Tối 14/7/2012, vở kịch nói "Bí mật vườn Lệ Chi" (kịch bản: cố soạn giả Hoàng Hữu Đản, đạo diễn: NSƯT Thành Lộc) đã được công diễn thành công và ấn tượng tại Nhà hát Bến Thành ở Tp. Hồ Chí Minh.
Đây là vở kịch nói tái hiện vụ án Lệ Chi viên, còn gọi là "vụ án vườn vải", một vụ án nổi tiếng trong lịch sử phong kiến Việt Nam liên quan đến cuộc đời của đại thần Nguyễn Trãi (1380-1442), vị anh hùng dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân Minh (1418-1427), tác giả của "Bình Ngô đại cáo", tác phẩm được coi là bản tuyên ngôn độc lập thứ 2 của dân tộc, người đã đã bị bọn gian thần vu oan giá họa đến đỗi phải chịu họa tru di tam tộc.
Nghệ sĩ Hữu Châu trong vai quan gián nghị đại phu Nguyễn Trãi.
Cảnh quan gián nghị đại phu Nguyễn Trãi nói với vua Lê Thái Tông về đạo trị nước an dân.
![](https://imagevietnam.vnanet.vn/Upload//2012/7/18/11BaoAnh1872012124549987.JPG)
Cảnh vua Lê Thái Tông thể hiện sự quyết tâm xây dựng đất nước hùng mạnh.
Cảnh vua Lê Thái Tông và thứ phi Ngô Thị Ngọc Dao (thứ phi chính là người đã có công giải mối oan cho vị trung thần Nguyễn Trãi).
Có thể nói, "Bí mật vườn Lệ Chi" xứng đáng được xem là một tác phẩm kinh điển của sân khấu Việt Nam, vì sau 2 lần công diễn (lần thứ nhất năm 2000 và lần thứ hai vào năm 2007) với hàng trăm suất diễn, vở kịch lịch sử được dàn dựng theo phong cách hiện đại này đã đáp ứng được hai yêu cầu lớn, đó là tính điển hình của nhân vật và tính thời đại của câu chuyện. Bí mật vườn Lệ Chi từng đoạt Giải thưởng Hội Sân khấu Việt Nam năm 2000, ba Giải Mai Vàng năm 2007 (dành cho các nghệ sĩ Thành Lộc, Hữu Châu, Thanh Thủy). Trong lần ra mắt thứ 3 này, vở "Bí mật vườn Lệ Chi" được dàn dựng với thiết kế sân khấu mới hơn, tiết tấu kịch cũng được đẩy nhanh hơn so với những lần dựng trước.
Cảnh vua Lê Thái Tông băng hà, bắt đầu cho vụ kì án Lệ Chi viên gắn liền với vụ thảm án của vị trung thần Nguyễn Trãi và gia tộc.
![](https://imagevietnam.vnanet.vn/Upload//2012/7/18/19BaoAnh1872012124553918.JPG)
Sau khi vua Lê Thái Tông băng hà, con thứ 3 là Lê Bang Cơ lên ngôi,
tuy nhiên do mới 1 tuổi nên mẹ là thái hậu Nguyễn Thị Anh nắm quyền nhiếp chính.
Trong ảnh là cảnh thái hậu Nguyễn Thị Anh buông rèm nhiếp chính, triệu Nguyễn Trãi vào triều luận tội vụ án Lệ Chi viên.
![](https://imagevietnam.vnanet.vn/Upload//2012/7/18/29BaoAnh1872012135917275.JPG)
NSƯT Thành Lộc trong vai hoạn quan Tạ Thanh, một kẻ nham hiểm đã cùng với thái hậu Nguyễn Thị Anh âm mưu hãm hại Nguyễn Trãi.
![](https://imagevietnam.vnanet.vn/Upload//2012/7/18/20BaoAnh1872012124554933.JPG)
Cảnh bà học sĩ Nguyễn Thị Lộ, vợ Nguyễn Trãi bị bắt giam trong ngục tối sau khi xảy ra vụ án ở vườn Lệ Chi.
![](https://imagevietnam.vnanet.vn/Upload//2012/7/18/22BaoAnh1872012124555978.JPG)
Cảnh Nguyễn Trãi chải tóc cho vợ trong ngục tối.
![](https://imagevietnam.vnanet.vn/Upload//2012/7/18/36BaoAnh187201214533167.JPG)
Cảnh một viên quan bị bắt khi thực hiện bất thành việc cứu hai vợ chồng Nguyễn Trãi.
![](https://imagevietnam.vnanet.vn/Upload//2012/7/18/37BaoAnh18720121483060.JPG)
Cảnh Nguyễn Trãi đau xót khi đọc lệnh tử hình của thái hậu Nguyễn Thị Anh.
![](https://imagevietnam.vnanet.vn/Upload//2012/7/18/41BaoAnh1872012141012337.JPG)
Cảnh người dân khóc thương khi hay tin Nguyễn Trãi bị tử hình.
Bằng sự chiêm nghiệm sâu sắc về lịch sử, soạn giả Hoàng Hữu Đản đã xây dựng thành công một kịch bản đặc sắc, giàu tính thuyết phục, đem đến nhiều rung động cho người xem. Xem vở kịch, khán giả được biết thêm nhiều câu chuyện đáng nhớ về cuộc đời của Nguyễn Trãi. Ví dụ như chuyện Nguyễn Trãi giữ chức "gián nghị đại phu", một chức quan chuyên làm nhiệm vụ can ngăn vua làm những việc sai trái; chuyện Nguyễn Trãi bàn với vua việc trị nước chăn dân, diệt trừ bọn hoạn quan lộng quyền, hung hiểm... cho đến chuyện bọn gian thần đặt chuyện vu oan giá họa, dựng nên chuyện kì án ở vườn Lệ Chi, đẩy bậc trung thần Nguyễn Trãi đến họa tru di tam tộc. Trong vở "Bí mật vườn Lệ Chi" có những đối thoại giữa Nguyễn Trãi và vua Lê Thái Tông, thái hậu về việc lấy dân làm gốc, trọng người hiền tài, diệt bọn gièm pha xu nịnh... Đó là những kinh nghiệm trị nước chăn dân được đúc kết từ bao đời nay, nên đó không chỉ là chuyện xưa mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự.
Đông đáo khán giả đã đến xem vở kịch "Bí mật vườn Lệ Chi" ở Nhà hát Bến Thành, Tp. Hồ Chí Minh.
Một điều ấn tượng trong vở kịch đó là cách xử lí những bức rèm đen ngăn cách sân khấu ra hai phần sáng và tối mang đầy tính ẩn dụ. Bởi vụ án Lệ Chi Viên xảy ra khi vua Lê Thái Tổ đã mất, Lê Thái Tông lên ngôi, triều đình bị phân chia bởi sự tranh giành quyền lực ngấm ngầm giữa các thế lực trung thần, vương phi, cũng như nhiễu loạn bởi bọn hoạn quan... Bằng cách phân chia sân khấu ra hai phần như thế, "Bí mật vườn Lệ Chi" đã khắc họa rõ nét ranh giới tranh tối tranh sáng của những cuồng vọng xâu xé quyền lực, những âm mưu tội ác, sự thao túng triều đình, chốn hậu cung thời vua Lê Thái Tông; thể hiện rõ cái tội ác và tham vọng quyền lực điển hình của các triều đại phong kiến.
Tóm tắt nội dung vụ kì án Lệ Chi viên:
Mùa thu năm Nhâm Tuất (1442), trong chuyến đi tuần ở Chí Linh, Hải Dương, trên đường trở về, vua Lê Thái Tông ghé vào nghỉ đêm tại Lệ Chi viên ở huyện Gia Định (nay thuộc thôn Đại Lai, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Cùng ở với vua đêm ấy có Nguyễn Thị Lộ, một người thiếp của Nguyễn Trãi. Nửa đêm hôm ấy, vua đột nhiên băng hà. Việc xảy ra, triều đình quy cho Nguyễn Thị Lộ tội giết vua. Nguyễn Trãi vì thế bị án tru di tam tộc và bị giết vào ngày 16 tháng 8 (âm lịch) năm này. Đến tháng 7 (âm lịch) năm Giáp Thân (1464), vua Lê Thánh Tông đã rửa oan cho Nguyễn Trãi. Đây là một vụ án nổi tiếng trong lịch sử phong kiến Việt Nam, thậm chí có lúc nó còn được dân gian thêu dệt thêm nhiều giai thoại mang tính li kì và huyền bí.
|
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Lê Minh
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/bi-mat-vuon-le-chi-35406.html