Tiềm năng địa phương

Cây mắc ca trên đất Việt Nam

Macadamia (mắc ca), một loài cây lấy hạt hiện được nghiên cứu và trồng thử nghiệm hơn 10 năm nay ở khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên. Đây hiện là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao vì mắc ca hợp thổ nhưỡng và khí khậu ở các khu vực này.
Mắc ca được mệnh danh là “hoàng hậu quả khô” bởi giá trị dinh dưỡng vượt trội cũng như mùi vị rất đặc trưng. Hạt mắc ca tròn như hạt nhãn, bên trong lõi có màu kem sữa và láng bóng, đường kính hạt từ 2-3 cm. Hạt có vị thơm mềm như bơ và tan mịn trên đầu lưỡi khi cho vào miệng bởi mắc ca có chứa hàm lượng chất béo rất cao. Mắc ca tại thị trường Việt Nam hiện có khoảng 32 loại sản phẩm, bao gồm nhân mắc ca tự nhiên hoặc tẩm gia vị, hạt mắc ca rang nứt vỏ và có nhiều vị đặc biệt: rang muối, mù tạt, mật ong, húng tây, ớt tỏi, kinh giới, cà phê, socola đen và trắng, quế…

Theo thống kê của Hiệp hội quả hạch và hoa quả sấy thế giới (INC), năm 2012, tổng sản lượng mắc ca toàn thế giới đạt trên 145.000 tấn (hạt nguyên vỏ) tương đương 728 triệu USD. Thị trường mắc ca tại châu Á hiện đang tăng trưởng rất mạnh. Năm 2014 đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể của thị trường Trung Quốc và Đài Loan. Theo đánh giá của INC, Việt Nam là quốc gia có những vùng khí khậu và thổ nhưỡng phù hợp để phát triển loại cây trồng đặc biệt này.

Cây mắc ca đã được nghiên cứu và trồng thử nghiệm trong hơn 10 năm trở lại đây. Theo nghiên cứu, đã xác định được hai vùng đó là Tây Bắc và Tây Nguyên có khí hậu đặc biệt thuận lợi cho cây mắc ca. Hai vùng khí hậu này có thời tiết lạnh về mùa xuân (14 - 17°C) là điều kiện cần để cây ra hoa và không có mưa phùn là điều kiện để hoa thụ phấn và kết quả. Từ năm 1994 cây mắc ca đã được đưa vào trồng thử nghiệm ở các tỉnh Đắc Lắc, Sơn La. Cây ghép sau khi trồng 3 - 4 năm đã bói quả, đến năm thứ 7 khi cây đã định hình, mỗi ha có thể cho tới 10 tấn quả, tương đương 3 - 4 tấn hạt.


Cây mắc ca giống. Ảnh: Tất Sơn

Vườn ươm cây mắc ca tại tỉnh Điện Biên. Ảnh: Tư liệu

Cây mắc ca ở Điện Biên mang lại sản lượng rất cao. Ảnh: Tư liệu

Quả cây măc ca trồng tại khu vực Tây Bắc Việt Nam. Ảnh: Tu liệu

Hạt mắc ca thành phẩm thu hoạch tại Việt Nam. Ảnh: Tất Sơn

Nghị định 210/2013/NĐ-CP quy định: Các dự án trồng cây mắc ca có quy mô từ 50 ha trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/ha; hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống cây mắc ca quy mô 500.000 cây giống/năm trở lên thì mức hỗ trợ tối đa 70% chi phí đầu tư.
Hiện nay, thị trường mắc ca Việt Nam bắt đầu sôi động với sự tham gia dây chuyền từ các nhà khoa học bàn giao công nghệ cho nông dân đến doanh nghiệp trồng, chế biến và xuất nhập khẩu.

Trong năm 2014, Công ty Cổ phần Thương mại, Đầu tư Phát triển Công nghệ Quốc tế (IDT International) và Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ Nông lâm nghiệp Thành Tây đã tổ chức diễn đàn với chủ đề “Phát triển cây mắc ca vì mục tiêu làm giàu của nông dân Tây Bắc và Tây Nguyên” tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Hai diễn đàn lớn đã tạo nên nhiều cơ hội kinh doanh cho các hộ nông dân trồng cây mắc ca và các đơn vị nhập khẩu, chế biến các sản phẩm từ mắc ca.

Mới đây tại Hà Nội, sự kiện lớn Festival Macadamia 2015 vừa tổ chức tại Hà Nội giới thiệu tới cộng đồng người tiêu dùng các sản phẩm chế biến từ mắc ca và những cơ hội đầu tư về loại cây này. Nhiều lãnh đạo các Bộ, ban, ngành trung ương, địa phương và các nhà khoa học, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng gặp nhau trong một diễn đàn để cùng thảo luận tìm ra những giải pháp, hướng đi phát triển mắc ca một cách toàn diện.

Theo TS. Nguyễn Trí Ngọc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây thì cây mắc ca là loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao gấp đôi, thậm chí gấp ba cây cà phê, cây điều. Sau hơn 10 năm đưa vào trồng tại Việt Nam, diện tích mới đạt trên 2000 ha và có trên 10 giống mắc ca phù hợp với vùng Tây Nguyên và Tây bắc.


Hạt mắc ca được mệnh danh là hoàng hậu quả khô bởi giá trị dinh dưỡng vượt trội
và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng trọt.
Ảnh: Tất Sơn

Sản phẩm hạt mắc ca được sơ chế và đóng gói tại Việt Nam. Ảnh: Tất Sơn

Sản phẩm kem dưỡng da được chiết xuất từ hạt mắc ca. Ảnh: Tất Sơn

Sản phẩm được làm từ hạt mắc ca. Ảnh: Tư liệu

Hình ảnh hạt mắc ca thành phẩm được trưng bày tại Festival Macadamia 2015 diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: Tất Sơn

Khách hàng dùng thử sản phẩm kem dưỡng da được chiết xuất từ hạt mắc ca. Ảnh: Tất Sơn

Khách hàng thưởng thức hạt mắc ca tại Festival Macadamia 2015 diễn ra tại Hà nội. Ảnh: Tất Sơn

Hiện nay, một số doanh nghiệp đã đầu tư chiều sâu vào lĩnh vực trồng, chế biến, kinh doanh các các sản phẩm mắc ca và được tiêu thụ rất tốt trên thị trường. Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt đang thực hiện đề án cho nông dân vay 10 nghìn tỷ đồng để trồng loại cây này. Công ty CP Vinamacca tham gia và thực hiện dự án tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca, xây dựng 3 vườn ươm quy mô lớn tại huyện Yên Thủy (Hòa Bình), huyện Krông Năng và công ty Cà phê 715B M’ Drak (Đăk Lắk). Ngoài ra, công ty CP Macadamia tỉnh Điện Biên đã triển khai dự án trồng 3.400 ha rừng kinh tế kết hợp trồng cây mắc ca tại địa bàn huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên./.
 
 Bài: Bích Vân -  Ảnh: Tất Sơn, IDT

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/cay-mac-ca-tren-dat-viet-nam-76443.html


top