Khám phá

Phong cách Tam Quốc ở “Ngọa Long Trại”

Nhà hàng “Ngọa Long Trại” lấy bối cảnh từ bộ phim Tam Quốc diễn nghĩa được sản xuất năm 1994, thu hút rất đông thực khách ở Tp. Hồ Chí Minh đến khám phá, ăn uống và giải trí.
Ngay tên “Ngọa Long” của nhà hàng ở quận Bình Thạnh là lấy hiệu của nhân vật Gia Cát Khổng Minh, quân sư của nước Thục, một trong ba nước Ngụy - Thục – Ngô trong thế Tam Quốc phân tranh.

Từ ngoài đường, thực khách đã thấy không gian rộng lớn với diện tích 1.700m2, như một doanh trại quân sự trước chiến dịch thời Tam Quốc cách đây gần 2.000 năm.  Cổng ra vào của “Ngọa Long Trại” đặt những chiếc cọc chống tạo thành hàng rào, bên góc phải có chòi canh.


Nhà hàng có diện tích 1.700m2 ở quận Bình Thạnh (Tp. Hồ Chí Minh), được thiết kế giống như doanh trại
trong bộ phim Tam Quốc diễn nghĩa.



Nhà hàng “Ngọa Long Trại” với những bàn ăn của thực khách được chế tạo bằng tre, trúc mang phong cách cổ điển.


Các khu nhà hàng được phân chia theo ba nước Ngụy, Thục, Ngô trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa.


Ngay cổng ra vào của Nhà hàng có những chiếc cọc chống tạo thành hàng rào doanh trại.


Chòi canh "Ngọa Long Trại" thiết kế như trong phim Tam Quốc diễn nghĩa.


Những lều trại nhỏ thiết kế hình tròn có trang trí các hình ảnh, binh thư như thời Tam Quốc.


Tiểu cảnh trang trí trong lều tướng quân.


Cẩm nang chiến đấu của kị binh trong nhà hàng “Ngọa Long Trại”.

Không gian nhà hàng “Ngọa Long Trại” tiếp tục mở ra với rất nhiều lều trại được dựng lên bằng vải thô, loại lớn dành cho tướng quân và loại nhỏ cho các đơn vị lính như bộ binh, xa binh, kỵ binh, thương binh. Nếu như trong chiến tranh thời Tam Quốc, mỗi doanh trại là nơi ở của một đơn vị chiến đấu thì giờ đây, nó chính là không gian để thực khách cùng thưởng thức ẩm thực và khám phá “Ngọa Long Trại” từ nhân viên phục vụ, thực đơn đến đồ vật, đồ trang trí… đều gợi đến hình ảnh của một thời kỳ đã lưu danh trong sử sách Trung Quốc.

Trong lều tướng quân, trên tường trang trí thêm bộ giả da hổ để tăng thêm vẻ uy dũng. Trên bàn ăn, thực khách như được trở lại cuộc chiến Tam Quốc với tấm bản đồ vẽ các trận đánh của ba nước Ngụy, Thục, Ngô. Lúc này, bỗng nhiên, một tên lính trong trang phục chiến trận từ đâu đến và đưa ra cho thực khách một trang sách kiểu cổ làm bằng các mảnh trúc gắn lại với nhau, tưởng như một bài binh pháp. Thì ra đó là nhân viên phục vụ đưa thực đơn mời thực khách chọn món ăn. Đặc biệt, thay vì phục vụ như thông thường, họ đều gọi khách bằng các đại từ “quan nhân”, “đại tỷ”... Ngược lại, khách có thể gọi nhân viên phục vụ bằng “lính”, “tiểu đệ” hay “tiểu muội”. Chính cách xưng hô này đã khiến cho bất cứ ai khi đến với nhà hàng “Ngọa Long Trại” đều tỏ ra thích thú.

Nhìn thực đơn có tên “Ẩm thực binh pháp” bằng trúc, thực khách lại càng ấn tượng hơn trước các món ăn đều mang tên đậm chất Tam Quốc như: “Dương Đông kích Tây”, “Tào Tháo”, “Hạ Hầu Đôn”, “Xích thố”... Vừa thưởng thức món ăn “binh pháp” cùng bạn bè, vừa khám phá không gian “Ngọa Long Trại” thực sự là một trải nghiệm độc đáo cho thực khách, nhất là những người yêu thích bộ tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa.

Đêm xuống, không gian “Ngoạ Long Trại” càng trở nên hừng hực với những chậu lửa được làm bằng đèn điện tử. Chiếc xe chở lương thực cũng là phương tiện để thực hiện chiến thuật hỏa công được đặt bên góc nhà hàng càng gợi đến khí thế của quân sĩ trước mỗi trận đánh.



Thực đơn được thiết kế từ các mảnh gỗ, hoặc tre, trúc buộc nối với nhau giống các trang sách trong thời Tam Quốc.


Thực đơn mang tên Ẩm thực binh pháp có nhiều món ăn thuần Việt.



Các nhân viên phục vụ đều mặc trang phục giống như thời Tam Quốc.


Giáp phục được đặt ngay giữa nhà hàng để thực khách có thể mặc và trải nghiệm.


Thực khách thử mặc giáp phục.


Các thực khách giao lưu với nhau thể hiện sự hào sảng như các anh hùng trong thời Tam quốc.



Các lều trại nhỏ cũng được thiết kế không giống nhau để phục vụ nhiều thực khách.



Kho thực phẩm của nhà hàng được gọi là kho lương.

Nhà hàng “Ngoạ Long Trại” cũng có sẵn những bộ áo giáp để thực khách có thể vào vai tướng quân và chụp hình lưu niệm với “lính” cầm khiên, đao đứng hầu bên cạnh. Ngoài ra, với tính hào sảng của người đất phương Nam, thực khách còn có thể giao lưu làm quen với nhau, thể hiện “tình huynh đệ” và được nói chuyện về chủ đề Tam Quốc vốn đã luôn hấp dẫn với nhiều người./.
 
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Thông Hải

Tháp Đôi - dấu ấn văn hóa Chăm Pa ở Quy Nhơn

Tháp Đôi - dấu ấn văn hóa Chăm Pa ở Quy Nhơn

Đến với Quy Nhơn (Bình Định), du khách không chỉ được khám phá những bãi biển đẹp, các danh lam thắng cảnh hùng vĩ mà còn được chiêm ngưỡng những tòa tháp Chăm cổ kính có niên đại trên dưới ngàn năm tuổi. Trong số đó, Tháp Đôi là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu luôn thu hút đông đảo du khách tới tham quan và khám phá.

Top