Văn hóa

A Lưới – những ngày tháng Tư lịch sử

Nhắc đến A Lưới (Thừa Thiên Huế) là người ta nghĩ ngay đến mảnh đất đau thương của chiến tranh, nơi đã từng chứng kiến những trận đánh kinh hoàng, tàn khốc tại những địa danh đã đi vào lịch sử cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước như: A Sầu, A Roàng, đồi A Biah (đồi Thịt Băm - Hamburger Hill), địa đạo Động So, sân bay A So, đường mòn Hồ Chí Minh... Sau 45 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, A Lưới hôm nay đã vươn lên trở thành một huyện miền núi giàu tiềm năng kinh tế, văn hóa và xã hội.
Chúng tôi lên A Lưới đúng vào những ngày mưa rừng tầm tã và cũng đúng vào dịp địa phương vừa kết thúc đợt thực hiện lệnh giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Tiết trời âm u, mọi hoạt động đời sống của người dân vẫn còn cầm chừng và có phần trầm lắng do ảnh hưởng của trận dịch nhưng không vì thế mà A Lưới kém đi cái vẻ tươi mới, khang trang và bề thế của một huyện miền núi đang trên đà phát triển.

Thị trấn A Lưới, trung tâm hành chính, kinh tế của Huyện A Lưới nhìn từ trên cao nhà cửa san sát, mái ngói đỏ tươi hiện rõ vẻ của một vùng dân cư trù mật. Con đường mòn Hồ Chí Minh thời chiến tranh giờ đã là đường Hồ Chí Minh, một đại lộ lớn chạy cắt ngang qua trung tâm thị trấn. Người dân bám đường mở nhà hàng, tiệm tạp hóa, kinh doanh buôn bán nhỏ đông đúc, trù phú. Siêu thị, trung tâm điện máy, ngân hàng, bưu điện, trụ sở chính quyền, các trung tâm vui chơi giải trí... phần lớn cũng nằm trên trục đường này nên càng làm cho diện mạo của thị trấn phố núi trông bề thế chẳng khác gì một đô thị nhỏ phát triển ở dưới xuôi.



Một góc trung tâm thị trấn A Lưới hôm nay. Ảnh: Thanh Hòa


Trực thăng UH-01, loại trực thăng chiến đấu quân đội Mỹ thường sử dụng trong những trận càn quét, tìm và diệt
ở chiến trường A Lưới trước 1975. Ảnh: Thanh Hòa


Thượng úy Hồ Minh Phú, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Nhâm, huyện A Lưới hướng dẫn anh Hồ Văn Hon,
người dân tộc Tà Ôi ở thôn Kleng Abung, xã Quảng Nhâm cách trồng cây keo lá tràm để phát triển kinh tế. Ảnh: Thanh Hòa


Thượng úy Hồ Minh Phú, cán bộ Đồn Biên phòng Nhâm, huyện A Lưới hướng dẫn người Tà Ôi cách nuôi dê phát triển kinh tế. Ảnh: Thanh Hòa


Già làng Hồ Viền Pưa hướng dẫn đội dân quân làng A Hươr, xã Quảng Nhâm cách sử dụng nỏ truyền thống của người Tà Ôi. Ảnh: Thanh Hòa


Nghệ nhân Hồ Xuân Thiện kể cho cháu nội nghe về nghệ thuật bắn nỏ truyền thống của người Tà Ôi. Ảnh: Thanh Hòa

Theo hẹn, chúng tôi được các cán bộ Đồn biên phòng Nhâm ở A Lưới đón đưa đi thăm xã Quảng Nhâm, một xã biên giới giáp nước bạn Lào. Đây là xã mới, được sáp nhập từ hai xã cũ là xã Hồng Quảng và xã Nhâm. Đường vào xã đa phần đã được bê tông hóa, xóm làng nhà cửa khang trang, sạch đẹp, hai bên đường bà con đã sớm cắm hàng dài cờ đỏ để chào mừng lễ kỉ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/04/2020).

Đại úy Cao Quốc Giảng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Nhâm cho biết, cuộc sống của người dân trong xã tuy chưa cao nhưng khá ổn định, bà con đa phần sống nhờ vào nghề trồng rừng, làm nương rẫy, chăn nuôi nhỏ. Đây là xã giáp biên song tình hình an ninh-chính trị rất ổn định, người dân chăm lo làm ăn, không có các tệ nạn phức tạp, và đặc biệt là không có hiện tượng mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy.

Những ngày thực hiện lệnh cách li toàn xã hội để phòng chống dịch COVID-19, nhân dân và đồng bào các dân tộc ở A Lưới nói chung và tại xã Quảng Nhâm nói riêng đều có ý thức tự phòng dịch để bảo vệ sức khỏe cho gia đình và làng xóm theo sự vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương, công an và biên phòng.

Hôm theo chân đoàn công tác của Đồn Biên phòng Nhâm vào tận rẫy xa thăm một số đồng bào người Tà Ôi đang ở canh rẫy mới thấy hết cái tình quân dân nơi miền xa biên giới. Thấy các anh biên phòng vào thăm, tặng khẩu trang và nhu yếu phẩm, bà con mừng lắm.

Đại úy Cao Quốc Giảng cho hay, bà con người Tà Ôi thường làm rẫy xa nhà nên hay làm chòi để ở lại canh rẫy và cũng để tiện cho việc sản xuất canh tác, lâu lâu mới về. Những ngày có dịch, do rẫy ở xa xôi, số người cắm rẫy ít, thường chòi nọ cách chòi kia cả quả đồi, nên một số bà con vẫn được phép ở lại làm việc như bình thường. Họ vừa tăng gia sản xuất, vừa là “tai mắt” giúp biên phòng và chính quyền trong việc giữ gìn an ninh trật tự vùng biên, trong đó có việc phát hiện ra các đối tượng vượt biên trái phép vi phạm lệnh cách li trong mùa dịch.

Những ngày ở A Lưới cũng là những ngày các trường học bắt đầu dọn dẹp vệ sinh, phun thuốc khử trùng trường lớp để chuẩn bị đón học sinh quay trở lại sau đợt nghỉ dài ngày theo lệnh giãn cách phòng dịch COVID-19 của Chính phủ. Công việc bộn bề, vất vả, thậm chí có nơi thầy cô giáo phải đến tận nhà vận động học sinh quay trở lại lớp, nhưng ai nấy đều vui vì thấy nhớ trường, nhớ lớp, nhớ học sinh của mình sau những ngày xa cách vì dịch dã.



Quân y Đồn Biên phòng Nhâm phun thuốc diệt khuẩn phòng dịch COVID-19 tại Trường Tiểu học Nhâm. Ảnh: Thanh Hòa


Giáo viên Trường Tiểu học Nhâm và các cán bộ Đồn Biên phòng Nhâm vệ sinh lớp học
để chuẩn bị đón học sinh đi học trở lại sau đợt nghỉ giãn cách phòng dịch COVID-19. Ảnh: Thanh Hòa


Các cô giáo Trường Tiểu học Nhâm chuẩn bị khẩu trang tặng học sinh nhằm giúp các cháu bảo vệ sức khỏe khi đến lớp học. Ảnh: Thanh Hòa


Cô giáo dạy nhạc Hồ Thị Nhàn, Trường Tiểu học Nhâm vệ sinh phòng học trước ngày đón học sinh trở lại trường sau đợt nghỉ giãn cách phòng dịch COVID-19.
Ảnh: Thanh Hòa


Cô giáo Phạm Thị Phơ, Trường Tiểu học Nhâm đến nhà vận động học sinh của mình trở lại trường sau đợt nghỉ giãn cách phòng dịch COVID-19. Ảnh: Thanh Hòa


Các cô giáo Trường Tiểu học Nhâm cùng với cán bộ Đồn Biên phòng Nhâm vào làng vận động phụ huynh
cho con em đi học trở lại sau đợt nghỉ giãn cách phòng dịch COVID-19. Ảnh: Thanh Hòa


Thầy hiệu trưởng Trường Tiểu học Nhâm hướng dẫn học sinh cách phòng dịch tại buổi học đầu tiên sau đợt nghỉ giãn cách phòng dịch COVID-19. Ảnh: Thanh Hòa


Giờ học thể dục đầu tiên của học sinh Trường Tiểu học Nhâm, xã Quảng Nhâm, sau đợt nghỉ giãn cách phòng dịch COVID-19. Ảnh: Thanh Hòa


Thượng úy Hồ Minh Phú, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Nhâm, huyện A Lưới
giúp bà con người Tà Ôi cách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19. Ảnh: Thanh Hòa

A Lưới những ngày tháng Tư lịch sử năm nay tuy không có nhiều hoạt động kỉ niệm tưng bừng như mọi năm do vẫn đang trong thời kì phải thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch COVID-19 nhưng người dân không vì thế mà kém đi vẻ hân hoan, phấn khởi. Bởi hơn ai hết, đồng bào các dân tộc ở mảnh đất A Lưới anh hùng luôn một lòng tin theo Đảng, tin theo Bác Hồ nên đã đồng lòng chung sức cùng với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống dịch trong thời gian vừa qua, nhờ đó mà đời sống của người dân cơ bản được ổn định, tình hình an ninh, trật tự địa phương được giữ vững.

Sau cơn mưa trời lại sáng, mọi khó khăn của thời kì dịch bệnh rồi cũng sẽ qua đi và người dân A Lưới lại tiếp tục vươn lên dựng xây đời sống mới, đưa quê hương A Lưới anh hùng tiến nhanh, tiến kịp với miền xuôi, xứng đáng là trung tâm văn hóa, du lịch, là đô thị động lực phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế./.


A Lưới là huyện miền núi vùng cao, nằm ở phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, tiếp giáp với nước bạn Lào. Được thành lập tháng 3/1976; dân số khoảng hơn 49.200 người, trong đó trên 80% là đồng bào dân tộc thiểu số (dân tộc Pa Kô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy). Đây là vùng căn cứ địa cách mạng của cả tỉnh, cả nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Nhờ những đóng góp to lớn cho cách mạng, Đảng và Nhà nước đã tuyên dương, phong tặng Huyện A Lưới danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân; 16 xã, thị trấn được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân; 08 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân; 12 bà mẹ Việt Nam anh hùng; 19 tập thể danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
 
Bài, ảnh: Thanh Hòa


Top