Tiềm năng địa phương

Bước đột phá sau 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận

Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là ba trụ cột được kỳ vọng là dấu ấn mở đầu quan trọng cho chặng đường mới, đánh dấu bước phát triển về chất, từ đó sẽ đưa tỉnh Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững. Sau 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (từ năm 1992 đến năm 2022), những quyết định này vẫn được xác định là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh trong giai đoạn mới.

Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là ba trụ cột được kỳ vọng là dấu ấn mở đầu quan trọng cho chặng đường mới, đánh dấu bước phát triển về chất, từ đó sẽ đưa tỉnh Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững. Sau 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (từ năm 1992 đến năm 2022), những quyết định này vẫn được xác định là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh trong giai đoạn mới.

Với lợi thế 192 km đường bờ biển dài và nắng gió quanh năm nên Bình Thuận là địa phương có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo thuộc loại cao nhất trong cả nước. Số giờ gió, giờ nắng trung bình cao hơn so với số giờ trung bình ở phía Nam, tốc độ gió và bức xạ nhiệt cao và ổn định, rất phù hợp và thuận lợi để phát triển điện gió, điện mặt trời.

Những công trình năng lượng bền vững ít ảnh hưởng tới môi trường ở Bình Thuận.

Từ những lợi thế đó, tỉnh đã đề ra nhiệm vụ khai thác tiềm năng năng lượng bền vững ít ảnh hưởng đến môi trường, như điện mặt trời, điện gió (nhất là điện gió ngoài khơi), điện khí hóa lỏng LNG và tích cực triển khai các dự án năng lượng để Bình Thuận sớm trở thành Trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia, đưa ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế lâu dài và bền vững. Từ những gì đã đạt được, mục tiêu đến năm 2030, cung cấp đủ nhu cầu năng lượng đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Không chỉ thể hiện được thế mạnh về năng lượng tái tạo, từ lâu, du lịch Bình Thuận đã khẳng định thương hiệu và tiếp tục đà tăng trưởng, không những là điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam, mà còn trở thành điểm nghỉ dưỡng biển nổi tiếng thế giới nhờ vào thế mạnh bờ biển dài với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp.

Hiện nay, Bình Thuận đã ghi tên mình trong danh sách 10 tỉnh du lịch nổi bật của Việt Nam, Mũi Né trở thành 1 trong 6 Khu du lịch quốc gia của cả nước và xây dựng thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Những đồi cát trắng, đỏ ven biển Phan Thiết luôn là nơi thu hút khách du lịch. Ảnh: Báo ảnh Việt Nam 

Ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: “Bình Thuận hiện đã trở thành khu du lịch trọng điểm của quốc gia với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, tham quan, du lịch kết hợp chơi thể thao biển, du lịch tín ngưỡng, biển đảo… Du lịch phát triển đã góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của Bình Thuận. Du lịch phát triển giúp giải quyết nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động ở địa phương, đặc biệt là lao động nông thôn, lao động các vùng ven biển. Mặt khác, du lịch phát triển đã góp phần gìn giữ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, các tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn tỉnh.”

Du lịch Bình Thuận, đặc biệt là Khu du lịch Mũi Né ở thành phố Phan Thiết đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Khu Du lịch quốc gia, trở thành thương hiệu du lịch mang tầm quốc tế, được nhiều tạp chí về du lịch uy tín trên thế giới bình chọn, công nhận là một trong những điểm đến lý tưởng.

 

Với những “bước tiến” vững chắc qua quá trình phát triển, vai trò, vị trí của du lịch Bình Thuận trong cơ cấu kinh tế ngày càng nâng lên, thể hiện là ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng rõ nét, góp phần quan trọng trong việc khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai, lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Bình Thuận vốn được biết là vùng đất “khát” nhưng với những thành tựu nổi bật về thủy lợi qua quá trình phát triển đã cơ bản giải quyết tốt bài toán hạn hán, những công trình thủy lợi đã đáp ứng nhu cầu nguồn nước cho phát triển nông nghiệp.

Do đó, định hướng của tỉnh trong giai đoạn phát triển mới là ưu tiên phát triển ngành nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao.

Sản xuất hữu cơ gắn với liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị và bảo vệ môi trường sinh thái là nhiệm vụ, giải pháp then chốt để phát triển ngành nông nghiệp trở thành một trong ba trụ cột trong nền kinh tế của tỉnh...

Tập trung cơ cấu lại quy mô sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ. Đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ việc trồng giống mới có năng suất, chất lượng, khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu của tỉnh đối với các loại cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách toàn diện, tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng và đang kêu gọi đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Bắc Bình với tổng diện tích hơn 2.000ha.

 

Mục tiêu của khu nông nghiệp công nghệ cao nhằm hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ sản xuất cho ngành nông nghiệp khu vực duyên hải Nam Trung Bộ nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời, tư vấn, chuyển giao công nghệ và phổ biến nhân rộng mô hình, ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao... phục vụ cho ngành nông nghiệp khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và tỉnh Bình Thuận.

Với tiềm năng lợi thế về đất đai (diện tích đất nông nghiệp hơn 356.700ha, chiếm 44,91% diện tích đất tự nhiên), tỉnh Bình Thuận đang tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp thông minh, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại (công nghệ tưới tiêu tự động, tiết kiệm nước; công nghệ kiểm soát côn trùng theo phương pháp sinh học; công nghệ bảo quản sau thu hoạch...), xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang giá trị kinh tế cao vào Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Thuận.

Để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, tỉnh Bình Thuận ban hành nhiều chính sách ưu đãi như tạo điều kiện để doanh nghiệp hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định pháp luật về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp trong nghiên cứu…

Theo đánh giá của các chuyên gia về nông nghiệp, kinh tế thế giới đang dịch chuyển manh mẽ theo hướng “xanh” và “thông minh,” với việc định hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Bình Thuận hứa hẹn sẽ tạo ra một nền nông nghiệp sạch, phát triển nhanh và không gây tổn hại đến môi trường.

Từ những chủ trương, chính sách đúng và những định hướng có trọng tâm, trọng điểm, Bình Thuận đang vững bước trở thành một trong những khu vực phát triển năng động nhất cả nước hiện nay./.

  • Bài: Nguyễn Thanh
  • Ảnh: Nguyễn Luân, tư liệu Báo ảnh Việt Nam 

 

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/buoc-dot-pha-sau-30-nam-tai-lap-tinh-binh-thuan-306970.html


top