Chợ Bến Thành với mặt tiền là tháp chuông ở cổng Cửa Nam là biểu tượng độc đáo mà bất kì ai khi đến Tp. Hồ Chí Minh cũng phải một lần ghé qua. Không chỉ là điểm du lịch nằm ở ngay trung tâm thành phố, ngôi chợ này còn thu hút du khách - nhất là Việt kiều và khách quốc tế, bởi nó mang những đặc trưng văn hóa chợ của người Sài Gòn.
Trước khi Pháp xâm chiếm Gia Định năm 1858, chợ Bến Thành đã hình thành với tường gạch, sườn gỗ, lợp tranh và được mô tả như là “phố chợ nhà cửa trù mật ở dọc theo bến sông”. Bên cạnh chợ có một bến sông gần thành Gia Định nên có tên gọi là Bến Thành, và theo đó chợ cũng có tên là chợ Bến Thành. Lúc này, xung quanh chợ dọc theo bờ sông Bến Nghé, các thương thuyền thường đậu chen chúc nhau, tạo thành một thành phố nổi trên mặt nước, buôn bán rất sầm uất. Tuy vậy, sau cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi (1833-1836) thì khu vực này bị tàn phá, chợ Bến Thành cũng không còn nhộn nhịp như trước nữa. Đến tháng 2 năm 1859, sau khi Pháp đã chiếm Gia Định thì chợ bị huỷ hoại hoàn toàn.
Chợ Bến Thành tròn 100 năm tuổi là biểu tượng văn hóa, mang dấu ấn lịch sử, tồn tại trong ký ức, tâm hồn của người dân
TPp Hồ Chí Minh.
Tượng đàu danh tướng thời Trần Trần Nguyên Hãn trước chợ Bến Thành.
Khu chuyên bán trái cây, đặc sản nhiệt đới Việt Nam tại chợ Bến Thành.
Chợ đêm Bến Thành hiện là điểm du lịch thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. |
Năm 1912, người Pháp lấp ao Boresse để xây chợ mới, cách địa điểm chợ Bến Thành cũ không xa. Ngày 28/3/1914, ngôi chợ mới này được khánh thành và vẫn có tên là chợ Bến Thành. Ngoài ra, chợ còn được gọi là chợ mới Sài Gòn để phân biệt với chợ Bến Thành cũ, hay “Tân Gia thị” theo cách gọi của người Hoa lúc bấy giờ.
Từ đó, chợ Bến Thành hoạt động liên tục trong hơn 70 năm cho đến năm 1985 thì chợ được UBND Thành phố và Quận 1 cho đầu tư chỉnh trang, cải tạo với quy mô lớn: Toàn bộ nhà lồng chợ, mái che, các gian hàng, sạp hàng đều được sửa chữa, làm mới và nâng cấp. Riêng tháp chuông phía cửa Nam là mặt tiền của chợ vẫn được giữ lại nguyên vẹn kiến trúc xưa. Hiện tại, chợ Bến Thành có diện tích 13.056 m² với 16 cửa tỏa ra bốn hướng: Cổng chính ở cửa Nam quay ra công trường Quách Thị Trang là nơi bày bán các mặt hàng vải, quần áo các loại; cửa Ðông (phía đường Phan Bội Châu) lại chuyên bán các loại mỹ phẩm và bánh kẹo đầy màu sắc; cửa Bắc (phía đường Lê Thánh Tôn) thì rực rỡ với đủ loại hoa tươi, trái cây và quyến rũ người qua đường bởi mùi thơm của các loại thực phẩm chế biến và tươi sống; cửa Tây (phía đường Phan Chu Trinh) là nơi dành cho chị em phụ nữ với sự đa dạng của vô số loại giày dép, hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm… Phía trong lồng chợ, khoảng 1.500 sạp hàng và các doanh nghiệp kinh doanh đầy đủ các loại mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và cao cấp phục vụ khách du lịch, đặc biệt là hàng lưu niệm, quần áo, vải tơ tằm, thủ công mỹ nghệ, sành sứ, tranh thêu, thổ cẩm...
Chợ Bến Thành thường bắt đầu mở cửa hoạt động từ 4h sáng tại khu vực cửa Bắc, rồi đến 8 - 9h sáng, các quầy, sạp ở ba cửa chính Đông, Tây, Nam, các cửa phụ và trong lồng chợ... sẽ đồng loạt mở cửa đón khách từ khắp nơi đổ về. Hình ảnh ngôi chợ lúc này là từ khu vực các cửa ra vào đến khu nhà lồng chợ đâu đâu cũng diễn ra cảnh mua bán tấp nập. Các sạp hàng được bố trí dày đặc trong lồng chợ thì lúc nào cũng tấp nập người vào, kẻ ra, chen chúc nhau ở các lối đi.
Thiết kế mái theo phong cách kiến trúc Pháp cổ của chợ.
Các mặt hàng lưu niệm được bày bán tại chợ Bến Thành phong phú và đa dạng.
Một gian hàng trong chợ Bến Thành.
Du khách nước ngoài tham quan, mua hàng tại chợ Bến Thành.
Các mặt hàng phong phú được bày bán tại chợ Bến Thành. |
Các tiểu thương trong chợ còn là những phụ nữ hay các cô gái rất xinh đẹp, trẻ trung, mang đậm chất Nam bộ và đặc biệt là nói ngoại ngữ rất lưu loát, từ Anh, Hoa, Nhật, Hàn, Pháp, Đức... và thậm chí cả tiếng Campuchia. Đây cũng là điều kiện để khách quốc tế được giao lưu với văn hóa Việt một cách thuận tiện nhất. Anh Đỗ Trung Kiên, một Việt kiều Mỹ sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, thì đã chia sẻ : “Lần nào về nước, tôi cũng tìm cách đưa gia đình đi chợ Bến Thành để các con của tôi có cơ hội được gần gũi và hiểu biết hơn về văn hóa Việt Nam”./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Lê Minh
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/100-nam-cho-ben-thanh-50753.html