Với biệt tài bắn súng hai tay như một và nổi tiếng là người tài hoa, mưu lược, gan dạ, dũng cảm, Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Tàu, tức Tư Cang, đã lãnh đạo thành công mạng lưới tình báo H.63 có nhiều điệp viên huyền thoại như Phạm Xuân Ẩn, Tám Thảo… làm nên những chiến công lừng lẫy, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam vào năm 1975.
Giống như bao nhiêu đứa trẻ khác trong thời chiến tranh loạn lạc, tuổi thơ của nhà tình báo Tư Cang cũng trải qua nhiều nỗi đắng cay, cực nhọc. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở một ngôi làng nhỏ của xã Long Phước, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đại tá, AHLLVTND Tư Cang (tháng 11/2011). Ảnh: Nguyễn Luân
Ông Tư Cang (hàng ngồi, thứ 7 từ trái qua) và Đại đội Thông tin, Trung đoàn 656 (1957). Ảnh: Tư liệu |
Năm 19 tuổi, giặc Pháp chiếm làng, Tư Cang bỏ nhà lên chiến khu theo Việt Minh, để lại người vợ mới cưới được 1 năm. Năm 1954, Hiệp định Geneva được kí kết, anh tập kết ra Bắc rồi không ngờ lại được tổ chức điều chuyển sang tổ tình báo.
Biết thế nào rồi cũng có ngày vào Nam hoạt động bí mật nên Tư Cang ra sức học tập nghiệp vụ. Vốn nổi tiếng là người có nhiều tài vặt, lại thông minh nên Tư Cang học cái gì cũng nhanh. Anh học đủ thứ, từ chụp ảnh, lái xe, viết văn… cho đến đủ thứ “ngón nghề” khác để sau này có cái phòng thân. Đặc biệt, Tư Cang giỏi cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, lại có biệt tài bắn súng ngắn hai tay như một. Hồi đó, đi thi bắn, anh chỉ đứng sau 3 kiện tướng bắn súng của miền Bắc lúc bấy giờ là Trần Oanh, Trần Minh, Hồ Xuân Kỷ.
Tháng 12/1961, nhận nhiệm vụ của tổ chức, Tư Cang trở lại miền Nam công tác. Đến tháng 4/1962, tại chiến khu Dương Minh Châu ở Tây Ninh, anh được Phòng Tình báo Miền giao nhiệm vụ chỉ huy Cụm tình báo H.63, cụm tình báo phục vụ hoạt động của điệp viên Phạm Xuân Ẩn, người mang biệt danh Hai Trung, một con “át chủ bài” của tình báo Việt Nam đang hoạt động bí mật trong lòng địch ở nội đô Sài Gòn, người sau này được biết đến như một nhân vật tình báo huyền thoại của quân đội Việt Nam thời kì chống Mĩ cứu nước.
Ông Tư Cang và vợ là bà Trần Ngọc Ánh
tại chiến khu Nam Bộ (1973). Ảnh: Tư liệu |
Ông Tư Cang và gia đình trước ngày tham gia
mặt trận biên giới Tây Nam 1978. Ảnh: Tư liệu |
Ông Tư Cang ngày gặp lại các con và cháu
sau ngày giải phóng miền Nam. Ảnh: Tư liệu |
Lễ trao tặng danh hiệu AHLLVTND
cho nhà tình báo Tư Cang (3/2006). Ảnh: Tư liệu |
Đại tá, Anh hùng tình báo Tư Cang và các đồng đội
trong Cụm tình báo H.63 Anh hùng. Ảnh: Tư liệu |
Đại tá, Anh hùng tình báo Tư Cang và các đồng đội
trong Cụm tình báo H.63 Anh hùng. Ảnh: Tư liệu |
Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, Cụm tình báo H.63 được đánh giá là lưới tình báo hoạt động hiệu quả nhất. Quân số toàn Cụm có tất cả 45 người, trong quá trình hoạt động đã hi sinh 27 người, 13 người bị thương, chủ yếu là giao liên và bảo vệ. |
Là người đứng đầu Cụm H.63, Tư Cang có nhiệm vụ phụ trách đội vũ trang gồm 20 người ở khu căn cứ Bến Đình (xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, thành phố Sài Gòn). Anh chỉ huy đơn vị chống càn, dạy bộ đội về chiến thuật, kĩ thuật quân sự, chỉ huy các giao liên ở trong ấp chiến lược đi về Sài Gòn và nhận thông tin của cơ sở trong nội thành gửi ra.
Năm 1965, Mỹ đổ quân ào ạt vào miền Nam, nhiệm vụ của cụm trưởng tình báo Tư Cang lúc này là phải sâu sát hơn với các điệp viên trong khu vực nội thành Sài Gòn. Do vậy, đến năm 1966, Tư Cang bí mật thâm nhập vào nội đô Sài Gòn để trực tiếp chỉ huy mạng lưới tình báo của mình.
Để có thể tồn tại được lâu dài trong lòng địch mà không bị lộ, Tư Cang đã phải làm rất nhiều việc, đóng rất nhiều vai. Nói về thời kì này, Đại tá Tư Cang đã kể lại một câu chuyện đầy thú vị. Đó là, không giống như các nhà tình báo nước ngoài thường cất giữ bên mình một viên đạn cuối cùng để phòng khi sa vào tay giặc, bản thân ông lúc hoạt động ở nội thành lại không mang bất cứ thứ vũ khí gì. Nhiều lúc nghĩ cũng thấy lo, nhưng vì yêu cầu bí mật nên ông luôn giữ đúng nguyên tắc và luôn trong tư thế sẵn sàng chấp nhận hi sinh nếu xảy ra bất trắc để giữ bí mật cho đồng đội, và giữ cho mạng lưới điệp viên được tiếp tục hoạt động an toàn.
Sau trận đánh Tết Mậu Thân năm 1968, ông tham gia khóa Bổ túc Chính ủy. Sang năm 1969 chuyển về làm Phó Chính uỷ Phòng Tình báo - Bộ Tham mưu Miền. Tới năm 1973, ông được cử đi học lớp chính trị cao cấp của quân đội, rồi sang làm Chính uỷ Lữ đoàn quân biệt động 316 tham gia chiến dịch giải phóng thành phố Sài Gòn. Sau đó tiếp tục chỉ huy đơn vị này tham gia mặt trận biên giới Tây Nam năm 1978 và bị thương (thương binh hạng 2/4). Sau cuộc chiến này, năm 1980 ông về làm hiệu trưởng Trường Văn hóa Quân khu 7 ở Vũng Tàu được 1 năm rồi nghỉ hưu.
Dưới sự chỉ huy của ông Tư Cang, Cụm tình báo H.63 đã trở thành lưới tình báo hiệu quả nhất trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Vì vậy, ngay từ năm 1971, tức trước khi miền Nam được giải phóng, Cụm tình báo H.63 đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Bản thân ông, tháng 3/2006, cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Bạn bè và người thân chúc thọ Đại tá, Anh hùng tình báo Tư Cang nhân dịp sinh nhật lần thứ 83 (30/10/2011).
Ảnh: Nguyễn Luân |
Hiện nay, ở tuổi 83, nhà tình báo Tư Cang đang làm vai trò của một nhà văn để viết lại những hồi ức đã qua. Trong mỗi tác phẩm của ông, người ta không chỉ thấy những chiến công thầm lặng nhưng đầy hiển hách của lực lượng tình báo Việt Nam anh hùng, mà còn thấy ở đó những tấm gương bình dị nhưng kiên trung, mưu trí, dũng cảm của những nhà tình báo Việt Nam tài ba, những người đã góp phần không nhỏ cho cuộc chiến thắng vĩ đại của dân tộc vào mùa xuân năm 1975./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Nguyễn Luân & Tư liệu
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/anh-hung-tinh-bao-tu-cang-28762.html