Asean

ASEAN phục hồi sản xuất kinh doanh hướng tới Cộng đồng gắn kết, vững mạnh

Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, sáng 26/6/2020, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các Nhà Lãnh đạo ASEAN và các Đối tác tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 bằng hình thức trực tuyến. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 đã thành công tốt đẹp một lần nữa khẳng định tình đoàn kết, ý chí chính trị mạnh mẽ và quyết tâm cao của các quốc gia thành viên ASEAN vượt lên các khó khăn thách thức, tiếp tục kiểm soát tốt dịch Covid-19 và vững vàng đi tới, nhằm hoàn thành các mục tiêu hợp tác, liên kết ASEAN trong năm 2020.

 Thể hiện sức mạnh Cộng đồng thông qua đại dịch COVID-19

Tại họp báo quốc tế, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết những đánh giá của Việt Nam về hợp tác ASEAN trong thời gian qua, đặc biệt trong điều phối hợp tác, phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, dịch COVID-19 lan rộng toàn cầu. Trong khu vực, đến nay đã có hơn 130.000 người nhiễm, gần 4.000 người tử vong, đây là mất mát rất lớn, tổn thất khôn lường. Cộng đồng ASEAN phải vào cuộc, phải hành động. Chủ tịch ASEAN 2020 đã chủ động từ rất sớm, ra Tuyên bố chung, triệu tập các Hội nghị cả trong nội bộ ASEAN và ASEAN+3, giữa ASEAN với các đối tác, cùng bàn phương hướng chống dịch. Các sáng kiến của ASEAN như lập Quỹ COVID, lập Kho dụng cụ y tế, xây dựng Quy trình chuẩn… nhanh chóng được cộng đồng trong và ngoài khu vực hưởng ứng. Có thể nói, nội khối ASEAN đã hành động chủ động, khẩn trương, quyết liệt trên tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng.

Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 bắt đầu bằng tiết mục "ASEAN ca" chào mừng. Ảnh: Hoàng Việt/TTXVN phát


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ ASEAN tại
Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. Ảnh: TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Quang cảnh Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội). Ảnh: Thống Nhất - TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu dự lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. Ảnh: Trọng Đức – TTXVN


Các Đại sứ, đại diện Đại sứ quán các nước ASEAN tại Việt Nam theo dõi Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 theo hình thức trực tuyến. Ảnh: TTXVN


Các đại biểu dự lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. Ảnh: TTXVN
Bất chấp những khó khăn, đến nay Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch COVID-19. Các nước ASEAN cũng đang từng bước vừa kiểm soát dịch COVID-19 vừa đẩy mạnh nỗ lực hợp tác xây dựng Cộng đồng. Thành công của Hội nghị hôm nay chính là minh chứng cho tinh thần đoàn kết hợp tác, chủ động thích ứng của ASEAN. Các nước đã chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về trang thiết bị y tế, những vấn đề cần thiết khác để chống dịch; chưa bao giờ có sự kết nối tốt như vậy trong khu vực.

Qua đại dịch COVID-19, có thể thấy rõ rằng: ASEAN đã thể hiện được sức mạnh Cộng đồng, là lực lượng trung tâm, trưởng thành và tự tin chèo lái khu vực vượt qua khó khăn lớn chưa từng có, vì hòa bình, ổn định và phồn vinh chung.

ASEAN mong muốn hợp tác phát triển cùng có lợi

“Qua mỗi cơn phong ba, bó lúa vàng trên logo biểu tượng của
ASEAN sẽ ngày càng thêm gắn kết bền chặt, tiếp tục đem lại những hạt gạo đong đầy tình cảm đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của
đại gia đình ASEAN”


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến nhận định về những ảnh hưởng tới phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như ASEAN sau dịch COVID-19, trước việc Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai đối tác kinh tế, thương mại lớn của ASEAN hiện có nhiều cạnh tranh về địa chính trị và kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trung Quốc và Hoa Kỳ là những đối tác quan trọng hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, trong đó có ASEAN và Việt Nam. Sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến toàn cầu và ASEAN. Tuy nhiên, giữa các nước ASEAN với Trung Quốc và Hoa Kỳ đang có nhiều khuôn khổ hợp tác kinh tế cả song phương và đa phương. Đây là nền tảng quan trọng để duy trì, củng cố và thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa ASEAN với hai nền kinh tế lớn này.

ASEAN luôn mong muốn một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, thịnh vượng, hợp tác cùng phát triển. ASEAN mong muốn hợp tác phát triển cùng có lợi, vì một nền hòa bình ở khu vực và sự phát triển tương lai của các đối tác trong đó có Trung Quốc và Hoa Kỳ, những đối tác rất quan trọng của ASEAN. Hiện nay, thương mại hai chiều của Việt Nam với Trung Quốc rất lớn, thương mại với Hoa Kỳ cũng rất quan trọng. Đẩy lùi dịch COVID-19, phục hồi kinh tế là hai nhiệm vụ hàng đầu, là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, của chính Trung Quốc và Hoa Kỳ. Việt Nam mong muốn Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng phát huy điểm đồng, vượt qua khác biệt, xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung của khu vực và thế giới.

Các đại biểu quốc tế dự Phiên họp đặc biệt của các Nhà lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA) lần thứ 41 phát biểu tại phiên đối thoại. Ảnh: TTXVN


Phiên đối thoại của các Nhà lãnh đạo ASEAN với đại diện Thanh niên ASEAN. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN


Phiên đối thoại của các Nhà lãnh đạo ASEAN với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC). Ảnh: TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Phiên đối thoại của các Nhà lãnh đạo ASEAN với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC). Ảnh: TTXVN


 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì buổi Họp báo thông tin về Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. Ảnh: TTXVN
Với chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đang nỗ lực cùng các thành viên ASEAN thực hiện Kế hoạch tổng thể phục hồi sau dịch COVID-19; tập trung củng cố đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy tổ chức các hội nghị với Trung Quốc và Hoa Kỳ về hợp tác chống dịch, duy trì giao thương; đảm bảo các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ, tạo thuận lợi cho các chuỗi thương mại, đầu tư, thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực và thế giới.

Xây dựng Biển Đông thành vùng biển hợp tác và phát triển

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến tác động của dịch COVID-19 đối với chương trình nghị sự của Việt Nam về đàm phán các vấn đề liên quan đến Biển Đông; những biện pháp Việt Nam đã và sẽ thực hiện để đạt được mong muốn trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực nói chung và ở Biển Đông nói riêng là lợi ích và nguyện vọng chung của cộng đồng, nhất là với ASEAN. Bởi vậy, thời gian qua, ASEAN có nhiều nỗ lực đóng góp, từ duy trì đối thoại, thúc đẩy hợp tác đến xây dựng cơ chế, quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

Hội nghị lần này đã tái khẳng định quyết tâm của ASEAN đóng góp xây dựng Biển Đông thành vùng biển hợp tác và phát triển, an ninh và an toàn, xứng đáng với vị trí là một bộ phận quan trọng trong trao đổi của khu vực.

Dịch COVID-19, trước mắt làm gián đoạn các cuộc họp, thảo luận về xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN với Trung Quốc. Trong bối cảnh này, Việt Nam nỗ lực cùng ASEAN hợp tác với các bên liên quan để kiềm chế không có các hành động làm phức tạp tình hình trên biển, tuân thủ luật pháp quốc tế, xây dựng một Biển Đông hòa bình, hữu nghị, hợp tác, tự do hàng không, hàng hải; thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông và đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982)./.
Bài: VNP tổng hợp - Ảnh: TTXVN

 

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/asean-phuc-hoi-san-xuat-kinh-doanh-huong-toi-cong-dong-gan-ket-vung-manh-234135.html


top