Cộng đồng ASEAN (AC) đã chính thức được hình thành (31/12/2015). Tuy không trực tiếp làm ra của cải, vật chất phục vụ đời sống của Cộng đồng, nhưng với những giá trị trải rộng trên hầu khắp các lĩnh vực, Cộng đồng Văn hóa – Xã hội (ASCC) được đánh giá là có vai trò rất quan trọng trong việc gắn kết Cộng đồng, làm phong phú bản sắc ASEAN, góp phần chăm lo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo nên sức mạnh nội tại giúp Cộng đồng phát triển, hội nhập một cách bền vững. Dưới đây là nội dung trao đổi của Phóng viên Báo ảnh Việt Nam với PGS.TS Nguyễn Duy Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á về những vấn đề này.
Phóng viên: Giá trị nổi bật của ASCC đối với tiến trình hội nhập và phát triển của ASEAN là gì thưa Ông?
PGS.TS Nguyễn Duy Dũng: Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trải qua tất cả các giai đoạn phát triển của lịch sử, ở Đông Nam Á đã diễn ra một quá trình vừa củng cố phát triển tính truyền thống của từng vùng, vừa tiếp thu các vùng khác trong khu vực và bên ngoài. Thời kỳ Đông Sơn (nền văn hóa cổ) được coi là bước hội tụ lớn đầu tiên. Thế kỷ thứ X được coi là bước hội tụ thứ 2, thế kỷ XX là bước hội tụ thứ 3, và thế kỷ XXI với cái mốc có tính bước ngoặt - đó là xây dựng Cộng đồng ASEAN, trong đó có ASCC, phải chăng đây là một thời kỳ mới của bước hội tụ thứ 4? Dù trải qua nhiều biến động, song bản sắc văn hóa Đông Nam Á vẫn tiếp tục được gìn giữ và phát huy.
Mục tiêu cơ bản và kế hoạch tổng thể của của ASCC là góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm, có trách nhiệm xã hội nhằm xây dựng một xã hội hòa thuận và rộng mở, nơi mà cuộc sống và phúc lợi của người dân ngày càng nâng cao. Chính những giá trị đó của ASCC không chỉ làm phong phú bản sắc ASEAN mà còn tạo nên sức mạnh nội tại góp phần vào sự phát triển hội nhập và bền vững của cả Cộng đồng.
Tóm lại, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN trở thành hiện thực tự nó đã khẳng định giá trị của chính nó và hơn thế nữa sẽ là một trong những trụ cột chính để AC tiếp tục phát triển và đạt được các mục tiêu cao cả mà các nước ASEAN đã đề ra vì một khu vực ổn định, hòa bình và phồn vinh.
Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni
tham quan Di sản Văn hóa Thế giới Cố đô Huế của Việt Nam (2015). Ảnh: Quốc Việt/TTXVN
Bà Mai Thị Hạnh (áo dài đỏ), Phu nhân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang,
tham dự Liên hoan Ẩm thực “Cộng đồng ASEAN với bạn bè quốc tế, lần III - 2015” tại Hà Nội.
Ảnh: Trần Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam
Phu nhân Đại sứ các nước ASEAN tại Việt Nam giao lưu
kỷ niệm 47 năm Ngày thành lập ASEAN (2014). Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Phóng viên: Tuy được nhận định là có nhiều điểm tương đồng, nhưng trên thực tế Đông Nam Á là một khu vực đa sắc tộc, đa văn hóa, đa tôn giáo… Vậy nó có gây nên trở ngại cho tiến trình xây dựng “Một cộng đồng – Một bản sắc” như mong muốn không, thưa Ông?
PGS.TS Nguyễn Duy Dũng: Đông Nam Á là một vùng thực thể địa lý thống nhất mà đa dạng dù xét ở góc độ nào. Đây là những giá trị cần thiết, là cơ sở để cư dân Đông Nam Á mở rộng giao lưu và phát triển văn hóa bản địa đặc sắc của các dân tộc cũng như của cả khu vực.
Trong quá trình phát triển của ASEAN, đặc trưng “thống nhất trong sự khác biệt, đa dạng” đã trở nên nổi trội. Với một nền văn hóa lấy sự bao dung và hòa đồng làm cơ sở để xem xét và sáng tạo, bản địa hóa các yếu tố ngoại sinh theo mỹ cảm của mình, đổi mới các yếu tố nội sinh theo hướng hiện đại để tạo nên một cơ cấu đa dạng. Với một nền văn hóa giàu sự chuyển hóa, giàu tính cộng đồng và gắn với văn hóa chung… sẽ tạo thuận lợi và cơ hội để ASEAN vững tin hơn cho tiến trình xây dựng “Một cộng đồng - Một bản sắc”. Dĩ nhiên, những khác biệt là hiện hữu và cũng là “nét riêng” đã có và cần phải được duy trì để tạo nên một Cộng đồng với sự đa dạng phong phú và phát triển.
Phóng viên: Cộng đồng ASEAN đã chính thức được hình thành nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm ở phía trước. Là một trong 3 trụ cột nhưng dường như việc quảng bá, giới thiệu của các nước ASEAN về ASCC chưa thực sự mạnh mẽ như kỳ vọng?
PGS.TS Nguyễn Duy Dũng: Đây là một thực tế không riêng gì của Việt Nam mà của các nước ASEAN. Mặc dù người dân Việt Nam nhận thức và đánh giá cao việc tham gia Cộng đồng ASEAN. Tuy nhiên, thực tế các cấp địa phương, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thiếu thông tin. Vì vậy, theo chúng tôi cần phải thực hiện 5 giải pháp sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình hành động của từng Bộ ngành trong tham gia Cộng đồng Văn hóa - Xã hội.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế phối hợp giữa các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội để thực hiện các chương trình, dự án trong lĩnh vực văn hóa, xã hội.
Thứ ba, cần tranh thủ thu hút các nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu tiêu, chương trình tổng thể của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội nói chung, ở Việt Nam nói riêng.
Thứ tư, cần đẩy mạnh công tác truyền thông trong nước kết hợp chặt chẽ với các nước, Ban Thư ký ASEAN, nhằm tuyên truyền đầy đủ hơn về Cộng đồng AC nói chung, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội nói riêng.
Thứ năm, tiếp tục hợp tác tốt với các nước ASEAN để cùng nhau thực hiện các mục tiêu, nội dung, chương trình về xây dựng Cộng đồng AC, trong đó có Cộng đồng Văn hóa - Xã hội.
Nhân dân Hà Nội đi bộ "Đồng hành vì Cộng đồng ASEAN hoà bình và thịnh vượng"
chào mừng kỷ niện 43 năm thành lập ASEAN và 15 năm Việt Nam gia nhập ASEAN.
Ảnh: Ngọc Trường/TTXVN
Lễ trao giải Liên hoan Ảnh và Phim Phóng sự - Tài liệu
về các dân tộc trong Cộng đồng ASEAN tại Việt Nam năm 2015 . Ảnh: Tất Sơn/Báo ảnh Việt Nam
Đoàn thanh niên Brunei đến thăm Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Thanh niên các nước Đông Nam Á đến ở và giao lưu với một gia đình người dân Tp. Hồ Chí Minh.
Ảnh: An Hiếu/TTXVN
Đoàn nghệ thuật truyền thống Philippines biểu diễn tại Festival Huế 2012.
Ảnh: Trần Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam
Phóng viên: Đông Nam Á là một khu vực khá đặc biệt với sự hội tụ của nhiều di sản thế giới. Vậy chúng ta cần có chiến lược gì để có thể biến nó thành một “Thương hiệu văn hóa” của ASEAN?
PGS.TS Nguyễn Duy Dũng: Có thể tự hào rằng Đông Nam Á là khu vực có một không hai hội tụ nhiều di sản của thế giới. Vì thế, sự hình thành Cộng đồng cũng là cơ hội thuận lợi để bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản. Tuy nhiên, đối với các nước ASEAN đây cũng là thách thức lớn bởi các di sản đó cần phải được giữ gìn, bảo vệ tránh tình trạng “thương mại hóa” quá mức hoặc thiếu các nguồn lực để tu bổ, tôn tạo.
Khi các di sản thiên nhiên và văn hóa trở thành di sản thế giới điều đó sẽ được gắn một “thương hiệu” hấp dẫn đối với du khách trong khu vực và thế giới. Vì thế, để biến các di sản thành “thương hiệu văn hóa” của ASEAN cần phải có chiến lược phù hợp dài hạn và bền vững. Trước hết, cần phải thay đổi trong nhận thức về “thương hiệu văn hóa” của các di sản ASEAN. Thứ hai, xây dựng “thương hiệu văn hóa” các di sản phải gắn với tiến trình xây dựng “Một cộng đồng - Một bản sắc” của ASEAN, và là một nhiệm vụ quan trọng trong tổng thể chiến lược hành động của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN. Thứ ba, các chiến lược phát triển thương hiệu phải cụ thể hóa bằng các chương trình, dự án theo lộ trình chung và tùy vào điều kiện của mỗi quốc gia để gìn giữ và phát huy các giá trị của di sản. Cuối cùng, các di sản thế giới ở ASEAN chỉ trở thành “thương hiệu văn hóa” bền vững của ASEAN khi Cộng đồng cũng như mỗi quốc gia có sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau và tranh thủ các nguồn lực bên trong, bên ngoài.
Phóng viên: Là trung tâm nghiên cứu về Đông Nam Á hàng đầu tại Việt Nam, sắp tới Viện Nghiên cứu Đông Nam Á sẽ có những chương trình, kế hoạch nghiên cứu quan trọng nào để phục vụ công tác đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước?
PGS.TS Nguyễn Duy Dũng: Thời gian tới chương trình nghiên cứu của Viện sẽ tập trung vào các nội dung chính sau đây:
- Tập trung phân tích và làm rõ bối cảnh và những biến động trong nước, quốc tế, khu vực Đông Nam Á và tác động đến Việt Nam.
- Phân tích đánh giá các mối quan hệ hợp tác giữa các nước ASEAN và các nước lớn đối với từng nước và cả khối.
- Tiếp tục nghiên cứu các vấn đề cơ bản về Đông Nam Á ở các lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, chính trị, an ninh, đối ngoại, kinh tế, xã hội, môi trường, biến đổi khí hậu…
- Đẩy mạnh nghiên cứu, khai thác, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong mối tương đồng về văn hóa giữa các quốc gia Đông Nam Á.
- Nghiên cứu các vấn đề đặt ra của Cộng đồng ASEAN sau 2015 cả ở những vấn đề chung và cụ thể ở ba trụ cột.
- Nghiên cứu sự tham gia của Việt Nam vào Cộng đồng ASEAN, quan hệ và vai trò của Việt Nam với các nước trong khối, trong các hợp tác song phương và đa phương.
- Nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi xã hội, môi trường, khí hậu… đến sự phát triển của các nước Đông Nam Á và Việt Nam.
Nhân dịp này thay mặt Viện Nghiên cứu Đông Nam Á xin chân thành cảm ơn Báo ảnh Việt Nam đã tạo cơ hội để chúng tôi trao đổi một số nội dung về Cộng đồng ASEAN nói chung, Cộng đồng Văn hóa – Xã hội nói riêng. Xin kính chúc Báo ảnh Việt Nam ngày càng phát triển, thực sự là diễn đàn quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước và là cầu nối duy trì và gìn giữ tình hữu nghị tốt đẹp, bền vững giữa nhân dân Việt Nam với ASEAN và thế giới.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Ông!

(PGS.TS Nguyễn Duy Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á. Ảnh: Trần Thanh Giang)
Trong một cuộc khảo sát gần đây ở Việt Nam của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cho thấy: 98% người dân được hỏi đã nghe nói đến Cộng đồng ASEAN, chỉ có 2% trả lời chưa biết. Về kết quả khảo sát các kênh tiếp cận thông tin về Cộng đồng theo thứ tự trả lời: qua tivi chiếm 29%, máy tính kết nối 24%, báo giấy 14%, hội nghị 9%, học trên lớp, sinh hoạt 9%, radio 8%, thông tin qua bạn bè, hàng xóm 6%, qua các kênh khác 1%. Và khi đánh giá về mức độ cần thiết Việt Nam tham gia Cộng đồng, 62% ý kiến trả lời là rất cần, 35% cho rằng cần thiết, 3% không có ý kiến. Điều đó cho thấy người dân Việt Nam nhận thức và đánh giá cao việc tham gia Cộng đồng ASEAN. Và các con số trên cho thấy người dân đã có những đánh giá tích cực khi Việt Nam trở thành thành viên trong Cộng đồng ASEAN.
|
Bài: Thanh Hòa - Ảnh: Báo ảnh Việt Nam & TTXVN
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/ascc-–-tru-cot-xay-dung-ban-sac-asean-105804.html