Ngày 26/2 vừa qua, tại Tp. Hồ Chí Minh, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) phối hợp với Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) và Viện Trao đổi Văn hóa Pháp (IDECAF) đã tổ chức triển lãm với chủ đề “Tranh dân gian Việt Nam - Tranh bộ ba”. Triển lãm nằm trong chương trình văn hóa của Năm hợp tác Pháp - Việt.
Triển lãm “Tranh dân gian Việt Nam - Tranh bộ ba” nhằm mục đích góp phần phát huy giá trị văn hóa dân gian Việt Nam và bảo tồn di sản tư liệu thành văn. Triển lãm trưng bày 15 khung ảnh về đề tài tranh dân gian, gồm những hình ảnh được chọn lọc từ hai tác phẩm “Bách khoa toàn thư về kỹ thuật” của Henri Oger, “Tranh dân gian” của Maurice Durand và những bản khắc gỗ chưa từng được công bố của bản thảo tranh màu. Những tư liệu quý hiếm này đều đang được lưu trữ tại Viện Viễn Đông Bác Cổ Paris (Pháp). Riêng bộ tranh Lục Vân Tiên thì hoàn toàn là một phát hiện mới, chưa từng có một nghiên cứu nào.
Bức tranh cô gái thổi sáo.
Bức tranh cô gái chơi đàn nguyệt.
Bức tranh hoa sen và cua đồng.
Bức tranh chú bé và quả phật thủ.
Bức tranh cụ già và quả lựu.
Bức tranh thần canh cửa ngồi trên lưng hổ.
Bức tranh thần bảo hộ cưỡi kỳ lân.
Bức tranh cậu quận tứ phủ.
Bức tranh tả cảnh Thúc Sinh gặp Kiều.
Bức tranh tả cảnh Kiều và Kim Trọng tự tình.
Theo GS. Phillippe Papin của Trường Cao học Thực hành Paris, nguyên là chuyên viên của Viện Viễn Đông Bác Cổ, sở dĩ các loại tranh trên đều được gọi là dòng tranh dân gian bởi vì tranh được sáng tác bằng kỹ thuật in bản gỗ thủ công dân gian, sau đó họa sĩ mới tiếp tục tô điểm thêm màu sắc dựa trên bản in gỗ đó.
Ngoài tranh dân gian của Henri Oger vốn từng công bố rộng rãi, từ tranh dân gian của Maurice Durand đến tranh Lục Vân Tiên đều được xem là lần đầu công bố tại Việt Nam.
Ông Maurice Durand, nguyên Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội trước đây, một người có thú vui sưu tầm tranh dân gian của Việt Nam. Năm 1956 khi rời nhiệm sở, ông mang theo cả bộ sưu tập của mình về Pháp, rồi khi ông mất, vợ ông hiến tặng bộ sưu tập cho Viện Viễn Đông Bác Cổ. Năm 1960, bộ sưu tập này của ông Maurice Durand lần đầu xuất bản thành sách tại Pháp. Sau đó, GS. Phillippe Papin đã chỉnh lý lại cho hợp lý hơn bằng các ngôn ngữ Việt - Pháp - Hán - Nôm. Bộ sưu tập “Tranh dân gian” của Maurice Durand trưng bày tại Triển lãm lần này gồm những nội dung như: Cuộc sống hằng ngày và thiên nhiên, Tôn giáo và tín ngưỡng, Văn học Việt Nam (Kiều, Thạch Sanh, Phạm Công - Cúc Hoa...), Văn học Trung Quốc (Tây du ký, Tam quốc chí...).
Bức tranh tả cảnh cuộc sống thường nhật của người Việt xưa.
Bức tranh tả cảnh "vinh quy bái tổ".
Bức tranh thợ cày.
Bức tranh tả cảnh trò chơi bịt mắt bắt dê.
Bức tranh vẽ vua Đinh Tiên Hoàng.
Bức tranh tả cảnh Trần Hưng Đạo đại phá quân Nguyên.
Bức tranh tả cảnh cày cấy, giần sàng...
Bức tranh mô tả nghệ sỹ đường phố và các loại nhạc cụ xưa.
Bức tranh mô tả kỹ thuật làm nhà của người Việt xưa.
Một góc không gian Triển lãm “Tranh dân gian Việt Nam - Tranh bộ ba”.
Riêng bộ bản thảo tranh màu Lục Vân Tiên được thực hiện vào những năm cuối thế kỷ XIX. Bộ bản thảo này được phỏng theo tác phẩm Lục Vân Tiên - truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu, từng được Trương Vĩnh Ký cho xuất bản lần đầu tiên vào năm 1889. Đây là một trong những tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam. Do yêu thích tác phẩm này của Nguyễn Đình Chiểu, một người Pháp tên là Eugene Gilbert đã đặt hàng một họa sĩ người Huế tên Lê Duy Tranh vẽ lại. Năm 1899, ông đã tặng bộ bản thảo Lục Vân Tiên cho Viện Viễn Đông Bác Cổ.
Có thể nói, các tác phẩm trưng bày tại Triển lãm “Tranh dân gian Việt Nam - Tranh bộ ba” đã thể hiện sự cống hiến lớn lao của các học giả người Pháp trong việc gìn giữ và bảo tồn các di sản văn hóa dân gian Việt Nam. Triển lãm sẽ mở cửa đón khách tham quan từ nay đến hết ngày 6/4./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Lê Minh
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/bo-tranh-dan-gian-quy-cua-viet-nam-42059.html