Đời sống Việt

Chợ Đông Ba - trăm nhớ nghìn thương

Chợ Đông Ba (Huế) đến nay vừa tròn 125 năm, là ngôi chợ lớn nhất và có tuổi đời lâu nhất ở Huế. Cái khu chợ bề thế nằm bên bờ sông Hương thơ mộng này không chỉ là nơi giao thương, buôn bán, tạo kế sinh nhai cho hàng vạn con người mà còn là nơi quy tụ và phản ánh đầy đủ mọi sắc thái thú vị về đời sống, văn hóa Huế.
Nét đẹp tiểu thương chợ Đông Ba xứ Huế. Ảnh: CTV Lê Huy Hoàng Hải 

Chợ Đông Ba (Huế) đến nay vừa tròn 125 năm, là ngôi chợ lớn nhất và có tuổi đời lâu nhất ở Huế. Cái khu chợ bề thế nằm bên bờ sông Hương thơ mộng này không chỉ là nơi giao thương, buôn bán, tạo kế sinh nhai cho hàng vạn con người mà còn là nơi quy tụ và phản ánh đầy đủ mọi sắc thái thú vị về đời sống, văn hóa Huế. 

Ở Việt Nam, chợ truyền thống là một xã hội thu nhỏ, bởi ở đó có sự tương tác mang tính biểu tượng của đời sống con người. Chợ là nơi quy tụ đủ mọi thành phần, tính cách, đủ thứ hàng hóa, sản vật của địa phương và đặc biệt là ngôn ngữ, phương thức mua bán được định hình theo tính cách của người bản địa nên phản ánh rất rõ nét đặc tính văn hóa, phong tục, tập quán của người dân xứ ấy.

 

Tính đến nay chợ Đông Ba đã tròn 125 năm gắn bó với đời sống người dân xứ Huế. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Chợ Đông Ba ở xứ Huế cũng vậy. Du khách đến đó, mùa nào thức nấy, chỉ cần nhìn qua các mặt hàng như tôm chua, mắm ruốc, mè xửng, nón lá, quả vả, trái thanh trà, li chè thập cẩm hay tô bún bò Huế… rồi đến cả cái giọng nói trọ trẹ nhỏ nhẹ đến là dễ thương của mấy o, mấy chị, mấy mệ (bà) tiểu thương Huế là đủ nhận diện ra một đời sống văn hóa Huế phong phú, thú vị đến nhường nào.

Hiếm có khu chợ nào mà sự phản ánh đặc tính văn hóa vùng miền lại rõ ràng và đậm nét như chợ Đông Ba. Du khách dù ở xa mới đến chỉ cần lướt qua mấy gian hàng bán đồ ăn uống, thức uống với đủ loại mắm, ruốc, ớt, tỏi, chanh, vả, hạt sen, nem, tré, bánh bèo, bánh lọc, bún bò… là đủ biết ẩm thực Huế chuộng vị cay, đậm đà, tuy dân dã mà tinh tế đến nhường nào. Ngang qua hàng vải thì cơ man nào các loại vải để may áo dài đủ để thấy văn hóa phục sức của xứ này ra sao. Hoặc chỉ cần nghe vài ba câu chào hỏi, trao đổi mua bán “răng, ri, mô rứa” bằng cái chất giọng Huế chậm rãi, ngọt ngào, dễ thương của mấy bà mấy chị tiểu thương là cũng hiểu được tính cách con người Huế thân thiện và gần gũi.

Chợ Đông Ba là trung tâm thương mại, du lịch nổi tiếng của Cố đô Huế. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Chả thế mà chợ Đông Ba ở Huế giờ không chỉ là nơi mua bán mà còn là điểm tham quan du lịch nổi tiếng của Cố đô. Tiếng lành đồn xa, du khách nào đến Huế sau khi đã khám phá khắp lượt các vẻ đẹp của miền đất “sông Hương núi Ngự” cũng đều muốn tranh thủ ghé qua chợ Đông Ba nhẩn nha tham quan và mua sắm chút hàng đặc sản gì đó để về làm quà cho người thân. Thậm chí có người đi chợ chẳng phải để mua sắm gì mà cốt chỉ để ngắm, để xem và để nghe cho thỏa một lần đến Huế.

Lại nói về lịch sử ngôi chợ nổi tiếng này. Đầu thời Gia Long (1802), ở kinh thành Huế có một ngôi chợ được xây ở ngay ngoài cửa Chánh Đông (thường gọi là cửa Đông Ba), cách chợ Đông Ba hiện nay một đoạn không xa. Chợ có tên là Quy Giả Thị, tiếng Pháp là “le Marché de ceux qui revienment”, có nghĩa là “chợ của những người trở về”, hàm ý là cái chợ của những người trở về sau cuộc binh biến loạn li giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn.

 

Chợ Đông Ba là nơi bán các mặt hàng đặc sản nổi tiếng của xứ Huế cùng nhiều loại hàng hóa khá. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Gần một thế kỉ sau, vào mùa hè năm 1885, kinh đô Huế thất thủ, chợ Qui Giả bị giặc Pháp đốt sạch. Đến 1887, vua Đồng Khánh cho xây lại chợ và đặt tên là chợ Đông Ba. Đến năm 1899, vua Thành Thái cho dời chợ Đông Ba ra bên bờ sông Hương, ngay ở vị trí hiện nay, và năm này cũng được xem là năm chính thức hình thành nên chợ Đông Ba. Vì vậy, tính từ 1899 đến nay, chợ Đông Ba vừa tròn 125 năm.

Chợ Đông Ba thời Thành Thái gồm 4 dãy nhà xây lợp ngói: trước, sau, phải , trái; ở giữa có một tòa lầu vuông 3 tầng. Đầu thế kỉ 20, chợ Đông Ba được tu sửa nhiều lần nhưng vẫn giữ cốt cách cũ. Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, chợ Đông Ba bị bom pháo Mỹ bắn phá tan tành. Năm 1987, chợ được đại trùng tu nên dời tạm lên khu vực phía ngoài kì đài sau đó lại chuyển trở về chỗ cũ.

 

Các loại mắm Huế đặc sản bày bán ở chợ Đông Ba. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Ngày nay, chợ Đông Ba có diện tích hơn 22.700m2, với hơn 2.700 lô hàng lớn nhỏ. Chợ nằm ngay bên phía bờ Bắc sông Hương, kéo dài từ cầu Gia Hội đến cầu Trường Tiền; phía trước là đường Trần Hưng Đạo, tuyến phố thương mại chính của thành phố Huế. Chợ có khoảng 60 ngành hàng, từ mặt hàng cao cấp, xa xỉ đến mặt hàng bình dân, mỗi ngày lượng du khách và người mua bán đến chợ lên tới khoảng từ 7.000 - 10.000 người.

 

Chợ bán đủ thứ, từ hàng xa xỉ cho đến bình dân. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Trải qua hơn một thế kỉ với nhiều thăng trầm, chợ Đông Ba trở thành một địa chỉ gắn bó "trăm nhớ nghìn thương" của người dân xứ Huế, là một trung tâm thương mại, du lịch lớn của thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung; là một trong ba ngôi chợ truyền thống nổi tiếng của cả nước, cùng với chợ Bến Thành ở thành phố Hồ Chí Minh và chợ Đồng Xuân ở Hà Nội./.

 

Du khách nước ngoài tham quan, khám phá chợ Đông Ba. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
  •  
  • Bài & ảnh:  Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/cho-dong-ba-tram-nho-nghin-thuong-378685.html


top