Văn hóa

Phát huy tinh thần Phật giáo Trúc Lâm

Lễ hội Hoằng Pháp và tưởng niệm 707 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập cõi niết bàn do Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tổ chức tại Khu di tích danh thắng Yên Tử đã thu hút đông đảo tăng ni, Phật tử và người dân đến dự.
Lễ hội Hoằng pháp toàn quốc 2015 với chủ đề “Phật giáo Trúc Lâm - Hội tụ và lan tỏa” diễn ra nhiều hoạt động như: nghi thức tưởng niệm 707 năm ngày nhập diệt của Phật hoàng Trần Nhân Tông; Lễ niêm hương bạch Phật, lễ Tổ, tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông; Cầu siêu tri ân các anh hùng tử trận Bạch Đằng; Pháp hội dược sư cầu nguyện quốc thái dân an; Lễ truyền đăng “Phật giáo Trúc Lâm- Hội tụ và lan tỏa”…

Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, con đường hoằng pháp của Phật giáo Trúc Lâm rất giản đơn nhưng mạch lạc, tuy cao thâm nhưng gần gũi, mang lại hiệu quả thiết thực và lợi ích ngay trong đời sống của con người. Với chủ trương đúng đắn và tìm về cội nguồn của dân tộc và Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn luôn chủ trương truyền bá giáo pháp và tinh thần Phật giáo Trúc Lâm, xem đó là ánh sáng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Phật giáo Việt Nam ngày nay.


Lễ hội Hoằng pháp toàn quốc 2015 được tổ chức tại Khu di tích danh thắng linh thiêng Yên Tử (Quảng Ninh).


Đông đảo các vị tăng ni, Phật tử từ nhiều vùng miền trên cả nước 
về tụ hợp tại Yên Tử để tham gia Lễ hội Hoằng pháp toàn quốc 2015.



Hoà thượng Thích Trí Quảng 
(đội mũ len), Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam 
và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tham dự đại lễ Hoằng pháp 2015.


Hoà thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
ban đạo, giảng kinh Dược Sư trong ngày Lễ.



Các tăng ni thuộc Học viện Phật giáo Việt Nam thực hiện nghi thức
tưởng niệm 707 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.



Các cị cao tăng tham dự Hội thảo khoa học "Phật giáo Trúc Lâm hội tụ và lan tỏa".


Lễ cầu siêu tri ân các anh hùng tử trận Bạch Đằng diễn ra bên bờ sông Bạch Đằng lịch sử.


Các vị tăng ni cùng Phật tử trong buổi lễ Pháp hội Dược Sư.


Phật tử nghiêm cẩn thành kính dự Lễ hội Hoằng pháp toàn quốc 2015.


Các Phật tử dâng hoa huệ trắng lên Phật tổ trong buổi lễ Pháp hội Dược Sư.



Tháp tổ Huệ Quang, nơi lưu giữ xá lợi của Phật hoàng Trần Nhân Tông ở Yên Tử.



Phật tử thành kính niệm kinh Dược Sư trong  buổi lễ Pháp hội Dược Sư.


Đông đảo Phật tử tham gia ngày hội dưới chân núi thiêng Yên Tử.

Đặc biệt, trong Lễ hội Hoằng pháp còn diễn ra lễ đúc 108 pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bằng đồng nguyên chất để đem cúng tiến và chuyển về Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tại 63 tỉnh thành và các chùa tại khu vực biên giới, hải đảo… Đây là hoạt động lan tỏa tới tất cả các tỉnh thành trong cả nước để xây dựng một Giáo hội Phật giáo Việt Nam mang tính kế thừa của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Về dự Lễ hội Hoằng pháp lần này, 
các tăng ni, Phật tử còn được nghe Hoà thượng Thích Trí Quảng, Phó pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban đạo, giảng kinh Dược Sư. Hoà thượng Thích Trí Quảng đã nhắc lại câu chuyện từ bỏ ngai vàng và xuất gia tu hành chứng quả của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Qua đó mong muốn Phật giáo Việt Nam sẽ kế thừa những nét tinh hoa của Phật hoàng Trần Nhân Tông để ngày càng phát triển.

Ông Dương Ngọc Tấn, Phó Ban Tôn giáo Trung ương khẳng định, việc tổ chức Lễ hội Hoằng pháp toàn quốc 2015 và tưởng niệm 707 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn không chỉ là sự kiện tôn giáo quan trọng trong đời sống tinh thần và tín ngưỡng của nhân dân theo đạo Phật, mà còn là sự kiện văn hóa - xã hội gắn với tâm thức tưởng niệm tri ân và báo ân của toàn thể cộng đồng./.
 
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Việt Cường

DK1 vững vàng nơi đầu sóng

DK1 vững vàng nơi đầu sóng

Trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, hơn 35 năm qua, Nhà giàn DK1 vẫn luôn đứng đó, sừng sững, hiên ngang như một “pháo đài thép”. Giữa sóng gió trùng khơi, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 vẫn luôn nắm chắc tay súng, vững chân sóng giữ cho lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam tung bay, khẳng định đanh thép chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Top