Hơn 8 năm đi vào hoạt động, Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi được biết đến như một “bệnh viện” cứu hộ động vật hoang dã đầu tiên tại miền Nam. “Bệnh viện” này đã thực hiện cứu hộ, chăm sóc, thả về tự nhiên khoảng 4.000 cá thể, góp phần rất lớn vào việc bảo tồn các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam.
Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi (số 50, tỉnh lộ 15, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chỉ, Tp. Hồ Chí Minh) được thành lập từ tháng 9 năm 2006 do Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (Wildlife At Risk – gọi tắt là WAR) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Tp. Hồ Chí Minh quản lý. WAR là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở chính tại Mỹ, được thành lập vào năm 2004 do ông Dominic Scriven, một người Anh sáng lập và tài trợ chính.
Trạm cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi (số 50, tỉnh lộ 15, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chỉ, Tp. Hồ Chí Minh)
được thành lập từ tháng 9 năm 2006. Ảnh: Nguyễn Luân
Đội ngũ bác sĩ thú y của Trạm đang tiến hành mổ cấp cứu một cá thể vượn má vàng trong tình trạng nguy kịch.
(Ảnh: Tư liệu của WAR).
Nhân viên của Trạm đang cho thú ăn. Ảnh: Nguyễn Luân
Nhân viên của Trạm giới thiệu với du khách về các loài động vật đang được nuôi dưỡng tại Trạm.
(Ảnh: Tư liệu của WAR).
Du khách nước ngoài tham quan tại Trạm cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi (Ảnh: Tư liệu của WAR).
Du khách tham quan phòng trưng bày của Trạm cứu hộ (Ảnh: Tư liệu của WAR). |
«
Ngoài Trạm cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi, Tổ chức WAR còn thành lập Trung tâm cứu hộ gấu và thú họ mèo Cát Tiên tại tỉnh Lâm Đồng (tháng 3/2005) và Trạm cứu hộ Động vật hoang dã Hòn Me tại tỉnh Kiên Giang (tháng 7/2012).
» |
Hơn mười năm trước, trong những lần đi công tác và du lịch ở Việt Nam, ông Dominic Scriven nhận thấy các loài động vật hoang dã tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều mối đe doạ và đứng bên bờ tuyệt chủng. Nếu không có những biện pháp bảo tồn kịp thời, hiệu quả, nhiều loài sẽ vĩnh viễn biến mất. Thế nên, ông cùng các cộng sự có tâm huyết đã thành lập Chi nhánh Tổ chức WAR tại Tp. Hồ Chí Minh, đồng thời xây dựng Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi.
Nhiệm vụ của Trạm là tiến hành cứu hộ các loài động vật hoang dã do các cơ quan chức năng bàn giao, hoặc tiếp nhận từ các các trang trại, các hộ dân nuôi nhốt động vật không đúng quy định. Các loài động vật được Trạm cứu hộ, sau đó chăm sóc và phục hồi bản năng tự nhiên rồi thả về với thiên nhiên hoang dã.
Hiện nay, Trạm có khoảng 20 thành viên đều là những người có kinh nghiệm và am hiểu về lĩnh vực thú hoang và trên hết là tình yêu dành cho động vật. Đội ngũ bác sỹ thú ý ở đây đều là những người có tay nghề cao, được đào tạo định kỳ thường xuyên tại nước ngoài nên rất chuyên nghiệp trong công tác cứu hộ và khám chữa bệnh cho thú.
Ông Lê Xuân Lâm, Trạm trưởng, là người gắn bó lâu nhất kể từ khi thành lập Trạm đến nay cho biết, công việc của Trạm rất vất vả và chỉ dành cho những người có tâm huyết. Với tinh thần luôn sẵn sàng cứu hộ, vì thế bất cứ lúc nào có thông báo cứu hộ, anh em của Trạm cũng lên đường đi ngay, dù có giữa đêm khuya hay mưa gió.
Trạm cứu hộ có diện tích 4.000m2, được thiết kế như một khu vườn nhỏ có nhiều cây xanh, phân chia theo 8 khu với những chức năng chuyên biệt. Hiện tại, Trạm đang nuôi dưỡng trên 200 cá thể của hơn 50 loài động vật, trong đó có những loài động vật quý hiếm ở Việt Nam như: gấu ngựa, gấu chó, vượn đen má vàng, culi nhỏ, khỉ đuôi lợn, rái cá lông mượt, tê tê java, rùa núi vàng, mèo rừng, hổ mang chúa…
Một cá thể gấu ngựa bị sập bẫy đứt mất chi trước hiện được Trạm chăm sóc, sức khỏe đang dần phục hồi. Ảnh: Nguyễn Luân
Những cá thể động vật nào không phục hồi được chức năng hoang dã Trạm sẽ chăm sóc suốt đời. Ảnh: Nguyễn Luân
Một cá thể chim cao cát bụng trắng đang được chăm sóc tại Trạm cứu hộ. Ảnh: Nguyễn Luân
Một chú công đang được nuôi dưỡng tại Trạm cứu hộ. Ảnh: Nguyễn Luân
Một số hiện vật, tư liệu quý được lưu giữ tại Phòng trưng bày của Trạm. Ảnh: Nguyễn Luân |
Các con vật mà Trạm tiếp nhận thường gặp phải những vấn đề về sức khỏe, cơ thể bị thương tích, hoặc hoảng loạn tinh thần do bị săn bắt, nuôi nhốt trái phép. Vì vậy, việc đầu tiên khi tiếp nhận động vật, các nhân viên của Trạm sẽ tiến hành xét nghiệm máu, kiểm tra tình hình sức khỏe để lên kế hoạch chăm sóc, theo dõi định kỳ. Ông Lâm cho biết: “Con vật nào hoàn toàn khỏe mạnh và phục hồi được bản năng hoang dã thì Trạm sẽ thả về thiên nhiên, con nào không có khả năng tự sinh tồn, trạm sẽ có nhiệm vụ nuôi dưỡng suốt đời như những “đứa con” của Trạm”.
Thời gian gần đây có thêm một số người dân biết đến Trạm cứu hộ nên tự nguyện giao nộp những con vật quý hiếm mà họ đang nuôi giữ. Gần đây nhất, có gia đình bà Vinh ở quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh nuôi một “gia đình” rái cá 4 con, vì không biết cách nuôi khiến rái cá bị suy dinh dưỡng nên đã mang lên Trạm nhờ nuôi giúp. Bà Vinh thường xuyên đến Trạm tài trợ thức ăn, theo dõi quá trình sinh trưởng của rái cá. Đến khi thả rái cá về thiên nhiên, gia đình bà cũng đến chia tay rất tình cảm, xem con vật như thành viên trong gia đình mình. Đó là một trong nhiều trường hợp khiến anh em trong Trạm xúc động nhất.
Riêng trong năm nay, tính tới thời điểm hiện tại, Trạm đã thả được khoảng 1.000 cá thể động vật về các Vườn Quốc gia, các Khu bảo tồn. Đây là niềm khích lệ tinh thần rất lớn đối với các thành viên của Trạm để tiếp tục thực hiện những công việc thầm lặng mà hữu ích cho xã hội./.
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Nguyễn Luân & Tư liệu
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/benh-vien-cuu-ho-dong-vat-hoang-da-63822.html