Những ngày giáp tết Tân Mão, để tìm hiểu tình hình nuôi và chế biến cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chúng tôi đã thực hiện một chuyến đi dài qua mấy tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau... Càng đi càng thấy người nông dân đã nỗ lực rất nhiều để con cá tra Việt Nam luôn đứng vững ở vị thế số 1 trên thị trường quốc tế trong suốt hơn một thập niên qua
NGHỀ NUÔI CÁ TRA
Thân phận con cá tra giống như “nàng lọ lem” trong truyện cổ tích. Từ chỗ chỉ là giống cá nuôi trong các ao nhà để cải thiện đời sống, con cá tra đã trở thành hàng hóa khi nền kinh tế thị trường mở ra. Và từ những năm 1997 - 1998, cá tra đã vượt biên giới đến với thị trường nước ngoài.
Từ bỏ lối chăn nuôi nhỏ lẻ, người dân ĐBSCL đã phát triển nghề nuôi cá tra lên một tầm vóc mới với những trang trại, vùng nuôi chuyên nghiệp lớn hàng chục, hàng trăm hecta. Việc ứng dụng khoa học kĩ thuật cũng nhanh chóng được phổ cập đến từng hộ gia đình. Con cá tra đã làm quen với thức ăn công nghiệp, thuốc thú y, hậu duệ của nó đã được sản sinh từ những trại giống có quy mô lớn với quy trình hiện đại chứ không còn nhờ nguồn cá bột từ tự nhiên như trước nữa.

Chọn cá bố mẹ để phục vụ việc sản xuất cá tra giống chất lượng cao. Ảnh: Minh Quốc

Một trại cá tra tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Minh Quốc

Hệ thống ao nuôi đảm bảo chất lượng. Ảnh: Minh Quốc

Đưa thức ăn công nghiệp về nuôi cá. Ảnh: Quang Minh

Cá giống tại trại Nguyễn Khanh, huyện Châu Thành, Đồng Tháp. Ảnh: Minh Quốc

Nghề nuôi cá tra phát triển mạnh ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Minh

Cá tra sắp đến tuổi thu hoạch. Ảnh: Minh Quốc

Mùa thu hoạch cá tra. Ảnh: Kim Sơn

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, một trong số nhiều người làm nghề nuôi cá tra ở An Giang đã được cấp chứng chỉ SQF.
Ảnh: Lê Minh |
Từ năm 2000 trở đi, nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL bắt đầu có những bước nhảy ngoạn mục với việc hình thành nên các vùng nuôi tập trung lớn ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long... với tổng diện tích lên đến hơn 5 nghìn ha. Nếu năm 2001 sản lượng cả vùng mới đạt khoảng hơn 100 nghìn tấn thì năm 2009 đã lên tới trên 1 triệu tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu tới 1,4 tỉ USD. Từ đó, nhiều hộ nông dân đã trở nên giàu có nhờ con cá tra “lọ lem” ngày nào.
Những năm gần đây, quy trình nuôi cá tra đã được phát triển theo hướng bền vững nhờ có những lớp tập huấn về kĩ thuật với đầy đủ các quy trình từ xử lí môi trường nuôi, con giống, thức ăn, cho tới cách sử dụng thuốc phòng chữa bệnh… Người ta cũng đã tiến hành mã số hóa các ao nuôi, xây dựng hệ thống quan trắc tại các địa phương để giúp việc truy xuất chính xác, kịp thời dấu hiệu vi phạm môi trường hay dịch bệnh mỗi khi xảy ra.
Thăm trại cá tra của ông Nguyễn Hữu Nguyên ở xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, chúng tôi được chứng kiến một hệ thống ao nuôi xây dựng theo quy trình khép kín rất có bài bản với đầy đủ hệ thống ao lắng, hệ thống xử lí nước trước và sau khi nuôi… Nhờ áp dụng quy trình nuôi tiên tiến này mà từ năm 2003 trại cá của ông Nguyên đã có chứng chỉ SQF (“Safe Quality Food” - Chứng chỉ công nhận tiêu chuẩn thực phẩm an toàn và chất lượng của quốc tế). Ông Nguyên cho biết, ở An Giang hiện có hơn 600 hội viên của Hiệp hội Thủy sản An Giang không chỉ đã đạt được chứng chỉ này mà hầu hết còn được qua lớp tập huấn theo tiêu chuẩn Global GAP (“Global Good Agricultural Practices” - Tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu).
Mặc dù đã cố gắng như vậy nhưng con cá tra của Việt Nam vẫn gặp không ít khó khăn trong quá trình hội nhập. Ví dụ như tháng 12/2002, vụ kiện bán phá giá cá da trơn vào thị trường Mỹ đã làm điêu đứng các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam. Sau nữa là sản phẩm bị phát hiện nhiễm kháng sinh, rồi việc tăng trưởng nóng cũng đặt ra nhiều vấn đề về môi trường. Và mới đây nhất, vào những ngày cuối năm 2010, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) lại đưa sản phẩm cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ khuyến cáo không nên dùng tại 6 nước châu Âu là Đức, Bỉ, Áo, Đan Mạch, Na Uy và Thụy Sĩ vì lí do môi trường. Sự cố này sau đó đã được giải quyết bằng việc WWF rút lại lời khuyến cáo vì phát hiện ra có sự nhầm lẫn sau khi ông Mark Powell, đại diện của WWF đích thân sang Việt Nam tìm hiểu thông tin.
Những cơn “sóng gió” ấy tuy không phải do lỗi hoàn toàn từ phía người nuôi và chế biến cá tra Việt Nam, nhưng nó cho thấy những vấn đề mà cá tra Việt Nam có thể phải đối mặt khi gia nhập thị trường quốc tế. Điều này đã được dự báo từ sớm, và Việt Nam đã, đang, và sẽ còn phải tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để nghề nuôi và chế biến cá tra phát triển theo hướng bền vững bằng sự liên kết của cả 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông.
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, từ nhiều năm nay, để việc nuôi thủy sản nói chung và cá tra nói riêng phát triển bền vững, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã chỉ đạo việc thực hiện chương trình quản lí chất lượng thông qua sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông.
Ví dụ như ở tỉnh An Giang, các công ti chế biến thủy sản xuất khẩu như Agifish, Afiex, Asia Feed, Việt An và IDI đã kí kết với người nông dân hình thành 5 vùng nguyên liệu tập trung áp dụng tiêu chuẩn SQF 1000 CM, SQF 2000CM và Global GAP với tổng diện tích 253,7 ha. Hay như tại huyện Châu Thành của tỉnh Đồng Tháp hiện cũng có 3 doanh nghiệp là Vĩnh Hoàn, Hùng Cá, Docifish đã triển khai mô hình này với diện tích nuôi khoảng 70 ha, và dự kiến trong năm 2011 này sẽ có thêm 5 doanh nghiệp với tổng diện tích khoảng 162 ha. Tại Cần Thơ, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu Bianfishco cũng có trang trại cá tra riêng để chủ động nguồn nguyên liệu sạch cho mình.

Dây chuyền chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy chế biến thủy sản IDI ở An Giang. Ảnh: Thịnh Phát

Dây chuyền sơ chế cá nguyên liệu. Ảnh: Lê Minh

Sản phẩm cá tra fillet đông lạnh. Ảnh: Lê Minh

Đóng gói sản phẩm cá tra xuất khẩu. Ảnh: Lê Minh

Hệ thống xử lí nước thải tại nhà máy chế biến thủy sản IDI. Ảnh: Lê Minh

Ông Trương Vĩnh Thành, Tổng Giám đốc nhà máy IDI, kiểm tra chất lượng nước thải đã qua xử lí. Ảnh: Lê Minh

Sản xuất phân hữu cơ bằng nguyên liệu thừa từ việc nuôi và chế biến cá tra tại nhà máy MekoFa. Ảnh: Lê Minh

Đóng gói sản phẩm tại nhà máy MekoFa. Ảnh: Lê Minh

Sản phẩm phân hữu cơ thân thiện với môi trường của MekoFa. Ảnh: Thịnh Phát |
Để phục vụ cho việc nuôi cá tra, các địa phương cũng đã tập trung phát triển lĩnh vực sản xuất con giống và thức ăn. Số lượng các cơ sở sản xuất cá giống liên tục tăng nhanh. Nếu như năm 2001 cả khu vực ĐBSCL mới có 82 cơ sở thì đến năm 2007 đã có 5.171 cơ sở, và đến năm 2008 đã có 5.633 cơ sở. Riêng tỉnh Đồng Tháp có 4.300 cơ sở. Trong số đó có nhiều trại hiện đại, áp dụng kĩ thuật tiên tiến, nhờ đó mà năm 2009 các cơ sở này đã sản xuất được tới hơn 2 tỉ con giống cá tra.
Thức ăn công nghiệp nuôi cá cũng đã được cung cấp tương đối đầy đủ từ 142 nhà máy (theo số liệu của năm 2008). Các nhà máy đã khai thác triệt để nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương như cám, bã đậu nành, khô dầu… để sản xuất thức ăn cho cá. Do vậy, thức ăn nuôi cá tra vừa đảm bảo vệ sinh, vừa rẻ và vừa thân thiện với hệ sinh thái hơn nhiều so với việc dùng thức ăn có nguồn gốc từ động vật.
Đối với các nhà máy chế biến xuất khẩu thì quy trình xử lí nước thải là điều kiện bắt buộc. Điều thú vị là cả người nông dân lẫn các doanh nghiệp sản xuất phân bón ở ĐBSCL rất nhạy bén và sáng tạo trong cách xử lí phế thải trong quá trình nuôi và chế biến thủy sản. Với quy mô và sản lượng tăng trưởng vượt bậc trong hơn chục năm qua thì kèm theo đó là khối lượng chất thải khổng lồ từ việc nạo vét hồ ao nuôi, sản phẩm phế thải từ khâu chế biến cá… đã được tận dụng làm nguyên liệu kết hợp với nguồn than bùn dồi dào có sẵn tại nhiều địa phương để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh rất hiệu quả cho cây trồng và thân thiện với môi trường.
Ông Ba Danh, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh An Giang, người sáng lập nhà máy phân bón MekoFa tại xã Lương An Trà, thị trấn Tri Tôn, tự hào nói: “Nhờ có nguồn nguyên liệu dồi dào từ việc nuôi và chế biến cá tra mà năm 2009 sản phẩm phân bón vi sinh của chúng tôi đã nhận được cúp vàng của Bộ Nông nghiệp, huy chương vàng của UBND tỉnh An Giang… Bà con địa phương dùng phân hữu cơ của MekoFa vừa rẻ, vừa cho năng suất và chất lượng cao hơn, lại bảo vệ được môi trường... Chúng tôi còn có dự án xuất khẩu phân bón hữu cơ vi sinh sang cả Úc”. Sản phẩm của MekoFa với khẩu hiệu “xóa nghèo cho đất, xóa đói cho cây” đã vượt khỏi phạm vi tỉnh nhà đến với các trang trại thanh long ở Ninh Thuận; sầu riêng, bưởi, cây cảnh của Vĩnh Long, Bến Tre; cây cao su, cà phê, điều của Tây Nguyên…
Dù “sóng gió” có đôi lúc làm nghề nuôi và chế biến cá tra Việt Nam chao đảo, nhưng cá tra Việt Nam vẫn đứng vững và tiếp tục khẳng định được mình nhờ năng suất cao, giá rẻ, hàm lượng dinh dưỡng hợp lí, ngon, dễ phù hợp với các nền văn hóa ẩm thực khác nhau… Sản phẩm cá tra chế biến của Việt Nam cũng ngày một đa dạng hơn. Từ dạng nguyên con bỏ đầu, cắt khúc, fillet lột bỏ da đến các sản phẩm ăn liền rất phong phú, đáp ứng được hầu hết nhu cầu của các thị trường quốc tế, trong đó có những thị trường khó tính như Mĩ. Nhờ đó mà sản phẩm cá tra của Việt Nam hiện đã có mặt trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm lĩnh tới 99% thị phần thế giới.
Với quyết tâm xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sản phẩm cá tra của Việt Nam đã và đang bước đi trên con đường phát triển bền vững. Sắp tới, Hiệp hội những người nuôi cá tra sẽ được thành lập nhằm hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi cho người nuôi cá. Với những giải pháp đó, chắc chắn cá tra Việt Nam sẽ ngày càng khởi sắc và tiếp tục khẳng định được mình và được thị trường thế giới tin dùng như trong suốt hơn chục năm qua./.
Bài: Thịnh Phát, Vân Quý - Ảnh: Quang Minh, Minh Quốc, Lê Minh
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/ca-tra-viet-nam-20206.html