Kinh tế

Chè Sông Cầu vươn lên sức sống mới

50ha chè trên địa bàn thị trấn Sông Cầu (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) được đưa vào Dự án Khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” giai đoan 2017-2019, giúp người trồng chè nơi đây đã từng bước gieo trồng chăm sóc theo quy trình VietGap để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và dần có thu nhập ổn định.
Nằm gần tuyến quốc lộ 1B từ Thái Nguyên đi Lạng Sơn, thị trấn Sông Cầu được biết đến là nơi trồng chè với sự ra đời ban đầu của Nông trường Chè Sông Cầu, nay là công ty TNHH Một Thành Viên Chè Sông Cầu. Dẫn chúng tôi đi tham quan những đồi chè với búp mọc mơn mởn, thi thoảng xen lẫn vài cây chè bắt đầu ra hoa trắng muốt trong sương sớm là anh Vương Anh Tuấn- nhóm trưởng phụ trách diện tích 20ha trên tổng số 50ha nằm trong Dự án Khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” giai đoan 2017-2019 trên địa bàn thị trấn Sông Cầu.

Anh Tuấn cho biết, đầu năm 2000, công ty TNHH MTV Chè Sông Cầu làm ăn kém hiệu quả, giá thu mua bắt đầu sụt giảm khiến cho cuộc sống của người trồng chè gặp nhiều khó khăn. Chè được trồng ít đi do người dân phải tự tìm mối đầu ra tiêu thụ sản phẩm, nhiều hộ bắt đầu chuyển đổi sang cây trồng khác.


Thị trấn Sông Cầu được quy hoạch 50ha diện tích chè trồng theo quy trình VietGAP trong khuôn khổ
Dự án Khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.


Hiện tại người dân ở 4 làng nghề chè truyền thống
của thị trấn Sông Cầu đang tập trung làm kinh tế gia đình chủ yếu từ nghề trồng chè.


Những búp chè non mơn mởn được người dân hái về để sao chè.


Sau đó người làm sẽ vào cho sao qua cho lá chè tươi khô hơn.


Lá chè vò xong sẽ được đưa sao khô ở nhiệt độ cao và đủ thời gian để tạo hương và cánh chè đẹp.


Sau khi sao khô, người làm sẽ sàng lọc để bỏ những vụn nhỏ.

Thế rồi, khi người dân đang lao đao vì nghề trồng chè và nguy cơ xóa sổ một trong những vùng chè nguyên liệu nổi tiếng Thái Nguyên ngày càng cao, đến đầu năm 2017 Dự án Khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” giai đoan 2017-2019 do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên làm chủ dự án đã triển khai trồng chè theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 50ha chè của thị trấn Sông Cầu.

Dự án đã tổ chức cho 150 hộ trồng chè trải dải trong 4 xóm của thị trấn Sông Cầu đi tham quan học hỏi kinh nghiệm tại một số vùng trồng chè nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và một vài tỉnh lân cận như Phú Thọ, Yên Bái... Từ việc chỉ quen trồng với giống chè trung du, nhiều hộ đã bắt tay vào chuyển đổi cơ cấu giống để tạo ra một số giống chè cành đặc sản như LDP1, Bát Tiên, Kim Tuyên… để cung cấp cho thị trường với sản lượng chè 30 tấn/vụ, có giá dao động từ 130.000 đồng/kg đến 500.000 đồng/kg, vào dịp sát Tết có giá bán từ 200.000 đồng/kg đến 800.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó những người dân trồng chè đã được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng chè để nắm bắt quy trình trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap do Dự án tổ chức. Trong quá trình sản xuất, các hộ đều có cán bộ giám sát để đảm bảo chất lượng chè lúc thu hoạch. Với việc hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thay thế dần bằng phân bón hữu cơ, đồng thời hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu hóa học thay thế dần bằng thuốc trừ sâu sinh học, thảo mộc nên việc sản xuất và chế biến ngày càng tạo ra các sản phẩm chè sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.



Nhiều hộ gia đình đã đầu tư bao bì để đóng thành các sản phẩm giữ được hương chè. 


Chất lượng chè Sông Cầu ngày càng có hương vị thơm ngọt nhờ quy trình trồng và chăm sóc được giám sát chặt chẽ.


Nhiều cơ sở đã chuẩn bị máy hút túi chân không để hương vị thơm của chè khi đóng gói giữ được lâu.


Các cơ sở sản xuất chè cũng đã in tên hộ sản xuất trên bao bì để người mua có thể dễ dàng tìm đến mua trực tiếp.  


Với hương vị ngọt và đậm, sản phẩm chè của thị trấn Sông Cầu
ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn sử dụng và làm quà tặng.

Theo chị Vũ Thương Huyền- Phó Chủ tịch Thị trấn Sông Cầu, hiện nay trên địa bàn đã có 4 xóm đã được công nhận là làng chè truyền thống gồm xóm 5, xóm 9, xóm Tân Tiến, xóm Liên Cơ. Bên cạnh Hợp tác xã chè Thịnh An đứng ra thu mua tiêu thụ sản phẩm cho bà con trồng chè thì cũng có một số hộ cũng đã chủ động tìm mối tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo thu nhập kinh tế chính của gia đình. Trong đó phải kể đến gia đình anh Vương Anh Tuấn ở xóm Tân Tiến với diện tích trồng 1ha, đem lại thu nhập 200 triệu/đồng/năm, hay gia đình anh Nguyễn Đức Trọng ở xóm 9 với diện tích trồng 1ha và thu mua thêm chè của 7 hộ khác có thu nhập 300 triệu/đồng/năm.

Có thể nói, với vị đậm và dịu ngọt của nước chè do sự tổng hòa bởi chất đất và quy trình trồng đảm bảo vệ sinh an toàn đến tay người tiêu dùng, sản phẩm chè Sông Cầu ngày càng khẳng định vị thế thương hiệu của mình trên thị trường./.

 
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Khánh Long

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/che-song-cau-vuon-len-suc-song-moi-170415.html


top