Mô hình nuôi chim cút thương phẩm được ông Trần Nguyễn Hồ thí điểm tại ấp Long Bình từ năm 1998 khi ông cùng nhiều nông dân trong vùng học tập kinh nghiệm nuôi loài gia cầm này ở một số nơi khi thấy loài gia cầm này dễ nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với khí hậu trong vùng.
Với kinh nghiệm có được sau vài lần thất bại, ông Nguyễn Hồ và các hộ nông dân khác đã mạnh tay đầu tư mở rộng đàn chim cút giống và diện tích chuồng trại. Đến nay ở xã Long An đã có hơn 25 hộ dân tham gia nuôi chim cút với tổng diện tích đất chuồng trại gần 7ha và khoảng 200.000 con chim cút. Hàng năm, trừ các khoản chi phí, mỗi hộ còn thu được lợi nhuận gần hai trăm triệu đồng. Riêng trang trại lớn nhất trong vùng là của gia đình ông Nguyễn Hồ có diện tích trên 6000m2, nuôi được 100.000 con chim cút, mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 50.000 trứng cút lộn và cút lạt, thu lợi khoản một tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, trang trại nuôi chim cút của ông còn là điểm thu mua sản phẩm của các trang trại nuôi khác, nhằm tập hợp và xây dựng thương hiệu riêng cho địa phương mình.
«
“Để đưa được quả trứng cút lên tới bàn ăn là cả một quá trình lao động cực nhọc, nhưng đối với chúng tôi, đây là niềm tự hào vì đã xây dựng được một thương hiệu uy tín cho riêng mình!” (Ông Trần Nguyễn Hồ).
» |
Để có trứng cút thành phẩm tươi sạch, đáp ứng nhu cầu của thị trường là cả một quy trình chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ của trang trại Nguyễn Hồ cũng như các hộ nông dân khác. Tận mắt tham quan các trang trại chim cút ở nơi đây, chúng tôi mới biết đây là một mô hình chuồng trại sáng tạo và độc quyền do chính ông Nguyễn Hồ tự nghiên cứu và thiết kế. Toàn bộ hệ thống chuồng trại đều làm bằng sắt và được thiết kế giống như bậc tam cấp nhằm tiết kiệm diện tích. Mỗi chuồng có diện tích 1m
2 có thể nuôi được 120 con chim cút. Hệ thống dẫn thức ăn và nước uống được thiết kế tự động giúp giảm thiểu lao động chân tay. Đặc biệt, đế chống chuồng được bắt vào vách thay vì chống xuống đất, thuận tiện cho việc vệ sinh chuồng trại hằng ngày. Ngoài ra, chuồng nuôi có gắn hệ thống bóng đèn chiếu sáng tự động nhằm thúc đẩy khả năng sinh sản của chim cút. Hàng ngày, chim cút được cho ăn vào hai buổi sáng và chiều. Sau khi hệ thống dẫn nước uống và thức ăn được kiểm tra cẩn thận, mới tiến hành làm vệ sinh chuồng trại. Phân chim cút được xử lý bằng cách rải xơ dừa và phủ lên đó một lớp men sinh học, để hai ngày sẽ ủ thành thảm vi sinh vật, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường vừa có thể tạo thành phân bón cho cây trồng. Chuồng trại được phun thuốc khử trùng định kỳ để khử mùi hôi và vi khuẩn. Kết cấu chuồng trại này của thương hiệu chim cút Nguyễn Hồ đã được kiểm định chất lượng và cấp giấy chứng nhận độc quyền của các cơ quan hữu quan.
Cùng với việc chăm sóc, quy trình xử lý và sản xuất trứng cút lộn và cút lạt ở trang trại Nguyễn Hồ cũng được đầu tư hiện đại. Chim cút là loài gia cầm sinh trưởng nhanh. Từ chim con, qua chăm sóc khoảng chừng 45 ngày tuổi là có thể đẻ trứng và duy trì sản lượng như vậy trong vòng 08 tháng. Trứng cút thô sau khi được lựa chọn và xử lý xong, một số được phân thành trứng lạt, đóng gói, kiểm định trước khi đưa đi tiêu thụ. Số còn lại dùng để sản xuất trứng cút lộn bằng hệ thống máy ấp trứng, có thời gian ấp khoảng 10 ngày và nhiệt độ 370C. Số trứng này sau đó được đưa vào vào buồng tối, dùng đèn kiểm tra, chọn lựa lại một lần nữa rồi đóng thành từng vỉ mang đi tiêu thụ. Cán bộ của thú y sẽ tới giám sát, tiêu độc khử trùng bằng thuốc, kiểm định chất lượng sản phẩm trước khi cho lên xe đưa trứng thành phẩm ra thị trường.
Trứng chim cút thành phẩm tại trang trại nuôi của ông Trần Nguyễn Hồ.
Ông Trần Nguyễn Hồ kiểm tra nhiệt độ tại một lò ấp trứng cút lộn.
Với đôi bàn tay khéo léo, công nhân trang trại chim cút Nguyễn Hồ phân loại trứng trước khi đưa vào hệ thống máy ấp.
Trứng chim cút thô đưa vào hệ thống máy ấp trứng hiện đại khoảng 10 ngày ở nhiệt độ 370C để tạo thành trứng cút lộn.
Cán bộ của thú y sẽ giám sát, kiểm định chất lượng sản phẩm, tiêu độc khử trùng trứng cút lộn bằng thuốc trước khi đưa đi tiêu thụ.
Trứng cút thành phẩm được đóng thành từng vỉ, thuận tiện cho việc vận chuyển đi tiêu thụ.
Trứng cút thô sau khi lựa chọn xong được đưa vào buồng tối và kiểm tra tra bằng hệ thống đèn.
Trứng thô xử lý xong, công nhân sẽ lựa chọn phân thành trứng lạt, bỏ vào thùng cẩn thận.
|
Hiện tại, sản phẩm của chim cút Nguyễn Hồ chuyên cung cấp trứng cút lạt và cút lộn cho các đại lý, siêu thị ở một số khu vực TP.HCM, Cần Thơ, Rạch Giá... với thị trường tiêu thụ ổn định. Mô hình kinh tế này đang được nhiều người dân địa phương và một số nơi khác học tập làm theo. Và theo ông Trần Nguyễn Hồ, với kế hoạch gia công thiết kế mẫu mã trứng cút đóng lon, xuất khẩu sang một công ty đối tác ở Nhật Bản của ông trong năm tới sẽ là tín hiệu lạc quan cho thương hiệu chim cút của ông cũng như bà con nông dân các vùng phụ cận.
Bài: Sơn Nghĩa, Ảnh: Lê Minh