Trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã có những chính sách và hành động được thế giới đánh giá cao, cụ thể như tuyền truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, thành lập các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã trong việc thực thi những cam kết về bảo vệ các loài động vật hoang dã, quý hiểm trong sách đỏ.
Tuyên truyền và cứu hộ
Để tìm hiểu về công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng động về vấn đề bảo vệ động vật hoang dã, chúng tôi đi cùng Tổ chức động vật Châu Á về xã Phụng Thượng (Phúc Thọ - Hà Nội) để thực hiện chương trình tuyên truyền về bảo tồn gấu. Hơn chục năm nay, xã Phụng Công được dư luận biết đến là trại nuôi gấu lấy mật lớn nhất miền Bắc. Vào thời kỳ đỉnh điểm nhất, tại địa phương này ghi nhận có đến 59 trại nuôi với số lượng 325 con gấu.
Bởi vậy, việc tiếp cận với các hộ gia đình nơi đây là một điều vô cùng khó khăn. Tiến sỹ Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam cho biết: “Thay đổi nhận thức cộng đồng, đó mới là cách bền vững trong công cuộc bảo vệ động vật hoang dã”.
Ba năm nay, đều đặn mỗi tháng một lần, Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương sẽ chọn một cụm dân cư trong xã để thực hiện tuyên truyền thông tin về bảo tồn gấu. Đặc biệt, mỗi người dân đều được tặng miễn phí một lọ thuốc nam có tác dụng tương đương thay thế cho mật gấu để kiểm chứng hiệu quả, qua đó giúp hạn chế sử dụng mật gấu. Đến nay, người dân Phụng Thượng đã có sự thay đổi lớn trong nhận thức và hành vi qua các chương trình này. Cụ thể, tính đến tháng 4/2018, toàn xã Phụng Thượng chỉ còn 173 con gấu, đều được gắn chip theo dõi.
Do tình trạng nuôi nhốt tại xã Phụng Thượng trong lồng sắt chật hẹp, điều kiện vệ sinh không đạt chuẩn
nên 100% các cá thể gấu bị rụng lông và mắc bệnh ngoài da. Ảnh: Công Đạt
Các em nhỏ tỏ ra rất thích thú với những hoạt động tuyên truyền về bảo vệ gấu
của Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo. Ảnh: Công Đạt
Hội Đông y Tp. Hà Nội kết hợp với Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo tổ chức những buổi vận động, khám,
phát thuốc miễn phí hàng tháng đến những phường, xã trong các địa bàn được lựa chọn. Ảnh: Công Đạt
Bác sĩ thú y Lâm Kim Hải đang cho Kim, tên của cá thể tê tê non cứu hộ được bú sữa.
Ảnh: Trung tâm bảo tồn Tê tê Châu Á và thú ăn thịt
Các cán bộ thú y của Tổ chức động vật Châu Á đang kiểm tra sức khỏe của cá thể hổ
vừa cứu hộ được từ các cơ quan chức năng. Ảnh: Tư liệu Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội
Các cán bộ trong trung tâm bảo tồn các loài thú ăn thịt nhỏ và Tê tê châu Á đang tiến hành kiểm kê số lượng tê tê
tiếp nhận được từ các cơ quan chức năng. Ảnh: Trung tâm bảo tồn Tê tê Châu Á và thú ăn thịt
Tháng 4/2018, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã nước Việt (Four Paws Viet) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm
tỉnh Ninh Bình cứu hộ hai con gấu cuối cùng bị nuôi nhốt phục vụ thương mại suốt 20 năm. Ảnh: Ngọc Thành
Một cá thể cầy mực được Trung tâm tiến hành tái thả về tự nhiên sau khi đã phục hồi được các chức năng tự nhiên của nó.
Ảnh: Trung tâm bảo tồn Tê tê Châu Á và thú ăn thịt |
Không chỉ tuyên truyền để thay đổi nhận thức của cộng đồng mà ngay từ năm 1996, Việt Nam đã thành lập Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã và kỹ thuật bảo vệ rừng đóng tại xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) để thực hiện chức năng cứu hộ động vật hoang dã tổng hợp trên cả nước. Trung tâm này được ví như “bệnh viện” cứu hộ các loài động vật hoang dã lớn và quy mô nhất cả nước.
Ông Ngô Bá Oanh, Giám đốc trung tâm cho biết, 12 năm qua, Trung tâm đã tiếp nhận 635 vụ với gần 100 loài, trong đó có nhiều loài thuộc nhóm IB và IIB là loại động vật hoang dã quí hiếm.
Hiện nay, Trung tâm đang thực hiện nhiệm vụ lưu giữ 31 loài, với 274 cá thể, trong đó có 39 cá thể hổ, 24 cá thể gấu, còn lại là linh trưởng như khỉ, vượn, các loài bò sát, trăn rắn, kỳ nhông, baba, rùa, chim...
Dẫn chúng tôi đi thăm các phân khu trong Trung tâm, ông Nguyễn Bá Oanh kể một câu chuyện rất đặc biệt về chú hổ mang tên Cam được giải cứu trong một vụ buôn bán động vật trái phép vào năm 2008.
Khi đưa về Trung tâm, Cam đang trong tình trạng bị viêm đường hô hấp rất nặng, rụng hết lông và chỉ còn xương bọc da. Ông Oanh khi đó đã chủ động liên hệ Tổ chức Động vật Châu Á để cùng phối hợp điều trị. Nhưng các chuyên gia của Tổ chức này đánh giá lúc đó Cam chỉ còn 1% hy vọng sống sót.
Ông Oanh tiếp tục mời Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã thế giới (WCS) đến để tham khảo ý kiến. Sau khi xem qua tình trạng, WCS cũng khuyên ông Oanh là thực hiện cái chết nhân đạo cho Cam. Nhưng ông Oanh cùng các Cán bộ trong Trung tâm không nản lòng, ngày đêm túc trực và thử thêm các liệu trình điều trị khác cho Cam.
Và cứ thế trong suốt 3 tháng, Cam bắt đầu có những chuyển biến. “Anh bạn đó đã dần dần bình phục trở lại và đến bây giờ thì hoàn toàn hồi phục”, ông Oanh vừa nói vừa dẫn chúng tôi đi đến khu vực chuồng của Cam.
Ngoài những chức năng chính, Trung tâm phối hợp với các vườn quốc gia như: Vườn quốc gia Cát Tiên, Ba Bể, Cát Bà và Vườn quốc gia Bù Gia Mập, khu rừng đặc dụng Hương Sơn... để tái thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên.
Những “ngôi nhà thiên nhiên”
Hiện nay trên cả nước đã có rất nhiều Trung tâm cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã được đánh giá đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Đây là những “ngôi nhà thiên nhiên” giúp cho các loài động vật hồi phục được tập tính, phản xạ tự nhiên cũng như hoà nhập lại với môi trường sống sau một thời gian dài bị nuôi nhốt.
Những “Ngôi nhà thiên nhiên” tiêu biểu đầu tiên phải kể đến là Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam (Vườn Quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) của Tổ chức Động vật Châu Á. Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam đi vào hoạt động từ tháng 4/2008, có tổng diện tích 1,2 ha, được đầu tư trên 3,3 triệu USD, có thể chăm sóc 200 cá thể gấu cùng một lúc.
Thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Tam Đảo, Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo đi vào hoạt động từ 4/2008,
có tổng diện tích 1,2 ha được đầu tư với số tiền trên 3,3 triệu USD, có thể nuôi 200 cá thể gấu cùng một lúc. Ảnh: Công Đạt
Bác sĩ Cahalane cùng nhóm bác sỹ thú y của Tổ chức Động vật Châu Á
tiến hành phẫu thuật cho gấu ngựa Zebedee. Ảnh: Công Đạt
Nhân viên vệ sinh của trung tâm phun nước rửa, vệ sinh chuồng gấu trong lúc đàn gấu đi ăn. Ảnh: Công Đạt |
Tại Trung tâm, chú gấu mang tên Chôm Chôm có một thân phận đặc biệt. Chôm Chôm bị tổn thương tinh thần nặng do bị nuôi nhốt thời gian dài trong một chiếc thùng container hỏng ở Bình Dương.
Từ khi Chôm Chôm được đưa về Trung tâm, tinh thần của chú đã khá hơn nhiều khi được sống cùng các con gấu khác trong khu bán hoang dã. Chôm Chôm có thể chơi đùa với các vật dụng gần gũi với tự nhiên như cây gỗ, khu hồ nước… Hôm chúng tôi đến Trung tâm, Chôm Chôm đang được các bác sỹ của Trung tâm gây mê để nhổ chiếc răng nanh để chú có thể ăn uống dễ dàng hơn.
Ngoài ra, Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) là địa điểm “đóng quân” của 3 Trung tâm bảo tồn lớn về động vật hoang dã.
Trung tâm Cứu hộ và Bảo tồn các Loài linh trưởng quý hiểm, hiện đang nuôi dưỡng 165 cá thể của 15 loài. Trong đó có 6 loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm mà không nơi nào trên thế giới nuôi nhốt bảo tồn, đó là: Voọc mông trắng, Voọc Hà Tĩnh, Voọc Lào, Voọc đen tuyền, Voọc Cát Bà và Voọc Chà vá chân xám.
Còn tại Trung tâm Bảo tồn các loài Thú ăn thịt nhỏ và Tê tê Châu Á hiện đang nuôi dưỡng 14 cá thể của hai loài cầy, đó là cầy vằn và cầy mực. Trung tâm cũng đã tiến hành nghiên cứu thành công cho loài cầy vằn sinh sản trong điều kiện bán hoang dã.
Với loài Tê tê Châu Á, Trung tâm đang chăm sóc 2 loài với 67 cá thể. Năm 2008, trung tâm cũng đã cho Tê tê sinh sản thành công. Đây là trung tâm bảo tồn Tê tê đầu tiên tại Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao vì tê tê là loài rất khó nuôi trong điều kiện bán hoang dã.
Rùa non tại Trung tâm bảo tồn Rùa Cúc Phương thì trong khẩu phần ăn có thêm canxi đảm bảo mai phát triển.
Ảnh: Công Đạt
Nhân viên y tế tại Trung tâm bảo tồn Rùa Cúc Phương đang bôi thuốc cho rùa bị bệnh. Ảnh: Công Đạt
Mỗi khay thức ăn là khẩu phần của 2- 3 con rùa. Ảnh: Công Đạt
Những chú khỉ con mới được cứu hộ phải nhốt chuồng cách ly riêng, rất sợ hãi khi thấy người lại gần. Ảnh: Công Đạt
Loài chim quý hiếm có tên gọi tê điểu hay chim hồng hoàng mỏ cát (helmeted hornbill). Mỏ sừng của loài chim này
được loan truyền có giá trị cao gấp 3 đến 5 lần ngà voi và bị buôn bán bất hợp pháp dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng.
Ảnh: Công Đạt
Ông Nguyễn Bá Oanh cùng chú hổ Cam. Ảnh: Tư liệu Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội
Các tình nguyện viên nước ngoài phối hợp với nhân viên y tế của Trung tâm
để thực hiện việc kiểm tra cho các cá thể tê tê. Ảnh: Công Đạt
Các nhân viên y tế của Trung tâm bảo tồn Tê tê Châu Á và thú ăn thịt vừa thực hiện ca phẫu thuật
cắt một phần đuôi bị hoại tử của một cá thể tê tê. Ảnh: Công Đạt
Hàng năm, Trung tâm có rất nhiều đợt tổ chức tái thả về tự nhiên các loài thú ăn thịt sau khi chúng đã phục hồi
được chức năng tự nhiên của nó như kiếm ăn, tự vệ. Ảnh: Trung tâm bảo tồn Tê tê Châu Á và thú ăn thịt
Trung tâm cứu hộ Linh Trưởng nguy cấp (EPRC) Cúc Phương bố trí đồ ăn cho loài vọoc chà vá chân nâu. Ảnh: Công Đạt
Trung tâm cứu hộ Linh Trưởng nguy cấp (EPRC) Cúc Phương hiện đang có 6 loài linh trưởng quý hiếm
mà không nơi nào trên thế giới nuôi nhốt bảo tồn được. Ảnh: Công Đạt |
Dẫn chúng tôi thăm Trung tâm bảo tồn Rùa Cúc Phương, ông Đỗ Thanh Hào, Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện nay Trung tâm đang chăm sóc hơn 600 cá thể của 20 loài trên tổng số 25 loài rùa cạn, rùa nước ngọt của Việt Nam. Trung tâm cũng đã cho sinh sản thành công 15 loài với hơn 900 cá thể trong điều kiện bán hoang dã. Đặc biệt, Rùa Trung bộ đang được chăm sóc tại Trung tâm là quần thể lớn nhất trên thế giới, còn rùa đầu to tại Trung tâm cũng là quần thể lớn nhất việt Nam.
Hiện tại, Rùa Trung Bộ tại Trung tâm có 260 cá thể. Trung tâm đang tiến hành đánh dấu từng cặp bố mẹ, để xây dựng thành một phả hệ, tránh cho giao phối cận huyết. Cũng theo ông Hào, Trung tâm đã đi tiên phong trên toàn thế giới cho sinh sản thành công loài rùa quý hiếm hộp trán vàng trong môi trường bán hoang dã./.
Việt Nam là thành viên tích cực của nhiều hiệp định liên chính phủ về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã quan trọng như: Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES); Công ước đa dạng sinh học (CBD); Diễn đàn Hổ toàn cầu (GTF); Sáng kiến Hổ toàn cầu (GTI); Mạng lưới thực thi luật bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã khu vực Đông Nam Á (ASEAN-WEN). |
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Công Đạt, Ngọc Thành & Tư liệu
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/bao-ve-dong-vat-hoang-da-o-viet-nam-181475.html