“Khi tôi còn là hạt bụi, Người đã lên tàu đi xa…” - câu hát của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn từ lâu cứ thôi thúc chúng tôi tìm về bến cảng Sài Gòn, nơi mà ngày 5/6/1911, Bác Hồ (khi ấy là người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành) đã đặt những dấu chân đầu tiên trên chuyến tàu Amiral Latouche Tréville để bắt đầu cuộc hành trình đi tìm chân lý giải phóng dân tộc.
Và rồi chúng tôi cũng có mặt ở địa điểm lịch sử ấy, nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh (Bảo tàng HCM) vào một buổi sáng bình yên, đúng dịp cả nước kỷ niệm tròn 100 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Bước vào Bảo tàng HCM, ai cũng có chung cảm giác như bước vào một cảnh phim quay chậm, tái hiện trọn vẹn cuộc đời và sự nghiệp của Người. Rời xa Tổ quốc khi tuổi đời còn rất trẻ, sau hơn 30 năm bôn ba khắp năm châu, Người đã trở về trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong cả nước với cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945. Từ đây, Người luôn đảm nhiệm những chức vụ cao nhất của Đảng và Nhà nước, lãnh đạo toàn dân giành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Bảo tàng Hồ Chí Minh, nơi tái hiện trọn vẹn cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ qua các tài liệu, hiện vật quý giá.
ảnh: Nguyễn Luân.

Tượng đài người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm chân lý giải phóng dân tộc. ảnh: Nguyễn Luân.

Các em thiếu nhi tìm hiểu những kỉ vật về Bác Hồ. ảnh: Nguyễn Luân.

Những kỉ vật của Bác Hồ được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. ảnh: Nguyễn Luân.

Một đoàn tham quan là các em thiếu niên, nhi đồng đến với Bảo tàng Hồ Chí Minh. ảnh: Nguyễn Luân.

Hướng dẫn viên kể chuyện Bác Hồ. ảnh: Nguyễn Luân.

Một cụ già chăm chú tìm hiểu cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.
ảnh: Nguyễn Luân.

Tàu Amiral Latouche Tréville, con tàu đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Bến cảng Sài Gòn
vào ngày 5/6/1911 để bắt đầu cuộc hành trình đi tìm chân lý giải phóng dân tộc. ảnh: Tư liệu.

Mô hình ngôi nhà của Bác Hồ ở quê nội - làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
ảnh: Nguyễn Luân.

Trường Đại học Phương Đông trong thời gian từ cuối năm 1923 đến 1924. ảnh: Tư liệu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiên cứu bản đồ hình thái quân sự Đông Xuân 1953 - 1954. ảnh: Tư liệu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đoàn Dân chính đảng Nam Bộ năm 1949. ảnh: Tư liệu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát mặt trận Đông Khê trong chiến dịch Biên giới 1950. ảnh: Tư liệu.

Gian thờ Bác Hồ trong Bảo tàng Hồ Chí Minh. ảnh: Nguyễn Luân. |
“Các tài liệu, hiện vật
đang được lưu giữ trong Bảo tàng HCM, đặc biệt là các tài liệu, hiện vật lưu giữ trong kho cơ sở là tài sản vô giá của quốc gia. Tất cả cần được bảo vệ, bảo quản chu đáo, trân trọng giữ gìn cho các thế hệ mai sau, phát huy tác dụng trong công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học” -
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa Xinh, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh. |
Khách tham quan từ người già đến các em nhỏ, từ các cựu chiến binh đến bạn bè quốc tế, học sinh, sinh viên… đến với Bảo tàng HCM là dịp để tưởng nhớ, chiêm nghiệm, học tập và noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cuốn sổ lưu niệm ghi lại cảm xúc, anh Paul Van Camp - người Mỹ bày tỏ: “…Tất cả chúng ta có thể học ở Người những bài học có giá trị về đức tính liêm chính, nhìn xa trông rộng và suốt đời gắn bó lý tưởng của mình. Chúng tôi, người Mỹ cũng biết chia sẻ lòng yêu tự do, giờ đây có thể cùng các bạn tôn vinh Hồ Chí Minh vĩ đại”. Người mẹ trẻ Vũ Thị Đan Trà thì viết: “Cháu Võ Viết Khải Nguyên, cháu tròn 3 tuổi, đây là lần đầu tiên cháu được bố, mẹ cho đi thăm bảo tàng và bảo tàng đầu tiên là Bảo tàng HCM. Cháu đặc biệt thích bộ quần áo của Bác. Cháu cũng chắp tay trước bàn thờ Bác. Cháu nhìn ảnh Bác và hát bài ‘Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng’. Tình cảm của cháu đối với Bác làm bố mẹ cháu rất xúc động…”.
Bảo tàng HCM thành lập từ năm 1979 (trước đó là Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh), hiện là một chi nhánh nằm trong hệ thống các Bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước. Các tư liệu, hiện vật, hình ảnh sinh động qua các chủ đề trưng bày ở đây đặc biệt nhấn mạnh đến sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, tình cảm của Bác Hồ đối với miền Nam và tình cảm của nhân dân miền Nam với Bác Hồ. Ngoài các hoạt động chính, Bảo tàng HCM còn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền giáo dục rộng rãi như: hội nghị khoa học, tọa đàm giữa các thế hệ, nói chuyện chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh; giới thiệu và chiếu phim, tư liệu, hồi ký, các ấn phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và về Bảo tàng; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về tiểu sử, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2011), Bảo tàng HCM phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng ra mắt công chúng chuyên đề: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với con đường giải phóng dân tộc”, bao gồm trên 200 tài liệu hiện vật. Lễ mít tinh cũng được tổ chức trọng thể vào ngày 5/6 và cầu truyền hình đặc biệt được truyền trực tiếp tại 5 tỉnh, thành là thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Cao Bằng và Đồng Tháp vào đêm cùng ngày. Nhân dịp này, Bảo tàng HCM còn phối hợp với các nhà thiếu nhi, trường học, các nhà văn hóa, khu công nghiệp, khu chế xuất và các đơn vị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; các tỉnh, thành phía Nam trưng bày lưu động các chuyên đề: “Bác Hồ với thiếu nhi”, “Tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp công nhân Việt Nam”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với thanh niên Việt Nam”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục”…
Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là một nhà chính trị lỗi lạc, một nhà quân sự thiên tài mà Người còn là một nhà giáo dục, một nhà văn hóa lớn. Người đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ghi nhận và suy tôn là “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất”. Và chính tại nơi này, Bến cảng Sài Gòn năm xưa và Bảo tàng HCM hôm nay, những dấu ấn của Người sẽ vẫn khắc ghi mãi đến muôn đời./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Nguyễn Luân
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/100-nam-tu-ben-cang-sai-gon-23216.html