Tin tức

Phát huy giá trị di tích nổi tiếng trong bài hát “Người lái đò trên sông PôKô”

Đoàn đại biểu chỉ rõ ranh giới bến đò làng Nú, nơi anh hùng lực lượng vũ trang A Sanh chèo đò đưa bộ đội qua sông trong chiến tranh. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Ngày 26/9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai phối hợp với UBND huyện Ia Grai tổ chức hội thảo về di tích lịch sử Bến đò A Sanh tại làng Nú, xã Ia Khai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

Di tích lịch sử Bến đò A Sanh xuất phát từ bến đò làng Nú, xã Ia Khai, huyện Ia Grai. Trong những năm 1961 – 1965, thuyền độc mộc của người dân thường được huy động chuyên chở bộ đội, cán bộ và hàng hóa qua lại trên sông PôKô. A Sanh (tên thật là Puih San) từng tham gia chèo thuyền trên bến sông làng Nú. Khi gia nhập đơn vị vận tải trên hành lang bí mật của quân đội, Puih San đã có nhiều đóng góp cho cách mạng. Ông chính là hình mẫu nhân vật anh hùng với những chiến công thầm lặng trong bài hát “Người lái đò trên sông PôKô” của nhạc sỹ Cầm Phong.

Bà Ksor H’Nga, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Ia Grai đã nêu lên các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của Khu di tích A Sanh, đồng thời, đề xuất phương án bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Đầu tháng 5/2019, huyện Ia Grai đã tổ chức Lễ hội đua thuyền trên sông PôKô lần thứ nhất với mục đích giới thiệu đến nhân dân về chiến công của anh hùng A Sanh và Đảng bộ nhân dân huyện Ia Grai. Lễ hội thành công với hàng chục ngàn lượt khách tham quan. UBND huyện Ia Grai đã quyết định hằng năm sẽ tổ chức Hội đua thuyền trên sông PôKô; hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân tu sửa, chỉnh trang lại thuyền, chế tác thuyền mới nhằm phát huy và giữ gìn nghề đẽo thuyền độc mộc của huyện.

Trung tá Nguyễn Cảnh Minh, Giám đốc Bảo tàng Quân đoàn 3 chia sẻ thêm một số tài liệu ghi lại sự đóng góp của A Sanh. Công tác vận tải được coi là công tác trung tâm của hậu cần – kỹ thuật. Mạng lưới vận tải Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ, với tinh thần quả cảm, ý chí quyết tâm cao, không sợ hy sinh, gian khổ, lực lượng vận tải của bộ đội chủ lực và quần chúng nhân dân đã đóng góp rất lớn vào chiến thắng chung của quân và dân Tây Nguyên, trong đó có người lái đò A Sanh.

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo Phòng Văn hóa Thông tin huyện Ia Grai làm rõ thêm ý nghĩa lịch sử của Bến đò A Sanh.

Trước đó, UBND huyện Ia Grai đã thống nhất các phương án khôi phục nghi lễ cúng làm thuyền độc mộc để phục vụ khách du lịch khi đến tham quan Bến đò A Sanh. Kết hợp với các điểm du lịch lân cận như Khu du lịch sinh thái Thác Chín tầng, Khu du lịch sinh thái lòng hồ Sê San 4, Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng thác Mơ, Khu di tích lịch sử chiến thắng Chư Nghé, điểm đến Khu di tích lịch sử bến đò A Sanh sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị về văn hóa bản địa...UBND huyện Ia Grai đã hoàn thiện hồ sơ, đề nghị tỉnh Gia Lai công nhận Bến đò A Sanh là di tích lịch sử cấp tỉnh./.

TTXVN/VNP


Top