Nghệ thuật

Biến những cây tre thành đồ chơi cho trẻ

Với mong muốn đưa lại cho trẻ em những món đồ chơi mang tính sáng tạo từ chất liệu thuần Việt, họa sĩ Nguyễn Văn Thạch (Hà Nội) đã biến những cây tre thành những những tác phẩm nghệ thuật.
Họa sĩ Nguyễn Văn Thạch làm những đồ chơi thân thiện với môi trường bằng tre cho trẻ em. 

Với mong muốn đưa lại cho trẻ em những món đồ chơi mang tính sáng tạo từ chất liệu thuần Việt, họa sĩ Nguyễn Văn Thạch (Hà Nội) đã biến những cây tre thành những những tác phẩm nghệ thuật.

Trong ngôi nhà nhỏ ở phố cổ Hà Nội, từ khi về hưu họa sĩ Nguyễn Văn Thạch hàng ngày vẫn cùng vợ cắt rồi đục những cây tre mua từ phía sông Đuống và Quốc Oai về để làm thành những món đồ chơi cho cháu mình và một số người hỏi mua.

Họa sĩ Nguyễn Văn Thạch cho biết, khi ông về hưu muốn làm thêm gì đó để có thể tiếp tục tư duy làm việc thấy các cháu của mình hay chơi những đồ chơi được mua ngoài hàng, vốn dĩ là một người học mỹ thuật ra và được con trai gợi ý rằng nên làm gì đó để hướng tới yếu tố thân thiện với môi trường nên ông đã nghĩ tới việc làm sản phẩm từ tre. Ban đầu ông chỉ làm để cho các cháu mình chơi, sau đó khi đưa lên mạng thì có một số người hỏi mua nên ông đã tiếp tục làm để bán.

Họa sĩ Thạch cho biết, quá trình sáng tạo nên một tác phẩm nghệ thuật dân gian truyền được cảm hứng cho con trẻ (kể cả với người lớn tuổi) đối với mình thật ra không có gì là khó khăn, nếu như không muốn nói là rất đơn giản. Tre được mua về để xử lý cắt thành những phần chính, phần phụ và các chi tiết liên quan cho một tác phẩm nghệ thuật. Công đoạn tiếp theo trong quá trình sáng tạo của họa sĩ Thạch là tiến hành gọt, mài giũa tre cho thật nhẵn nhụi. Khi đã có được phần thô sản phẩm như ý, lúc bấy giờ họa sĩ Thạch mới cho chúng vào nồi đun với nước ô xy già trong thời gian hàng giờ đồng hồ nhằm mục đích chống mối mọt.


Tre luộc xong, người họa sĩ ấy lại tiếp tục dùng dao, cưa, đục cắt tỉa đồng thời chính thức lắp ghép các chi tiết rời thành hình hài các con vật trong dân gian. Khi có được tác phẩm nghệ thuật vừa ý, việc cuối cùng mà họa sĩ Thạch cần phải hoàn thiện, đó là phun vào những con vật đồ chơi đó một lớp sơn chống ẩm trước khi mang chúng phơi khô.

Với mong muốn những sản phẩm đồ chơi dân gian đầy tính sáng tạo nghệ thuật của mình sẽ trở thành cái gạch nối thân thiện, hữu ích nhất giữa những tác phẩm nghệ thuật mang hơi thở dân gian của mình với thế giới trẻ thơ ngay chính trong gia đình của họ, họa sĩ Nguyễn Văn Thạch không những mở các buổi học cho trẻ nhỏ ở Hà Nội tham gia mà còn mang những kiến thức này dạy cho những người dân ở các bảng làng vùng sâu, vùng xa của Việt Nam./.

Bài: Ngân Hà- Ảnh: Khánh Long & Tư liệu

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/bien-nhung-cay-tre-thanh-do-choi-cho-tre-298299.html


top