổi, bổ sung Luật Khám, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế và 1 số dự án luật khác. Lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận về hai trụ cột của an sinh xã hội đó là Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế, ghi trong nghị quyết chung của kỳ họp về việc xem xét nâng mệnh giá bảo hiểm y tế, tạo điều kiện sớm tính đúng, tính đủ chi phí trong giá dịch vụ khám chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phù hợp với khả năng của ngân sách và mức chi trả của nhân dân. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc tăng cường năng lực cho y tế cơ sở và y tế dự phòng…

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và bày tỏ ủng hộ kiến nghị của lãnh đạo Trường Đại học Y Hà Nội về việc cho phép và tạo điều kiện để Nhà trường sở hữu chuỗi các bệnh viện thực hành - nơi nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nơi dạy và thực hành của thầy và trò Nhà trường. Theo lãnh đạo nhà trường, đây cũng sẽ là điều kiện quan trọng về tài chính để Trường Đại học Y Hà Nội có thể tự chủ thực thi sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế cả nước.

Nhấn mạnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng với sự chung sức, đồng lòng của toàn dân tộc, với bản lĩnh vững vàng, ý chí sắt đá và những kinh nghiệm quý, bài học hay đã được đúc kết trong thực tiễn vừa qua của đội ngũ ngành y tế cả nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng, chúng ta sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tiếp theo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao quà và hoa chúc mừng các Giáo sư, Thầy thuốc lão thành tiêu biểu của Trường Đại học Y Hà Nội.

Tại buổi lễ đã diễn ra lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân đối với Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Đào Văn Long, Giảng viên cao cấp Bộ môn Nội tổng hợp, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội; trao danh hiệu Nhà giáo Ưu tú đối với Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Danh Cường, Trưởng Bộ môn Phụ sản, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Trường Đại học Y Hà Nội luôn là ngôi trường có điểm đầu vào cao nhất và khối lượng học tập rất lớn, lãnh đạo Trường Đại học Y Hà Nội đã trao phần thưởng cho một số sinh viên có thành tích học tập xuất sắc trong năm học vừa qua.

Trong không khí trang trọng của lễ khai giảng, sinh viên Lê Ngọc Minh Thư, sinh viên Khóa 119, ngành Bác sĩ Y khoa đại diện sinh viên trong toàn trường phát biểu cho biết, mặc dù phải học online vào những thời điểm "nước rút" nhưng em đã nỗ lực để trở thành tân sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội. Bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên chức nhà trường, sinh viên Minh Thư cho biết sẽ tiếp nối truyền thống tốt đẹp, phấn đấu học tập, rèn luyện, nghiên cứu, thi đua, tiếp bước con đường vinh quang của các thế hệ thầy giáo, sinh viên trong trường.

*Chiều cùng ngày, nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội đã đến thăm và chúc mừng Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học, Nhà giáo Ưu tú Phạm Thị Trân Châu, đại biểu Quốc hội khoá IX và khóa X, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khoá X (1997-2002).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Thị Trân Châu - một nhà giáo ưu tú, một nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ hóa sinh của đất nước và được cộng đồng quốc tế công nhận, từng được trao tặng Giải thưởng Kovalepskaia -  giải thưởng dành cho các nhà khoa học nữ xuất sắc thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Thị Trân Châu chân thành cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đến thăm nhân dịp lễ trọng của các nhà giáo, đồng thời gửi đến Chủ tịch Quốc hội những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Bà cho biết hết sức ấn tượng khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng có nhiều năm làm công tác giảng dạy và đảm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo trong các lĩnh vực quan trọng của đất nước. "Vốn tri thức, sự am hiểu sâu sắc cả lý luận và thực tiễn trong nhiều lĩnh vực của Chủ tịch Quốc hội đã được thể hiện rất rõ qua cách điều hành các phiên họp của Quốc hội, thúc đẩy đổi mới của Quốc hội", bà Phạm Thị Trân Châu đánh giá.

Trong không khí thân tình và ấm áp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Trân Châu luôn theo dõi các hoạt động của Quốc hội. Trao đổi thêm về những đổi mới, cải tiến mà Quốc hội đã, đang và sẽ triển khai trong thời gian tới trên tất cả các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và đối ngoại, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Thị Trân Châu tiếp tục đóng góp trí tuệ cho hoạt động của Quốc hội.

Được biết, tháng 9/1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, bà Phạm Thị Trân Châu trở thành khóa sinh viên đầu tiên của trường. Năm 1959, tốt nghiệp ngành Sinh học với kết quả tốt, bà Châu được giữ lại ở trường làm cán bộ giảng dạy. Sau nhiều năm được đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu ở trường, đến năm 1974 bà đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ (Đại học Tổng hợp Lo'dz' Ba Lan) và năm 1985 đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ khoa học (Đại học Wroclaw Ba Lan) theo hướng nghiên cứu enzym. Nỗ lực trên con đường nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu về enzym, bà đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Với những đóng góp lớn cho ngành Sinh hóa học nước nhà, năm 1988, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Thị Trân Châu đã được trao giải thưởng Kovalevskaia - giải thưởng mang tên nữ toán học người Nga lỗi lạc thế kỷ 19 Sophia Kovalevskia (1850-1891). Bà đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý như: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng III, Huân chương Lao động hạng III, Huân chương Lao động hạng II và nhiều bằng khen khác…/.

TTXVN/VNP

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/chu-tich-quoc-hoi-du-le-khai-giang-va-tri-an-cac-thay-co-giao-truong-dai-hoc-y-ha-noi-276606.html


top