Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam giai đoạn 2017-2021 Daniel Kritenbrink nhấn mạnh các hoạt động nhân đạo là cầu nối đưa hai nước đến quá trình bình thường hóa. Mỹ đã đầu tư ngân sách lớn để xử lý hậu quả chiến tranh và mở rộng hợp tác trong tìm kiếm hài cốt quân nhân mất tích.
Nhà nghiên cứu Charles Bailey, đồng tác giả cuốn "Từ kẻ thù đến đối tác: Việt Nam, Mỹ và chất độc da cam", cho rằng di sản chiến tranh vẫn là vấn đề cần giải quyết lâu dài. Ông nhấn mạnh cần tiếp tục các nỗ lực tẩy độc dioxin, rà phá bom mìn và hỗ trợ người khuyết tật - những nạn nhân còn chịu ảnh hưởng đến ngày nay và cả các thế hệ mai sau.
Sản phẩm tôm là mặt hàng xuất khẩu đang dẫn đầu trong nhóm thuỷ sản xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
* Hợp tác kinh tế: Trụ cột và động lực phát triển
Từ mức gần như bằng không vào năm 1995, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng hơn 200 lần và đạt 132 tỷ USD năm 2024. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ tám của Mỹ. Theo cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam giai đoạn 2014-2017 Ted Osius, sự tăng trưởng ấn tượng là kết quả của chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và phát triển công nghiệp sản xuất.
Động lực mạnh mẽ cho quan hệ song phương Việt Nam – Mỹ là sự kiện Hiệp định Thương mại song phương (BTA) được ký kết tháng 7/2000 và chính thức có hiệu lực từ tháng 12/2001. Sau khi Quốc hội Mỹ thông qua Quy chế Quan hệ Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR), Việt Nam đã chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng 1/2007.
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải cho rằng Việt Nam là thị trường tiềm năng với 100 triệu dân, trong khi kinh tế Việt Nam cũng gắn bó chặt chẽ với Mỹ. Vai trò của Việt Nam tại Đông Nam Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khiến nước này ngày càng được Mỹ coi trọng.
Các tập đoàn lớn của Mỹ như Boeing, Intel, Apple, Citi, Nike, Lockheed Martin đều đã có mặt tại Việt Nam. Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng nhận định sự hiện diện này là minh chứng sống động cho quan hệ bình thường hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam.
Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Andrew Herrup khẳng định quan hệ đối tác kinh tế là nền tảng thúc đẩy đổi mới và thịnh vượng. Hai nước còn nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực như chống chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ sở hữu trí tuệ, chống gian lận mạng, quản lý hàng hóa lưỡng dụng và xây dựng mạng kỹ thuật số an toàn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự tọa đàm doanh nghiệp do Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), Phòng Thương mại Hoa Kỳ (USCC) và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự hiểu biết quốc tế (BCIU) đồng tổ chức (Hoa Kỳ 23/9/2024). Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN
* Tiến tới tầm cao mới
Quan hệ Việt - Mỹ ngày nay không chỉ dựa trên lợi ích chiến lược mà còn được thúc đẩy bởi sự hiểu biết lẫn nhau. Giao lưu văn hóa, giáo dục, khoa học và các chương trình trao đổi đã góp phần mở rộng sự đồng cảm giữa hai dân tộc.
Theo cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam giai đoạn 2007-2011 Michael Michalak, quan hệ song phương, đặc biệt trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo và công nghệ cao, đang được thúc đẩy mạnh mẽ trong khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện.
Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng nhận định, kinh tế - thương mại - đầu tư, công nghệ cao, chuỗi cung ứng, chuyển đổi số, giáo dục, quốc phòng, giao lưu nhân dân và khắc phục hậu quả chiến tranh sẽ tiếp tục là các trụ cột hợp tác. Ông nhấn mạnh: "Trong chặng đường tới, chúng tôi kỳ vọng quan hệ hai nước sẽ tiếp tục được nâng lên tầm cao mới - không chỉ ở chiều rộng hợp tác, mà còn ở chiều sâu hiểu biết và tin cậy lẫn nhau". Đại sứ khẳng định điều quan trọng là xây dựng nền tảng xã hội vững chắc cho quan hệ song phương - nơi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu nhau, học hỏi lẫn nhau và cùng nhau tạo nên giá trị chung.
Từ quá khứ chiến tranh đến hiện tại hợp tác chiến lược, quan hệ Việt Nam – Mỹ đã chứng minh sức mạnh của đối thoại, lòng tin và sự tôn trọng lẫn nhau. Ba thập kỷ qua, hai nước đã vượt qua hố sâu lịch sử để xây dựng mối quan hệ hợp tác thực chất, đa lĩnh vực và ngày càng bền chặt. Từ khắc phục hậu quả chiến tranh đến thúc đẩy thương mại, đầu tư, khoa học – công nghệ và giao lưu nhân dân, hai nước đang cùng nhau hướng tới một tương lai chung dựa trên hiểu biết, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau./.