Mới đây, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I - Hà Nội đã tổ chức trưng bày “Ấn chương trên châu bản triều Nguyễn” với mong muốn đem lại cho công chúng một cái nhìn khái quát về công tác quản lí hành chính qua các triều đại nhà Nguyễn từ thời vua Gia Long (1802-1819) đến vua Bảo Đại (1902-1945). Đồng thời, góp phần cung cấp thêm những thông tin phục vụ nghiên cứu trên các lĩnh vực Hán Nôm học, văn thư lưu trữ học…
Ấn chương là con dấu và hình dấu được đóng trên văn bản, thể hiện sự xác tín và khẳng định tính hợp pháp của văn bản được ban hành. Ấn chương xuất hiện ở Việt Nam từ rất sớm. Theo các thư tịch cổ, từ thời Hùng Vương, tức cách đây khoảng hơn 4000 năm về trước, các Lạc tướng (thủ lĩnh của các bộ lạc hoặc vùng dân cư thời Hùng Vương) đã có ấn đồng dây thao xanh, nhưng trải qua nhiều biến động của lịch sử và chiến tranh, các tư liệu còn lại cho đến nay chủ yếu là ấn chương trên châu bản triều Nguyễn (1802-1945) của 13 triều vua từ Gia Long (1802-1819) đến Bảo Đại (1926-1945). Châu bản là những văn bản hành chính thuộc các thể loại như sớ, tấu, dụ… do đích thân nhà vua phê duyệt và đóng dấu ấn ngự phê bằng son đỏ.
Ấn ngọc "Đại Nam thu thiên vĩnh" thời Nguyễn thế kỉ XIX.
"Trường khánh công ấn, kim ngọc bảo tỉ" của Hoàng đế và Vương hậu triều Nguyễn.
"Văn lí mật sát, kim ngọc bảo tỉ" của Hoàng đế và Vương hậu triều Nguyễn.
Ấn vàng “Sắc mệnh chi bảo” năm Minh Mệnh thứ 8 (1827). |
Sau nhiều năm nghiên cứu và sưu tập, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I - Hà Nội đã tổ chức trưng bày “Ấn chương trên châu bản triều Nguyễn”, lựa chọn 140 hình dấu khác nhau in trên 90 phiên bản tài liệu lưu trữ “Châu bản triều Nguyễn” cùng một số ảnh chụp về hiện vật để minh họa nhằm giới thiệu đến công chúng và giới nghiên cứu các loại hình con dấu được sử dụng trong hệ thống cơ quan chính quyền triều Nguyễn từ trung ương tới địa phương. Bộ sưu tập chia làm 3 phần: Ấn của Hoàng đế và ấn của phủ Tôn nhân, Hoàng thân; Ấn của các cơ quan trung ương và quân đội; Ấn của các cơ quan chính quyền địa phương.
Vào thời Nguyễn, có nhiều loại hình ấn chương được sử dụng. Mỗi loại có những quy định riêng chặt chẽ trong cách chế tác, tên gọi, quản lí và sử dụng. Ví dụ như ấn của vua thường gọi là "tỉ", thường dùng trên các loại chiếu, chỉ, dụ...
Dấu ấn "Quốc gia tín bảo" là dấu hình vuông khắc
theo lối triện thư, nét chữ ngắn dễ đọc. |
Dấu ấn "Ninh Bình Tuần phủ quang phòng" dùng đóng trên các
bản tấu trình của quan tuần phủ Ninh Bình. |
Dấu ấn "Phủ biên Tướng quân chi ấn" thường đóng thêm dấu
“Sung biệt nội các sự vụ quan phòng” vào các vị trí quan trọng
trên văn bản, cho thấy đây là những bản sao từ một bản gốc khác. |
Dấu ấn "Hộ thành nha ấn" được đóng ở vị trí quan trọng,
chữ sửa chữa, giáp trang để bảo đảm
tính xác thực của văn bản. |
"Ninh Bình đạo ấn" đóng ở vị trí quan trọng giáp trang
trên các bản tấu của đạo Ninh Bình. |
"Hộ thành nha ấn" nét chữ mềm, được đóng vào chữ
“tháng nào” của dòng niên đại. |
Mặt in ấn "Trường khánh công ấn, kim ngọc bảo tỉ" của
Hoàng đế và Vương hậu triều Nguyễn. |
Mặt in ấn ngọc "Đại Nam thu thiên vĩnh"
thời Nguyễn thế kỉ XIX. |
Từ cuộc trưng bày lần nay, thông qua 76 ấn chương của các cơ quan trung ương và quân đội cho thấy bộ máy hành chính của triều Nguyễn có sự thay đổi khá lớn qua các thời kì khác nhau. Ví dụ như từ 6 “Bộ” cơ bản lúc đầu là Lại, Hộ, Lễ, Bình, Hình, Công thì đến cuối triều Nguyễn đã có sự xuất hiện của những Bộ mới như: Bộ Học (thời Duy Tân, 1907-1916), các Bộ Tài chính, Kinh tế, Lễ công, Tư pháp (thời Bảo Đại, 1926-1945).
Một số ấn chương các Bộ triều Nguyễn. |
Dấu ấn "Hộ hành nha ấn"
được đóng ở vị trí quan trọng, chữ sửa chữa thêm bớt và giáp trang bảo đảm tính xác thực của văn bản. |
Dấu ấn "Kiêm đốc hành nhân Ty
được khắc theo vòng tròn gồm 5 chữ Hán, dấu này được đóng dưới chữ "Nhật" dòng ghi niên đại danh tính, chức sắc. |
Cũng qua bộ sưu tập về ấn chương của các cơ quan địa phương cho thấy, thời Minh Mạng (1820-1840) có một cuộc cải cách hành chính lớn nhằm chia lại lãnh thổ Việt Nam thành 30 tỉnh, vì thế hệ thống ấn chương các cấp từ phủ, chây, huyện... cũng có sự thay đổi lớn. Hoặc vào thời vua Đồng Khánh (1885-1889), ngoài các ấn chương được khắc bằng chữ Hán truyền thống, có có một số ấn chương được khắc bằng chữ Pháp hoặc chữ Quốc ngữ. Điều đó cho thấy thời kì này bắt đầu có sự chuyển biến sâu sắc trong đời sống văn hóa, xã hội…
Triển lãm cho thấy hệ thống con dấu triều Nguyễn rất đa dạng. |
Có thể nói, việc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I - Hà Nội giới thiệu bộ sưu tập các ấn chương trên châu bản triều Nguyễn đã góp phần hé lộ nhiều điều thú vị về công tác hành chính, tổ chức nhà nước của một giai đoạn lịch sử quan trọng. Đồng thời nó còn giúp ích rất lớn cho công tác nghiên cứu trên nhiều bình diện khác nhau như Hán Nôm học, văn thư lưu trữ học, văn bản học, sử liệu học, nghệ thuật chạm khắc, thư pháp…
Được biết, cuộc trưng bày sẽ kéo dài đến hết ngày 31/12/2011./.
Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Trịnh Văn Bộ
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/an-chuong-chau-ban-trieu-nguyen-29085.html