Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trao tặng bằng khen cho ông Trần Bá Phúc - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Australia, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam tại nước ngoài - vì những đóng góp của ông. Ảnh: TTXVN phát
Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam đã trở thành “mắt xích” quan trọng của chuỗi cung ứng khu vực, tích cực thúc đẩy các hiệp định kinh tế như Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, Việt Nam thường xuyên tham gia các chương trình giao lưu văn hóa, đồng thời tích cực thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Theo ông Trần Bá Phúc, Việt Nam đã tận dụng tốt các cơ hội khi gia nhập ASEAN, mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các nước thành viên. Thông qua Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam đã cải cách thể chế và các thủ tục để nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập và tăng cường hợp tác phát triển kinh tế khu vực; đồng thời chủ động tham gia các sáng kiến kết nối khu vực như Hành lang Kinh tế Đông-Tây, Hành lang Bắc-Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của ASEAN.
Ông Trần Bá Phúc nhận định vai trò của Việt Nam trong ASEAN ngày càng được nâng cao, trở thành cầu nối giữa các nước thành viên với đối tác và thường xuyên chủ động đề xuất sáng kiến. Việt Nam đã đảm nhận và hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, thể hiện lập trường độc lập, giữ vững nguyên tắc đồng thuận và đoàn kết nội khối.
Việt Nam luôn đóng góp tích cực trong việc duy trì trật tự, hòa bình dựa trên công ước và luật pháp quốc tế ở Biển Đông, thúc đẩy các nội dung hợp tác mới như chuyển đổi số, phát triển xanh và bền vững.
Về phía ASEAN, ông Trần Bá Phúc cho rằng để duy trì vị thế trung tâm trong khu vực, hiệp hội cần tiếp tục đoàn kết, tôn trọng chủ quyền của nhau, duy trì nguyên tắc đồng thuận, không can thiệp, chủ động thích ứng với những biến động toàn cầu, đổi mới mô hình hợp tác và nâng cao năng lực tự cường.
Để củng cố vai trò quan trọng của mình, Việt Nam có thể đóng góp bằng cách tăng cường thúc đẩy việc xây dựng thể chế cũng như các sáng kiến hội nhập kinh tế sâu rộng, tích cực duy trì an ninh khu vực và phát triển bền vững.
Với vai trò và vị thế của Việt Nam trong ASEAN hiện nay, ông Trần Bá Phúc kỳ vọng đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia phát triển, có vị thế kinh tế và chính trị hàng đầu trong ASEAN, là quốc gia hình mẫu về phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Việt Nam không chỉ giữ vai trò gắn kết giữa các quốc gia thành viên ASEAN, mà còn có thể làm điểm kết nối hiệu quả giữa ASEAN và các đối tác chiến lược toàn cầu. Với tinh thần chủ động và trách nhiệm, Việt Nam tiếp tục là nhân tố tích cực đóng góp vào quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực./.
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/30-nam-viet-nam-gia-nhap-asean-nhieu-dong-gop-noi-bat-ve-an-ninh-chinh-tri-va-kinh-te-van-hoa-xa-hoi-403271.html