Phía sau mỗi đồng tiền cổ là lịch sử, là những giá trị kinh tế, văn hóa, kỹ nghệ của thời đại đó. Đây là một trong những lý do, cựu đại tá quân đội Lê Đại Hiệp luôn giữ được đam mê với thú sưu tầm tiền cổ từ vài chục năm nay, với bộ sưu tầm lên đến cả nghìn tờ tiền giấy và tiền xu cổ của cả Việt Nam và các nước trên thế giới.
Mặc dù là người sở hữu bộ sưu tầm tiền cổ lên đến hàng nghìn loại khác nhau từ tiền giấy cho đến tiền xu của các thời kỳ lịch sử của Việt Nam, cả trên thế giới, nhưng cựu đại tá quân đội Lê Đại Hiệp là người khá kín tiếng trong giới sưu tầm tiền cổ. Bởi ông không mua bán, mà sưu tầm tiền như một sở thích, đam mê và tính ham học hỏi văn hóa, lịch sử qua các hoa văn in trên mỗi tờ tiền.
Những người sưu tầm cổ vật thường nói, món đồ gì cũng vậy, cũng có tánh linh, biết mình yêu thích và trân trọng nâng niu thì chắc chắn nó sẽ tìm đến mình hoặc mở đường cho mình tìm đến, đặc biệt là những món đồ cổ. Ông Lê Đại Hiệp không không ngoại lệ. Mỗi tờ tiền ông sưu tầm được là một câu chuyện nhỏ thú vị đi cùng. Câu chuyện sưu tầm tiền cổ, có lẽ, mỗi người đều có “mối lương duyên” khác nhau. Có đồng tiền ông Hiệp nhận được từ chị bán ve chai, từ cô bán hoa quả đầu ngõ,… hay là từ người cháu gái ở Hoa Kỳ cách ông nửa vòng trái đất.
Ông Lê Đại Hiệp với đam mê sưu tầm tiền cổ.
Một đồng tiền cổ trong bộ sưu tập tiền Việt Nam được sản xuất năm 1968 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trước khi sưu tầm tiền của mỗi quốc gia ông Lê Đại Hiệp có chuẩn bị đầy đủ các thông tin về lịch sử của quốc gia đó.
Ông Lê Đại Hiệp cùng người bạn đời luôn cùng nhau chia sẻ những câu chuyện lịch sử cũng như giá trị văn hóa của các đồng tiền cổ.
Mỗi loại tiền của mỗi quốc gia ông đều có một quyển sổ riêng để ghi chép về đặc trưng văn hóa,
các kí hiệu và năm sản xuất mỗi mệnh giá tiền.
Với tính chất đặc thù quân đội, nên ông có cách sắp xếp và liệt kê các bộ tiền cổ khá logic, rõ ràng. Ở mỗi bộ sưu tầm tiền cổ, nhìn vào những cuốn sổ liệt kê được chia rõ các năm, các mệnh giá mỗi tờ tiền theo các năm. Mỗi đồng tiền đều ẩn chứa những câu chuyện ý nghĩa cùng quá trình biến động của lịch sử. Đồng tiền còn thể hiện các thời kỳ của lịch sử, năm nào tiền in ít và mỏng chứng tỏ lượng đồng đã thiếu hụt, tài chính khó khăn. Ví dụ như tờ 10.000 VNĐ, ông có đến hàng chục tờ sưu tầm theo seri phát hành của mỗi năm khác nhau. Từ cách liệt kê và sắp xếp như vậy, theo ông Hiệp có thể biết được mức độ lạm phát của đồng tiền qua mỗi năm.
Điều thú vị của ông Hiệp đó là, phía sau mỗi tờ tiền cổ, mỗi bộ sưu tầm tiền, là câu chuyện về lịch sử, văn hóa hay câu chuyện về tình hình tiền tệ gắn liền với từng thời kỳ phát triển của Việt Nam.
Theo đó, tiền được chia vào nghệ thuật hội họa. Mỗi đồng tiền là một bức tranh nghệ thuật, mô tả nội dung cần truyền tải như thiên nhiên đất nước, dich tích lịch sử, con người, nhà máy, danh lam thắng cảnh,… Nhìn vào những album tiền giấy hay tiền xu cổ có thể biết được biểu tượng, hình dáng thịnh hành hay chất liệu đồng tiền của thời kỳ đó.
Tiền kim loại thời nhà Nguyễn (1802 – 1945).
Tiền Việt Nam công hòa (1954 -1975).
Đồng bạc hoa xòe (Pháp) 1896.
Tiền giấy của các quốc gia : Cuba, Indo, Nepan… trong bộ sưu tầm của ông Hiệp.
Tiền giấy Mông cổ có in hình Thành Cát Tư Hãn.
Mẫu tiền kim loại Euro thuộc các nước Châu Âu.
Bộ sưu tập tiền xu 50 bang của Mỹ.
Những đồng tiền xu và tiền giấy của các quốc gia trên thế giới trong bộ sưu tập của ông Lê Đại Hiệp.
Được sống trong niềm đam mê có lẽ là hạnh phúc bất tận với mỗi người. Bởi vậy, mặc dù đã ngoài bát tuần tuổi, cựu đại tá Lê Đại Hiệp vẫn say sưa và tận dụng mọi cơ hội được đi đến các vùng miền hay du lịch nước ngoài để lấp đầy bộ sưu tầm tiền Việt Nam cũng như các bộ sưu tầm tiền nước ngoài, mà đặc biệt là bộ sưu tầm tiền xu 50 tiểu bang của Mỹ./.
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/bo-suu-tam-tien-co-cua-cuu-dai-ta-quan-doi-295211.html