Làng Đông Bình (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) nằm ở ngoại ô thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, là ngôi làng cổ có hơn 400 năm tuổi. Theo đó, nghề làm bánh tráng truyền thống ở Đông Bình cũng xuất hiện từ mấy trăm năm nay, tiếng thơm vang khắp miền duyên hải Nam Trung Bộ bởi vị thuần khiết mà đậm đà hương quê, chân chất như con người nơi đây.
Đi ra khỏi nội ô thành phố Tuy Hòa chừng 10km, hỏi làng nghề bánh tráng Đông Bình, không ai không biết. Theo một con đường nhỏ, chúng tôi tìm đến một ngôi làng mà khung cảnh đường làng ngõ xóm nơi đây khá giống những làng quê miền Bắc, cũng có tre xanh, cây bàng ở ngã ba đường, những ngôi nhà xây gạch lấp ló trong vườn cây ăn trái, đường lối qua làng cũng nhỏ hẹp bên những lớp tường bao dày, cao quá đầu người. Tuy vậy, điều khác biệt nhất là hàng hàng, lớp lớp nong phơi bánh tráng được dựng khắp trên các con đường nhỏ, ánh nắng chan hòa làm từng cái bánh tráng đang khô kêu tí tách nghe thật vui tai.
Đông Bình là ngôi làng cổ có trên 400 năm tuổi và từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm bánh tráng truyền thống.
Tráng bánh là khâu quan trọng nhất quyết định chất lượng bánh.
Những con hẻm nhỏ tràn ngập những nong phơi bánh. |
Chúng tôi vào nhà ông Nguyễn Ngọc Anh, một gia đình có truyền thống 8 đời làm bánh tráng. Gia đình ông có 5 người con thì cả 5 đều biết làm bánh. Ông cho biết: “Ở Đông Bình hiện có khoảng 130 hộ làm bánh tráng với khoảng 500 lao động, tất cả đều gìn giữ được những kinh nghiệm quý báu của ông cha truyền lại để có thương hiệu bánh Đông Bình nổi tiếng như ngày hôm nay”. Như một sự tình cờ, con gái út của ông, Nguyễn Thị Ngọc Hương (23 tuổi), vừa tốt nghiệp cao đẳng du lịch Nha Trang đã tình nguyện dẫn chúng tôi đi khắp làng Đông Bình tìm hiểu nghề truyền thống này.
Được biết, bánh tráng Đông Bình thơm ngon đặc biệt trước tiên là nhờ loại gạo tẻ gieo trồng trên những cánh đồng vùng “đất Phú, trời Yên” vốn màu mỡ nhờ phù sa của con sông Đà Rằng bồi đắp từ nhiều đời nay. Nguồn nước làm bánh tráng cũng được khơi từ chính mạch nước ngầm của làng Đông Bình. Gạo tẻ ban đầu được chọn phải hạt to, mới, nhặt sạch sạn trước khi đem xay bột. Tiếp đó, các công đoạn từ xay bột đến tráng bánh, xếp, phơi bánh đều đòi hỏi người làm bánh phải có sự khéo léo, tỉ mỉ và dồn hết tâm huyết vào công việc. Có như vậy, chiếc bánh khi đưa ra thị trường mới ngon, trắng và để người ăn nhớ mãi. Tuy vậy, quan trọng nhất là khâu tráng bánh, nếu bánh mỏng quá sẽ rách khi cuốn nem, còn dày quá thì ăn không ngon. Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà (36 tuổi) làm giáo viên cấp 2 cho biết: “Cái nghề này làm giàu thì khó, nhưng lúc nào cũng có việc làm, có đồng ra đồng vào. Thời gian không có tiết dạy tôi thường tranh thủ tráng bánh, một ngày cũng kiếm được 50.000 - 100.000 VND”.
Thực tế, mỗi ngày một lò bánh tráng ở Đông Bình sản xuất khoảng hơn 2.000 cái, Tết đến thì 2.500 - 3.000 cái/ngày nhưng nhiều khi cũng không đủ bán. Bánh khô là có thể đóng gói chuyển đi ngay. Hầu hết các gia đình đều có mối tiêu thụ riêng, người thì chuyển hàng ra Nha Trang, người thì bán tại chợ trung tâm thành phố Tuy Hòa, có người lại chuyên cung cấp cho một số nhà hàng đặc sản. Ngoài ra, bánh tráng Đông Bình còn có đầu mối tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong nước như: Khánh Hòa, Gia Lai, Bình Định...
Bánh tráng Đông Bình thơm ngon một phần là nhờ nguyên liệu
gạo tẻ của “đất Phú, trời Yên”. |
Bột xay từ gạo là nguyên liệu làm bánh tráng.
. |
Bánh sau khi tráng xong sẽ được cho lên những
chiếc nong dài đan bằng tre để đem phơi. |
Bánh tráng Đông Bình sẽ ngon hơn
khi phơi dưới nắng trưa. |
Phơi bánh tráng trước sân nhà. |
Ở làng Đông Bình hầu như ai cũng biết làm bánh tráng. |
Đặc sản bánh tráng và bánh ướt đãi khách
của làng quê Đông Bình. |
Sản phẩm bánh tráng hoàn thiện, đóng gói đơn giản nhưng
hương vị thì không thể nào quên được khi đã thưởng thức. |
Tuy vậy, làng nghề bánh tráng Đông Bình chỉ thực sự có bước chuyển mình khi vào năm 2008, Hiệp hội bánh tráng Đông Bình được thành lập. Nhờ đó mà các gia đình làm bánh tráng ở đây đã có mối liên kết chặt chẽ để phát huy vai trò kinh tế tập thể, hỗ trợ tốt việc tiếp cận thông tin thị trường cũng như việc thay đổi công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập. Thay vì phương pháp thủ công truyền thống, nhiều gia đình đã đầu tư thiết bị sản xuất bánh tráng tự động với kinh phí hàng trăm triệu đồng, góp phần đáng kể vào giảm chi phí và công lao động. Thiết bị này có công suất sản xuất 10.000 sản phẩm mỗi ngày, tăng gấp 10 lần so với lò thủ công, đồng thời giảm cả tấn nhiên liệu than củi… Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh Phú Yên còn hỗ trợ vốn cho hơn 100 hộ tham gia sản xuất bánh tráng đạt chất lượng và có 3 cơ sở được hỗ trợ đầu tư công nghệ làm bánh mới.
Hiện tại, huyện Phú Hòa cũng đã có kế hoạch đầu tư mở rộng một số cơ sở sản xuất tại làng nghề bánh tráng Đông Hòa, đồng thời hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể, đăng ký mã vạch, tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tham quan học hỏi kinh nghiệm... nhằm tiếp tục gìn giữ và thúc đẩy sự phát triển của làng nghề truyền thống./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Nguyễn Luân
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/banh-trang-dong-binh-37989.html