Khám phá

Bên dòng Quây Sơn

Công viên địa chất Nước non Cao Bằng như kỳ vĩ hơn bởi được tô điểm vẻ đẹp của dòng sông Quây Sơn. Chỉ với 49 km chảy trên lãnh thổ Việt Nam, dòng Quây Sơn đã để lại nhiều lớp lang phù sa văn hóa của cư dân đôi bờ và tạo ra những khung cảnh đẹp tựa “xứ sở thần tiên” ở vùng biên viễn.

Quây Sơn theo nghĩa Hán - Việt là dòng sông chảy bao quanh núi. Sông Quây Sơn bắt nguồn từ các khe suối tại huyện Tĩnh Tây, Tp. Bách Sắc (Trung Quốc). Sau đó, sông chảy về phía Nam, bắt đầu chảy hoàn toàn trong lãnh thổ Việt Nam tại xã Ngọc Côn của huyện Trùng Khánh thuộc tỉnh Cao Bằng. Tại huyện Trùng Khánh, sông tiếp tục chảy theo hướng Đông Nam cho đến cực Nam của xã Đình Phong rồi sau đó chuyển hướng Đông- Bắc, sông “hóa thân” thành thác Bản Giốc khu vực xã Đàm Thủy (Việt Nam) và tại thôn Đức Thiên (Trung Quốc). Từ đó, sông Quây Sơn trở thành đường biên giới tự nhiên giữa Việt Nam (huyện Hạ Lang) và Trung Quốc (huyện Đại Tân).

Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc). Ảnh: Nguyễn Thắng/ Báo ảnh Việt Nam

Là một trong những con sông chảy vào vùng đất biên cương Tổ quốc, sông Quây Sơn hiền hòa chảy qua các dãy núi đá vôi trập trùng của huyện Trùng Khánh. Dòng nước có màu xanh ngọc bích uốn lượn trải dài qua nhiều khu vực, có nơi ôm ấp lấy chân núi đá vôi sừng sững tạo thành khung cảnh sơn thủy hữu tình, chỗ lại nép mình dưới những khóm tre xanh mướt, có khúc lại như dải lụa mềm mại vắt qua cánh đồng lúa chín Phong Nặm, Ngọc Côn… Bên bờ sông có những bãi bồi với đàn trâu thong dong gặm cỏ, hay có khóm lau trắng phất phơ điểm thêm sắc hồng của vài bông hoa phù dung mọc dại… Tất cả tạo nên một khung cảnh nên thơ trữ tình làm say lòng biết bao du khách.

Sương sớm bên dòng Quây Sơn. Ảnh: Hoàng Hà/ Báo ảnh Việt Nam
 

Không chỉ mang vẻ hiền hòa, phẳng lặng, sông Quây Sơn cũng mạnh mẽ và tràn đầy sinh lực. Nội lực bền bỉ ấy được biểu hiện qua những ghềnh thác tung bọt trắng xóa và đặc biệt là khung cảnh hùng vĩ của thác Bản Giốc. Ngọn thác này là kiệt tác của sông Quây Sơn, khi dòng nước hiền hòa uốn lượn qua những cánh đồng bất ngờ đổ xuống vách đá từ độ cao hơn 30m tạo thành hai dòng thác chính - phụ ấn tượng cho một vùng núi non hùng vĩ. Thác Bản Giốc tại Việt Nam và cặp thác Đức Thiên tại Trung Quốc theo Tân Hoa xã thì đây là thác xuyên quốc gia lớn thứ hai trên thế giới.

Không biết từ bao giờ, hình ảnh các cọn nước như những bánh xe khổng lồ chậm rãi quay đã góp phần làm tăng vẻ nên thơ của dòng sông Quây Sơn. Được làm rất khéo từ những vật liệu của núi rừng, cọn nước gồm 3 thành phần chính là trục giữa, nang cọn và cánh quạt, lợi dụng sức nước của các dòng chảy tự nhiên để đưa nước lên cao, dẫn về đồng ruộng và thôn bản. Cọn nuóc thể hiện khả năng sáng tạo tuyệt vời của người Tày, Nùng ở Trùng Khánh trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Sông Quây Sơn chạy giữa cánh đồng lúa vàng xã Ngọc Khuê. Ảnh: Nguyễn Thắng/ Báo ảnh Việt nam

Ông Hoàng Văn Ngần ở xã Đình Phong (Trùng Khánh) cho biết: “Để tiện dẫn nước về tưới các ruộng, thường những nhà có ruộng gần nhau thì làm chung một cọn. Cứ vậy, 3 - 5 nhà làm chung một cọn và họ dựng những cọn nước ở gần nhau, cái nọ nối tiếp cái kia tạo thành một cụm. Việc sử dụng những cọn nước để đưa nước từ dưới sông, suối lên ruộng cao không những khắc phục được việc phải tốn nhiều công sức đắp phai, đào hàng trăm mét mương dẫn nước đi qua những chướng ngại vật của vùng núi cao mà còn là một minh chứng về sự sáng tạo kỹ thuật trong thủy lợi, một công trình văn hóa mang đậm bản sắc văn minh nông nghiệp từ xa xưa”.

Đôi bờ sông Quây Sơn chảy trên lãnh thổ Việt Nam là nơi sinh sống chủ yếu của các dân tộc Tày, Nùng, được biết đến với các làn điệu dân ca đặc trưng như: Hát then - đàn tính, lượn then, lượn Slương, lượn Cọi, lượn Nàng ới, Phong slư, Pựt lằn, Xà xá, Dá Hai, Hà Lều, Sli Giang... Đặc biệt, di sản văn hóa “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2019 đã tạo tiền đề cho người Tày, Nùng sinh sống ven sông Quây Sơn phát triển du lịch. Có dịp tham gia một tour du lịch tại xã biên giới Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, chúng tôi hết sức ấn tượng với các đội văn nghệ dân ca Hát then - Đàn tính biểu diễn ngay tại khu du lịch thác Bản Giốc. Giữa trùng điệp núi rừng, thác nước, đội văn nghệ với những nghệ sĩ của bản làng trong trang phục truyền thống của dân tộc Tày với tiếng hát Then dìu dặt cùng âm thanh sôi nổi, đặc trưng của cây đàn tính đã mang đến cho du khách cảm giác lạ lẫm, thích thú.

Trình diễn Hát Then – Đàn tình bên thác bản Giốc. Ảnh: Hoàng Hà/ Báo ảnh Việt Nam

Một trong những câu chuyện mà dân gian vẫn truyền nhau về hang đá nằm bên sườn thác Bản Giốc, đó là hang Pác Luồng (tiếng địa phương là “miệng rồng”) nằm trên một ngọn núi cao chừng 300m. Hang nằm tại vị trí lưng chừng, bên sườn núi có miếu thờ linh thiêng. Tương truyền của người dân Tày - Nùng nơi đây, khi gặp giặc dã, khó khăn do thiên tai thì người dân tìm đến hang cầu khấn, thắp hương xin điều lành, điều phúc. Cũng bởi sự linh nghiệm, nên những người dân sống lâu đời coi hang là điểm tín ngưỡng - nơi miệng rồng, thuộc về vị trí đầu rồng vì đằng sau đó là những dãy núi điệp trùng như thân và đuôi rồng. Miếu thờ nằm trên vị trí cao nên nơi đó có thế đứng vững chãi, quan sát được toàn bộ vẻ đẹp của thác từ hướng Đông Nam. Cũng vì thế đắc địa, người dân Bản Giốc hương lễ hằng năm và giữ hang, giữ vùng đất thiêng đã bảo vệ nhân dân bao đời nay.

Sông Quây Sơn như dải lụa mềm vắt qua thung lũng Phong Nặm vào mùa lúa chín. Ảnh: Nguyễn Thắng/ Báo ảnh Việt Nam

Nói đến Quây Sơn sẽ là thiếu nếu không nói đến ẩm thực từ dòng sông ban tặng, đó chính là các loại cá. Nức tiếng là cá trầm hương (có nơi gọi là cá dầm) - loài cá ngon thơm đến lạ và được người dân bản địa truyền tụng như một truyền thuyết. Chuyện kể xưa kia, dọc sông Quây Sơn có nhiều cây trầm hương, rễ cây ăn sâu vào hai bên bờ sông, nên loài cá dầm đã ăn rễ cây trầm để rồi khi bắt được cá, người ta phát hiện thịt cá có vị thơm riêng đến lạ, nên gọi tên cá trầm hương. Sông Quây Sơn có hai khúc trong xanh nhất có cá trầm hương thơm ngon, đó là khu vực hợp lưu của sông chảy qua chân cầu Lũng Đính, thuộc xã Đình Phong. Loài cá dầm nay vẫn còn nhưng cây trầm hương bên sông đã bị con người khai thác cạn kiệt, câu chuyện về cá trầm hương chỉ tồn tại qua lời kể của những bậc cao niên sống ở các làng bên sông.

Sông Quây Sơn hiền hòa nhưng cũng tràn đầy sinh lực, tuôn chảy bốn mùa, len lỏi qua những vùng núi đá vôi, bồi đắp phù sa màu mỡ đôi bờ, tạo nên vùng đất tuy hẹp nhưng trù phú với những cánh đồng vàng óng mùa thu hoạch./.

Bài: Thông Thiện - Ảnh: Nguyễn Thắng, Hoàng Hà, Thông Thiện/Báo ảnh Việt Nam

 

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/ben-dong-quay-son-386451.html


top