Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) được tổ chức tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), ngày 1/11/2021. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Quyết định cho sĩ quan công an đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hoà bình LHQ và Quyết định thành lập văn phòng thường trực Bộ Công an về gìn giữ hoà bình LHQ (Hà Nội, 12/8/2022). Ảnh: TTXVN
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự Phiên thảo luận cấp cao Khóa họp lần thứ 78 Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ảnh: TTXVN
Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva Lê Thị Tuyết Mai dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Khóa họp lần thứ 51 của Hội đồng Nhân quyền LHQ (Geneva, 12/9/2022). Ảnh: TTXVN
Việt Nam đã và đang đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại các cơ quan LHQ. Trong ảnh: Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ phát biểu tại Phiên họp định kỳ lần thứ hai Hội đồng chấp hành Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), tại New York (29/8-1/9/2022). Ảnh: TTXVN
Đoàn Việt Nam do Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, Thống đốc - Đại diện thường trực Việt Nam tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) làm Trưởng đoàn, tham gia cuộc họp định kỳ lần thứ hai Hội đồng Thống đốc IAEA tại Viên (Áo) từ ngày 6-10/6/2022. Ảnh: TTXVN phát
Tối 7/6/2019, Việt Nam chính thức trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 với kết quả 192/193 quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên Đại hội đồng LHQ ủng hộ Việt Nam vào vị trí này. Trong ảnh: Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung (giữa trái) nhận lời chúc mừng của đại diện ngoại giao các nước sau khi kết quả bỏ phiếu cho thấy Việt Nam được bầu chọn là ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, tại New York, Mỹ ngày 7/6/2019. Ảnh: THX/TTXVN
Trải qua nhiều năm chiến tranh, Việt Nam hết sức trân trọng giá trị của hòa bình. Như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã từng đánh giá, Việt Nam là nhân tố quan trọng đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Chúng ta luôn kiên trì đề cao luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, nỗ lực thúc đẩy việc tìm kiếm giải pháp lâu dài, toàn diện cho các xung đột. Tại Liên hợp quốc, đặc biệt là trong các nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (2008-2009 và 2020-2021), Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp cho các vấn đề toàn cầu như sáng kiến Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh 27/12, thành lập Nhóm bạn bè của Công ước Luật biển, giải quyết hậu quả bom mìn, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột, thúc đẩy hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN trong duy trì hòa bình và an ninh khu vực,... Đến nay, Việt Nam đã cử 512 lượt sĩ quan quân đội và 4 lượt sĩ quan công an tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại châu Phi và tại trụ sở Liên hợp quốc, không chỉ khẳng định trách nhiệm của mình đối với an ninh quốc tế, mà còn góp phần tô thắm hình ảnh cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong thực hiện nhiệm vụ “sứ giả của hòa bình, hữu nghị”.
Trong lĩnh vực quyền con người, Việt Nam đề cao đối thoại và hợp tác, thúc đẩy tinh thần nhân văn, nhân ái, đặt con người vào trung tâm của phát triển, chia sẻ thành tựu, kinh nghiệm về bảo vệ các quyền cơ bản của con người, bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội. Sau nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc 2014-2016, Việt Nam đang ứng cử nhiệm kỳ 2023-2025 để tiếp tục đóng góp vào thúc đẩy quyền con người trên thế giới.
Với thành tựu của công cuộc đổi mới và những đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều tổ chức quan trọng của Liên hợp quốc như Hội đồng Bảo an (2008-2009, 2020-2021), Hội đồng Kinh tế- Xã hội (1998-2000, 2016-2018), Hội đồng Nhân quyền (2014-2016), Ủy ban Luật pháp Quốc tế (2017-2021, 2023-2027), Hội đồng Chấp hành Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) (2000-2002), Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) (1978-1983, 2001-2005, 2009-2013, 2015-2019, 2021-2025),... Với tinh thần trách nhiệm cao, đóng góp thực chất vào công việc chung của Liên hợp quốc, Việt Nam đã thực sự thể hiện rõ tâm thế, bản sắc và bản lĩnh của ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về một quốc gia độc lập, tự chủ, đổi mới, yêu chuộng hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, tin cậy, chân thành và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Năm 2015, tổng kết 15 năm thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs), Việt Nam đã hoàn thành sớm 3 mục tiêu quan trọng trong tổng số 8 mục tiêu, đó là: Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói (MDG1); Phổ cập giáo dục tiểu học (MDG2); Tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ (MDG3). Ảnh: TTXVN
Ông Anthony Lake, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thăm Trung tâm bảo trợ nạn nhân da cam và trẻ bất hạnh thành phố Đà Nẵng (30/5/2013). Ảnh: TTXVN
Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tổ chức khóa huấn luyện sĩ quan tham mưu LHQ theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, do Chương trình Sáng kiến hoạt động hòa bình toàn cầu của Hoa Kỳ (GPOI) hỗ trợ (Hà Nội, tháng 4/2021). Ảnh: TTXVN
*Đối tác vì hòa bình, phát triển bền vững và tương lai tốt đẹp hơn của nhân loại
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc trong 45 năm qua đã góp phần quan trọng củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, tranh thủ được các nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng của Liên hợp quốc trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; theo đó, nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc và các khuôn khổ, cơ chế hợp tác quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện đất nước.
Thực hiện chủ trương đúng đắn đó, Việt Nam tiếp tục coi trọng và tăng cường hợp tác với Liên hợp quốc; kiên định độc lập, tự chủ, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; nỗ lực phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải trong các vấn đề quốc tế trong điều kiện cho phép; tiếp tục thúc đẩy hợp tác đa phương, hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN, để cùng tìm giải pháp lâu dài cho xử lý các thách thức an ninh và phát triển trên thế giới. Chúng ta chủ động, tích cực thực hiện tốt trọng trách tại các tổ chức, cơ quan Liên hợp quốc mà Việt Nam trúng cử, đồng thời có kế hoạch, lộ trình chuẩn bị cho ứng cử các vị trí quan trọng của Liên hợp quốc.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ xuất quân Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ tại Abyei và Nam Sudan (Hà Nội, 27/4/2022). Ảnh: TTXVN
Cử các lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện các cam kết, trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về bảo vệ hòa bình trên thế giới. Trong ảnh: Ngày 2/10/2018, 32 bác sĩ đầu tiên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tới thủ đô Juba (Nam Sudan) để thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở quốc gia Đông Phi này (2/10/2018). Ảnh: TTXVN phát
Cùng với Bệnh viện dã chiến cấp 2, Đội Công binh số 1 gồm 184 người là đội công binh đầu tiên của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình ở Abyei (Phái bộ UNISFA). Ảnh: TTXVN
Bên cạnh tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, một điều hết sức quan trọng là cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực và xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại đa phương toàn diện, chuyên nghiệp, hiện đại, đồng thời có chính sách phù hợp tăng cường cán bộ Việt Nam làm việc trong các tổ chức Liên hợp quốc.
Tình hình thế giới biến chuyển nhanh chóng, phức tạp, song xu thế lớn và nguyện vọng thiết tha của các quốc gia, dân tộc vẫn luôn là giữ vững hoà bình, mở rộng hợp tác phát triển. Với phương châm chủ động, tích cực, chân thành, tin cậy và có trách nhiệm, Việt Nam tiếp tục nỗ lực hết sức mình đóng góp vào củng cố vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong hệ thống quản trị toàn cầu, cùng phấn đấu vì hòa bình bền vững, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội./.
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/45-nam-quan-he-viet-nam-lien-hop-quoc-doi-tac-tin-cay-vi-hoa-binh-hop-tac-va-phat-trien-309575.html