Văn hóa

Câu lạc bộ Cầm Ca - nơi ươm mầm đam mê với âm nhạc truyền thống

Không phân biệt lứa tuổi, đối tượng, Câu lạc bộ Cầm Ca là nơi để những người trẻ yêu âm nhạc truyền thống truyền lửa tới nhiều người trong cộng đồng về nhạc cụ dân tộc cũng như bảo tồn văn hóa dân tộc.

Không phân biệt lứa tuổi, đối tượng, Câu lạc bộ Cầm Ca là nơi để những người trẻ yêu âm nhạc truyền thống truyền lửa tới nhiều người trong cộng đồng về nhạc cụ dân tộc cũng như bảo tồn văn hóa dân tộc.

Câu lạc bộ “Cầm ca” biểu diễn tại chương trình bế giảng lớp Bình dân học nhạc do câu lạc bộ tổ chức. Ảnh: Trần Thanh Giang

Câu lạc bộ Cầm Ca được bạn Lê Hà Thu - học sinh trường Hà Nội Amsterdam thành lập vào năm 2019. Hà Thu chia sẻ: “Khi mới vào trường, em rất mong muốn mang cây đàn bầu của mình lên sân khấu, đến với nhiều người nhưng lại không có câu lạc bộ nào đón nhận nhạc cụ này. Tuy nhiên em thấy có bạn chơi sáo trúc, đàn bầu rất hay nên em đã quyết tâm tạo sân chơi cho mình cũng như các bạn được nói lên đam mê.”.

Thời gian đầu khi bắt đầu mở câu lạc bộ, Hà Thu đã phải thuyết phục ban giám hiệu nhà trường rằng khi đã có 40 câu lạc bộ của trường đã hướng ra thế giới rồi thì cho những thanh niên trẻ như mình có một cơ hội để hướng về cội nguồn qua tình yêu với nhạc cụ âm nhạc truyền thống. Sau khi thuyết phục được ban giám hiệu trường, câu lạc bộ Cầm Ca đã ra đời và có nhiều cơ hội biểu diễn những dịp chào mừng các ngày lễ lớn của trường cũng như phối hợp với một vài dự án biểu diễn cho thanh niên và các trẻ em mồ côi ở làng trẻ em SOS. Vinh dự "ghi danh" và trở thành Câu lạc bộ thứ 40 tại ngôi trường Hà Nội - Amsterdam, Cầm Ca có thể nói là đàn em "sinh sau đẻ muộn" đặc biệt trong lĩnh vực Nghệ thuật vốn đã là thế mạnh của trường. Mặc dù vậy, bằng toàn bộ nhiệt huyết, những mục tiêu và sự nỗ lực không ngừng mà Cầm Ca với sức ảnh hưởng, những thành tựu cũng chẳng hề thua kém so với các thế hệ đi trước.

Thành viên của Câu lạc bộ Cầm Ca được chiêu mộ không chỉ có học sinh trường Hà Nội Amsterdam mà còn có học sinh ở các trường học khác có cùng tình yêu âm nhạc truyền thống. Đến nay câu lạc bộ Cầm Ca có gần 80 thành viên.

Sau những bước chân đầu tiên, Cầm Ca nhận được sự quan tâm và ủng hộ của rất nhiều các bạn trẻ, những người yêu thích, quan tâm tìm hiểu về những nhạc cụ truyền thống. Và từ đó câu lạc bộ đã mở những lớp bình dân học nhạc để phổ cập nhạc lý và tình yêu âm nhạc truyền thống đến với nhiều người trong cộng đồng. Kể từ thành lập đến nay, câu lạc bộ đã mở 3 khóa học trực tiếp và trên mạng với số học viên tham gia gần 400 người.

Để tham gia khóa học bình dân học nhạc của câu lạc bộ thì chỉ cần đơn giản là có tình yêu với âm nhạc. Khi câu lạc bộ thông báo mở đơn chào đón những học viên, người học chỉ cần đăng ký để lựa chọn loại đàn mà mình yêu thích để tham gia. Tuy nhiên để đảm bảo giáo viên có thể quan tâm được hết tất cả học viên để đạt chất lượng cao khóa học, câu lạc bộ chỉ nhận số lượng học viên vừa đủ. Khi học lý thuyết, câu lạc bộ sẽ sắp xếp cho 20-40 học viên cùng tham gia để mọi người dễ đồng thanh hơn, nhưng khi học thực hành trên đàn thì một lớp nhạc chỉ có từ 2-4 học viên.

Các bạn giảng dạy tại lớp học bình dân học nhạc là những sinh viên được đào tạo bài bản về âm nhạc ở các nơi như Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam và Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội. Những giảng viên này sẽ được cho dạy thử để biết được tâm lý học viên và trải nghiệm thực tế khi mình đi học ở trường chuyên nghiệp và dạy nghiệp dư như nào, bởi học viên tham gia khóa học thường ở đủ các độ tuổi khác nhau. Những bạn chưa đủ tiêu chuẩn giảng dạy sẽ trợ giảng, quan sát giáo viên và điều hướng học viên trong lớp học.

 

Lớp lý thuyết học viên sẽ được dạy được nhìn mặt nốt nhạc, có thể đọc những cao độ và cuối khóa có thể áp dụng vào trong việc học đàn để tiếp thu nhanh hơn, không phải suy nghĩ nhiều khi chơi đàn. Còn khi thực hành học viên sẽ được lắng nghe trực tiếp tiếng nhạc mình chơi và cùng với học viên khác nhìn vào tay nhau để sửa sai được. Lớp học thực hiện sẽ diễn ra trong khoảng 4 đến 8 buổi tùy vào thời lượng của nhạc cụ ấy có tính đặc thù thế nào và sự sắp xếp lịch học của giáo viên phù hợp được với học viên.

Điều thú vị trong khóa học bình dân học nhạc của Câu lạc bộ Cầm Ca tổ chức chính là vừa để những bạn trẻ yêu âm nhạc truyền thống thỏa sức với niềm đam mê của mình, vừa giúp nhiều người thay đổi về nhạc cụ truyền thống bằng việc không chỉ dạy chơi những bài dân ca cổ truyền mà trước giờ ai cũng thấy nhàm chán, mà câu lạc bộ còn giúp nhiều người thấy được sự mới mẻ và tươi vui khi có thể chơi những bản nhạc hiện đại trên chính những cụ truyền thống.

 

Chị Trần Thanh Thúy (36 tuổi) cho biết: “Trước khi khóa học của Câu lạc bộ Cầm Ca thì kiến thức âm nhạc của tôi là số 0. Khi tham gia học đàn bầu ở đây thì tôi thấy hiểu hơn về nhạc cụ dân tộc của mình khác so với hình dung trước đây của mình. Khi được các bạn trẻ ở câu lạc bộ dạy về nhạc, tôi thấy mình vừa có thêm nhiều trải nghiệm thú vị cùng với giới trẻ, vừa thêm tự hào về văn hóa nhạc cụ âm nhạc truyền thống.”.

Lê Hà Thu - Chủ tich câu lạc bộ Cầm Ca chia sẻ thêm: “Em rất mong sắp tới câu lạc bộ sẽ nhận được sự bảo trợ từ phía Thành đoàn Hà Nội để CLB em có cơ hội biểu diễn nhiều hơn, truyền lửa tới nhiều bạn trẻ về yêu âm nhạc truyền thống cũng như bảo tồn văn hóa dân tộc.”./.

Câu lạc bộ Cầm ca biểu diễn tại chương trình “Nhớ về những ngày xưa cũ” với mong muốn đem âm nhạc và niềnm vui tới các bé mồ côi
hoặc có hoàn cảnh khó khăn của xóm Phao, quận Long Biên ( Hà Nội) và các em nhỏ tại mái ấm Thiên Ân. Ảnh: Trần Thanh Giang

Bài: Ngân Hà- Ảnh: Trần Thanh Giang & Tư liệu

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/cau-lac-bo-cam-ca-noi-uom-mam-dam-me-voi-am-nhac-truyen-thong-307126.html


top