Vào năm 2003, niềm đam mê xe cổ bỗng “trỗi dậy” khi anh Lâm Văn Tấn nhìn thấy một người chạy chiếc xe gắn máy Mobylette. Anh tìm hiểu thì được biết đây là dòng dùng xăng pha với nhớt (theo một tỷ lệ nhất định), muốn khởi động xe phải đạp bàn đạp cho máy nổ, sau đó mới chạy được. Cảm thấy “mê mẩn” trước sức hút của “con” Mobylette, anh Tấn quyết tâm bằng mọi giá phải sở hữu một chiếc xe thuộc dòng này. Và cuối cùng, anh có được chiếc xe Mobylette đầu tiên với giá 3,5 triệu đồng.
Từ đó, anh Tấn càng muốn sở hữu thêm nhiều chiếc xe cổ nên mỗi khi ra đường anh Tấn chỉ để ý xem ai có dòng xe giống như mình không, chủ yếu là để tìm hiểu những chiếc xe đó có xuất xứ từ đâu và giá bao nhiêu. Anh đi khắp nơi để xem những chiếc xe Mobylette cổ mới lạ, vừa ngắm nghía để thỏa mãn lòng đam mê vừa tiện thể gạ người chủ sở hữu bán luôn cho mình.
Kể về chiếc xe quý nhất của mình, anh Lâm Văn Tấn không giấu vẻ tự hào về độ độc và hành trình gian nan để sở hữu nó. Năm 2007, một lần thấy chiếc Mobylette 3 đũa còn “din” màu sơn và chưa bung máy, anh Tấn chạy xuống tận Bến Tre nài nỉ người chủ bán lại với giá 3.000USD.
Điều đặc biệt là hiện ở Việt Nam chỉ có hai người sở hữu dòng xe Mobylette 3 đũa độc đáo này. Ngoài chiếc xe của anh Tấn, chiếc còn lại do Giám đốc Công ty Du lịch Sài Gòn sở hữu. Hiện giá trị của “con 3 đũa” vào khoảng 10.000USD.
Chiếc xe Mobylette 3 đũa đã có lần đưa anh Tấn xuyên Việt theo chiều dài đất nước hàng nghìn km với tốc độ khá cao (chạy đường trường khoảng 50km/h)… Ngoài ra, anh Tấn cũng thường xuyên sử dụng những chiếc Mobylette đi các chuyến từ Tp. Hồ Chí Minh xuống các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang… để giao lưu với những người chơi xe cổ như mình.
Hiện tại, anh Lâm Văn Tấn đang sở hữu trên 70 chiếc xe gắn máy cổ, trong đó có hơn 40 chiếc Mobylette, 10 chiếc Vespa và một số loại xe khác. Những chủng loại của dòng xe gắn máy hai thì có Mobylette 3 đũa, Mobylette 2 đũa, Mobylette moto becane 88… Vespa cũng có nhiều loại như Standard, Super…
Trong số xe cổ của anh Tấn có tới 15 chiếc còn “din”, có nghĩa là những chiếc xe này chưa từng bị mở máy để sữa chữa. Những chiếc này có điểm đặc biệt là còn nguyên lớp sơn ban đầu. Những “bộ cánh” tuy có gỉ sét nhưng chính điều này làm tăng thêm giá trị của thời gian và tự chứng minh sự thay thế là không thể.

Thiết kế độc đáo của dòng xe Solex khi máy gắn phía trước.

Một kiểu gắn bánh xe khá đặc trưng của dòng Vespa.

Đèn xe và tấm phản quang đi liền với nhau.

“Vết thời gian” của chiếc xe gắn máy “hai thì”.

Tay lái, chuông và dây thắng của xe gắn máy “hai thì” không khác gì của chiếc xe đạp.

Pedál (bàn đạp) xe “hai thì” dùng để khởi động cho máy nổ trước khi chạy.

Chiếc yên xe bằng da đã sờn cũ giúp chiếc xe giữ nguyên giá trị thời gian.

Khung sườn một chiếc Mobylette.

Xích và líp của dòng xe Mobylette.

Vành và bánh xe gắn máy “hai thì” thiết kế khá đơn giản. |
Được biết, các loại xe có trong bộ sưu tập của kỷ lục gia Lâm Văn Tấn đã từng lưu hành ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu… từ những năm 40 đến 50 của thế kỷ 20. Tất cả được sản xuất ở khắp các nước trên thế giới như Nhật Bản, Ý, Đức… từ mấy chục năm, thậm chí hàng trăm năm về trước. Đến cuối thập niên 1960 khi hãng Honda của Nhật Bản đưa ra các loại xe Dame 50, xe 67, 68… đã thu hút người tiêu dùng ở Việt Nam nên các loại xe scooter và gắn máy có bàn đạp hầu như bị bỏ quên, ít được dùng tới và dần dần trở thành một trong những loại hàng thuộc dạng “đồ sưu tập".
Với niềm đam mê đặc biệt của mình, anh Tấn đã khẳng định, dù có túng thiếu thế nào anh cũng không bán những chiếc xe này. Anh cũng đang có kế hoạch xây dựng một quán cà phê để có nơi trưng bày xe cổ cho khách uống cà phê chiêm ngưỡng bộ sưu tập quý giá của mình./.