Những năm gần đây, vấn đề Biển Đông đã trở thành một nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của ASEAN. Theo đó, ASEAN khẳng định cam kết duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực, cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không đe dọa hay sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế.
Hiện nay, sự gia tăng căng thẳng ở Biển Đông không chỉ đe dọa đến an ninh khu vực, mà còn đe dọa đến vấn đề an ninh mang tính toàn cầu do vị trí địa - chiến lược vô cùng quan trọng của khu vực này trên thế giới. ASEAN, với tư cách là tổ chức mang tính khu vực, có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa gia tăng khả năng xung đột và thúc đẩy tiến trình giải quyết tranh chấp biển, đảo bằng con đường hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế.
ASEAN đã và đang đóng vai trò vô cùng to lớn trong nỗ lực quốc tế gìn giữ hòa bình của khu vực, bao gồm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông xuyên suốt thời gian qua. Cùng với đó, ASEAN được cộng đồng quốc tế đánh giá là tổ chức khu vực thành công nhất thế giới và đã hoạt động hiệu quả hơn bất kỳ diễn đàn nào khác trong việc quản lý các xung đột tiềm tàng, đồng thời thúc đẩy ý thức về an ninh tại khu vực Biển Đông.
Cộng đồng quốc tế đều công nhận rằng, ASEAN luôn có một chỗ đứng quan trọng bậc nhất trong vấn đề Biển Đông. Đặc biệt là việc các nhà hoạch định chính sách khu vực ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông sẽ giúp an ninh của khu vực được cải thiện hiệu quả.
Trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại Labuan Bajo, East Nusa Tenggara (Indonesia), Tổng thống Indonesia đã khẳng định, mấu chốt để xây dựng một khu vực Biển Đông ổn định, hòa bình và thịnh vượng là tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Mới đây, Indonesia cho biết ASEAN đã nhất trí sẽ tổ chức diễn tập quân sự chung lần đầu tiên trên Biển Đông trong lúc căng thẳng và bất ổn gia tăng tại khu vực. Phát biểu sau Hội nghị Chỉ huy Lực lượng Phòng vệ ASEAN (ACDFM) tại Nusa Dua, Bali, Đô đốc Margono cho hay:"Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc diễn tập quân sự chung ở Biển Bắc Natuna, được gọi là Diễn tập Đoàn kết ASEAN (ENatuna) hoặc Asec01N".
Cuộc diễn tập sẽ tập trung vào an ninh hàng hải và cứu hộ (SAR), cũng như các dịch vụ xã hội ở khu vực Natuna. Sự kiện quy tụ các lực lượng vũ trang ASEAN trong lục quân, hải quân và không quân. Theo ông Margono, cuộc diễn tập thể hiện tính trung tâm của ASEAN và sẽ không liên quan đến huấn luyện tác chiến.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Malaysia cũng nhấn mạnh các vấn đề trên Biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, đảm bảo vùng biển ổn định và phục vụ mục đích thương mại. Trong thông cáo báo chí gần đây, Bộ Ngoại giao nước này khẳng định chính phủ Malaysia sẽ nỗ lực bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, cũng như lợi ích quốc gia ở Biển Đông. Malaysia sẽ tìm cách giải quyết các vấn đề tranh chấp liên quan đến chủ quyền ở Biển Đông trên tinh thần xây dựng, phù hợp với nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.
Việc các quốc gia Đông Nam Á tham gia tích cực trong giải quyết vấn đề Biển Đông cũng góp phần thể hiện khả năng quản lý xung đột nói chung ở khu vực, gia tăng nguồn “tài nguyên địa - chính trị” và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. ASEAN cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, thúc đẩy đàm phán xây dựng COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Các nước thành viên trong Cộng đồng ASEAN luôn đề cao sự gắn bó, đoàn kết, cùng nhau hướng tới tương lai, trong đó người dân là trung tâm; đồng thời cũng nhấn mạnh quân đội các nước ASEAN là một thực thể không tách rời trong ứng phó với các thách thức chung của khu vực, đặc biệt trong bối cảnh tình hình an ninh phức tạp hiện nay, vì hòa bình, thịnh vượng và an ninh./.
Bài: Báo ảnh Việt Nam Ảnh: TTXVN
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/asean-dong-thuan-ve-van-de-bien-dong-335829.html