Phóng sự chuyên đề

Chèo – nghệ thuật sân khấu truyền thống tiêu biểu của người Việt

Ra đời từ thế kỉ 10, Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian độc đáo và giữ vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Việt. Theo dòng chảy thời gian, loại hình kịch hát truyền thống được ưa chuộng ở các làng quê vùng châu thổ sông Hồng dần lan tỏa sang vùng trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Với những giá trị nghệ thuật độc đáo, nghệ thuật Chèo đang được Việt Nam nghiên cứu xây dựng hồ sơ để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Ra đời từ thế kỉ 10, Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian độc đáo và giữ vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Việt. Theo dòng chảy thời gian, loại hình kịch hát truyền thống được ưa chuộng ở các làng quê vùng châu thổ sông Hồng dần lan tỏa sang vùng trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Với những giá trị nghệ thuật độc đáo, nghệ thuật Chèo đang được Việt Nam nghiên cứu xây dựng hồ sơ để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Chiếu chèo sân đình Kim Liên (Đống Đa - Hà Nội). Ảnh: Khánh Long/ VNP

Từ chiếu Chèo sân đình đến sân khấu Chèo hiện đại

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu để lại, Chèo được khởi nguồn từ kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) vào thế kỉ 10 và người sáng lập là bà Phạm Thị Trân, một vũ ca nổi tiếng trong hoàng cung nhà Đinh. Từ kinh đô Hoa Lư, nghệ thuật Chèo được phát triển rộng khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ, mạnh nhất là ở một số địa phương Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nam, Hưng Yên, Hà Nội... rồi lan dần sang cả khu vực miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Mặc dù Ninh Bình được mệnh danh là đất tổ của nghệ thuật Chèo nhưng làng Khuốc thuộc xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình mới là nơi có phong trào biểu diễn Chèo truyền thống mạnh nhất và hiện còn lưu giữ được nhiều làn điệu Chèo độc đáo. Làng Khuốc là một trong bảy vùng Chèo nổi tiếng đất Bắc từ thế kỉ 19. Xưa, Chèo làng Khuốc từng được biểu diễn trong cung vua và được các nghệ nhân mang đi biểu diễn ở nhiều vùng miền.


Theo ông Bùi Văn Ro, chủ nhiệm Câu lạc bộ Chèo truyền thống làng Khuốc cho biết, thời bao cấp, lúc kinh tế còn nhiều khó khăn, hầu hết các gia đình chủ yếu chỉ được nghe hát Chèo qua sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam chứ rất khó để được xem những buổi biểu diễn trực tiếp của của các đoàn Chèo chuyên nghiệp. Vì vậy, vào những lúc nông nhàn, dân làng thường trải chiếu giữa sân đình để hát Chèo cho thỏa cái thú đam mê. Chính những diễn viên Chèo không chuyên này đã góp phần giúp nghệ thuật Chèo làng Khuốc nói riêng và Chèo truyền thống của Việt Nam nói chung được lưu giữ và phát triển đến nay.

Ngày xưa, Chèo thường được biểu diễn ở các sân đình, sân chùa, sân nhà các gia đình quyền quý. Sân khấu Chèo thường chỉ là một chiếc chiếu trải giữa sân, đằng sau treo chiếc màn nhỏ. Diễn viên biểu diễn trên chiếu, nhạc công ngồi hai bên mép chiếu, còn khán giả có thể đứng xem ở cả ba phía: trước và hai bên sân khấu.

Khác với các loại hình nghệ thuật dân gian khác, Chèo là một loại hình sân khấu kịch hát đậm đà tính dân tộc với sự kết hợp của các yếu tố hát, múa, nhạc, kịch vô cùng độc đáo. Hát Chèo là lối hát sân khấu, có thể đơn ca, song ca hoặc đồng ca. Giai điệu của các làn điệu hát chèo rất phù hợp với giọng tự nhiên và ngôn ngữ của người Việt. Một vở Chèo có thời lượng khoảng 2 tiếng đồng hồ. Khi diễn Chèo đòi hỏi diễn viên phải thể hiện đủ các kỹ năng hát, múa, diễn trên nền nhạc do các nhạc công hòa tấu bằng nhiều nhạc cụ như trống, mõ, sáo, nhị, tam thập lục… tạo hiệu ứng lan tỏa của lời hát.

Nội dung các vở Chèo thường miêu tả cuộc sống bình dị của người nông dân, ca ngợi những phẩm chất cao quý của con người, phê phán những thói hư, tật xấu, chống lại bất công, thể hiện tình yêu thương, lòng bao dung, sự tha thứ. Chính vì thế, khi xem Chèo, người ta không chỉ được tận hưởng những phút giây thư giãn đầy tiếng cười, mà còn có cơ hội trải nghiệm và suy ngẫm về sự đời. Nhân vật trong chèo thường mang tính ước lệ, có tính văn học cao. Đáng chú ý, hề Chèo tuy là một vai diễn phụ nhưng lại khá quan trọng đến mức dân gian có câu “phi hề bất thành Chèo”. Với lối diễn tung hứng, dí dỏm, hề Chèo không chỉ mang lại tiếng cười cho người xem thông qua việc đả kích những thói hư tật xấu của xã hội phong kiến như vua quan, những người có quyền, có của trong làng xã, mà còn chứa đựng, chuyển tải cả những tinh thần, tư tưởng khác của vở diễn.

Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, không gian biểu diễn nghệ thuật Chèo cũng dần thay đổi. Ngày nay, Chèo không chỉ được biểu diễn ở sân đình làng quê mà còn được dàn dựng để biểu diễn trên những sân khấu lớn có sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị âm thanh ánh sáng hiện đại. Xu hướng sân khấu hóa cũng kéo theo sự hình thành, phát triển của những vở Chèo hiện đại có nội dung mang tính thời sự, mang hơi thở của cuộc sống, thời đại để dễ hướng tới người xem hơn. Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 là minh chứng cụ thể trong việc có nhiều vở diễn đạt chất lượng về nội dung và nghệ thuật, hấp dẫn khán giả bằng sự sáng tạo, mới mẻ, giúp người xem cảm nhận được sự tinh tế của nghệ thuật Chèo.

 Nỗ lực để Chèo là di sản văn hóa của thế giới

Theo dòng chảy thời gian, trước tác động của nền văn hóa hội nhập, nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị của nghệ thuật Chèo truyền thống rất cần được trao truyền, giữ gìn. Hiện nay, ngoài việc các nhà hát Chèo vẫn thắp sáng sân khấu hàng tuần để nỗ lực đưa nghệ thuật Chèo đến với khán giả nhiều hơn thì công tác đào tạo đạo diễn, diễn viên Chèo cũng đang được chú trọng quan tâm.

Là nơi được xem là cái nôi của nghệ thuật Chèo đồng bằng Bắc Bộ, để thắp lửa giữ nghề Chèo truyền thống của cha ông để lại, vào các ngày cuối tuần hay những tháng hè rảnh rỗi nhiều nghệ nhân thành danh của làng Khuốc ở Thái Bình vẫn bền bỉ truyền dạy các kĩ năng cơ bản của nghệ thuật hát diễn Chèo truyền thống cho các cháu nhỏ từ 6 tuổi đến 15 tuổi.

Em Phạm Thị Hằng (14 tuổi) tâm sự: “Từ hồi 5 tuổi được nghe ông nội và bố hát nên em yêu Chèo bởi làn điệu nghe rất truyền cảm. Giờ em theo học được các bác truyền dạy cho nhiều làn điệu Chèo cổ. Em mong rằng thế hệ chúng em có thể đưa Chèo làng Khuốc vươn xa hơn.”.


Đặc biệt, cái nôi đào tạo nên những nghệ sĩ Chèo nổi tiếng của Việt Nam như Xuân Hinh, Quốc Trượng, Thanh Ngoan, Tự Long, Thu Huyền… chính là Khoa Kịch hát dân tộc của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Đây là nơi đào tạo nghệ thuật Chèo bài bản và chuyên nghiệp. Sinh viên theo học về chuyên ngành diễn viên Chèo sẽ được đào tạo trong 4 năm để có đủ những kiến thức cơ bản, nền tảng cho nghệ thuật biểu diễn Chèo như kĩ thuật hát, múa, diễn Chèo. Còn nhạc công Chèo sẽ được học kiến thức cơ bản về các loại nhạc cụ và hòa tấu cùng vở diễn. Vì thế, đây chính là nơi đào tạo, cung cấp lực lượng diễn viên, nghệ sĩ chính cho các đoàn Chèo và nhà hát Chèo trên cả nước.

Nghệ sĩ Ưu tú Lê Văn Tuấn, đạo diễn nghệ thuật Nhà hát Chèo Hà Nội cho biết: “Việc đào tạo ra những diễn viên và nhạc công Chèo chuyên nghiệp rất quan trọng vì sẽ giúp các nhà hát Chèo dàn dựng được nhiều vở diễn hay để phục vụ khán giả.”.


Cùng với công tác đào tạo thế hệ diễn viên Chèo kế cận, việc đưa nghệ thuật Chèo vào không gian văn hóa đương đại nhằm giúp nhiều người hiểu và yêu hơn về loại hình nghệ thuật này cũng được nhiều người quan tâm hưởng ứng. Gần đây, một nhóm các bạn trẻ yêu thích sân khấu truyền thống Việt đã thử nghiệm một số dự án cộng đồng đối với Chèo. Điển hình như dự án đêm diễn “Tiếng trống Chèo” ở đình Kim Liên (Hà Nội) do nhóm bạn trẻ thuộc thế hệ 9x, 10x có chung niềm đam mê với văn hóa truyền thống Việt kết hợp với các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam thực hiện. Trong vòng 2 tiếng đồng hồ đêm diễn được chia làm 3 phần gồm phần 1 giới thiệu làng Chèo nhằm giúp khán giả có những hiểu biết cơ bản về 5 tuyến nhân vật điển hình trong Chèo, phần 2 thử sắm vai để giúp khán giả hiểu hơn về việc thử vào vai các nhân vật trong vở diễn kinh điển và phần 3 sẽ là diễn trích đoạn Chèo “Quan Âm Thị Kính” do các nghệ sĩ Chèo biểu diễn.

Ngoài dự án về hoạt động biểu diễn, một số bạn trẻ khác còn đưa nghệ thuật Chèo đến gần hơn với cuộc sống đương đại thông qua việc ứng dụng số hóa vào thiết kế ra những bức tranh về nhân vật Chèo mang phong cách mĩ thuật hiện đại.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình, đơn vị được giao phối hợp xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật Chèo đồng bằng sông Hồng”, cho biết,  mục tiêu là đến hết năm 2024 sẽ hoàn thành việc xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật Chèo đồng bằng sông Hồng” để đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.


Nghệ thuật Chèo mang đậm màu sắc dân tộc, giàu tính quần chúng - đã đi sâu vào gốc rễ đời sống xã hội và thấm nhuần tư tưởng con người Việt Nam. Ảnh: Khánh Long/VNP

Sự quan tâm của nhà nước và tham gia tích cực của người dân trong hát, diễn, bảo tồn nghệ thuật Chèo là việc làm cần thiết để bảo vệ và phát huy nghệ thuật Chèo truyền thống nổi tiếng của người Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là nỗ lực và việc làm thiết thực cho thấy Việt Nam sẵn sàng làm hết sức mình để Chèo sớm được UNESSCO công nhận, vinh danh là di sản văn hóa của thế giới./.

Bài: Ngân Hà - Ảnh: Khánh Long và Tư liệu

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/cheo-–-nghe-thuat-san-khau-truyen-thong-tieu-bieu-cua-nguoi-viet-323861.html


top