Tin tức

Chủ tịch Quốc hội chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương

Chiều 24/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc của Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương.
  Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN  

Thực hiện chương trình công tác năm 2022 và căn cứ cơ chế làm việc của Đảng đoàn Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội tổ chức cuộc làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương để cho ý kiến về một số nội dung chính, nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau về các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; về kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; một số đề xuất với Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác tham mưu, xây dựng pháp luật của Bộ Công an, nhất là trong việc xây dựng các quy định, quy chế có liên quan tới lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

Cùng dự cuộc làm việc có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm.

Các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường…; các Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương.

Báo cáo tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, luôn xác định công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong quá trình chủ trì soạn thảo, xây dựng các dự án luật được giao, Bộ Công an luôn quán triệt quan điểm được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần lưu ý, đó là phải đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết và trước hết.

Lãnh đạo Bộ Công an cũng cho biết, hằng năm, Bộ Công an đều có Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Chỉ tính riêng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Bộ Công an đã chủ trì xây dựng để Chính phủ trình Quốc hội ban hành 13 Luật, Nghị quyết. Tại Kỳ họp thứ 3 tới, Bộ Công an sẽ chủ trì xây dựng để trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Cảnh sát cơ động và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; chủ trì xây dựng để trình Quốc hội dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Về thực hiện các Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công an đã quán triệt và triển khai nghiêm túc, trọng tâm là Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; Nghị quyết số 134/2020/QH14 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ Khóa XIII…

Về công tác phối hợp giữa Bộ Công an và các cơ quan của Quốc hội, cơ bản bảo đảm chặt chẽ theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Hiện nay, Bộ Công an đã ký 3 quy chế phối hợp với Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Văn phòng Quốc hội để thực hiện các nhiệm vụ. Trong hoạt động lập pháp, Bộ Công an đã chủ động phối hợp với các Ủy ban ngay từ khâu chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong hoạt động giám sát, Bộ Công an đã tích cực, chủ động cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan, báo cáo các Đoàn giám sát, Đoàn khảo sát của các cơ quan của Quốc hội. Thông qua hoạt động giám sát chuyên đề, khảo sát, Bộ Công an đã tham mưu cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định nhiều vấn đề quan trọng về quốc phòng, an ninh…

Thực hiện các quy chế phối hợp với Văn phòng Quốc hội, những năm qua, Bộ Công an đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ phối hợp với các cơ quan thuộc Văn phòng Quốc hội xây dựng phương án, bố trí lực lượng bảo vệ bảo đảm an ninh, an toàn Toà nhà Quốc hội, các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tham mưu, phục vụ các hoạt động của Quốc hội thời gian tới, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự, qua đó tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho công tác bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Tại cuộc làm việc, các thành viên Đảng đoàn Quốc hội và Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương đã thảo luận các nội dung cụ thể nhằm tăng cường phối hợp, hỗ trợ Bộ Công an trong công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội cho sự phát triển của đất nước.

Kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Quốc hội có ba chức năng cơ bản gồm lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó, mục tiêu bao trùm mọi hoạt động của Quốc hội là phải bảo đảm mối quan hệ căn cơ giữa hai nhiệm vụ quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế - xã hội. Lực lượng Công an với vai trò là lực lượng vũ trang quan trọng, là “thanh bảo kiếm” của Đảng và Nhà nước có rất nhiều nhiệm vụ được nêu trong các chủ trương, chính sách của Đảng và được quy định tại Hiến pháp, pháp luật, mới đây nhất là Nghị quyết 12-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 16/3/2022 về đẩy mạnh xây dựng lực lượng công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nhiệm vụ xây dựng pháp luật, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết này cũng là một nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác lập pháp của Quốc hội khóa XV và đã được thể hiện một phần tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV, trong đó tại Kỳ họp thứ 3 tới của Quốc hội cũng có một số nhiệm vụ xây dựng pháp luật do Bộ Công an chủ trì xây dựng. Nhấn mạnh, quốc phòng, an ninh là lĩnh vực trọng yếu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, chủ động, cộng đồng trách nhiệm trong mọi công việc, Bộ Công an và các cơ quan của Quốc hội cần phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng các nội dung, các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm chất lượng, tiến độ và mục tiêu đề ra.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao vai trò và những đóng góp tích cực của Bộ Công an đối với hoạt động của Quốc hội. Đảng đoàn Quốc hội và Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương thống nhất sẽ ban hành Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan để công tác phối hợp chặt chẽ hơn, có tính bao quát rộng hơn và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Hai bên tăng cường phối hợp trong công tác thông tin nhằm phục vụ hiệu quả hoạt động xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng, đối ngoại của Quốc hội và việc thực hiện các nhiệm vụ được giao của Bộ Công an./.

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/chu-tich-quoc-hoi-chu-tri-lam-viec-voi-ban-thuong-vu-dang-uy-cong-an-trung-uong-289920.html


top