Chân dung

PGS.TS Trần Mạnh Trí - người tìm ra “độc chất” gây ô nhiễm không khí trong nhà

Với công trình khoa học “Đánh giá rủi ro phơi nhiễm phthalates từ không khí trong nhà từ một số thành phố phía Bắc của Việt Nam và những liên quan của chúng đến rủi ro phơi nhiễm của con người”, PGS.TS Trần Mạnh Trí, giảng viên khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), Chủ nhiệm đề tài vừa được đề cử Giải thưởng khoa học Tạ Quang Bửu năm 2020. Sinh năm 1981, PGS.TS Trần Mạnh Trí là Đảng viên và cũng là nhà khoa học trẻ trong ngành Hóa học tại Việt Nam hiện đã công bố hơn 40 công trình trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và 20 công trình trên các tạp chí quốc tế.
Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng danh giá, uy tín do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hằng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Năm nay là năm thứ 7 Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức đánh giá, xét chọn giải thưởng này.

Cụm công trình “Đánh giá rủi ro phơi nhiễm phthalates từ không khí trong nhà từ một số thành phố phía Bắc của Việt Nam và những liên quan của chúng đến rủi ro phơi nhiễm của con người” (Occurrence of phthalate diesters in indoor air from several Northern cities in Vietnam, and its implication for human exposure) - với tác giả chính là PGS.TS. Trần Mạnh Trí, đã vượt qua đánh giá của Hội đồng ngành, được đề cử giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020.

Thành công của Công trình “Đánh giá rủi ro phơi nhiễm phthalates từ không khí trong nhà từ một số thành phố phía Bắc của Việt Nam và những liên quan của chúng đến rủi ro phơi nhiễm của con người” đã cung cấp một phương pháp phân tích chính xác, hiện đại, giúp xác định các hợp chất hữu cơ gây rối loạn nội tiết trong các mẫu môi trường. Kết quả nghiên cứu góp phần giúp nâng cao năng lực phân tích và quan trắc môi trường cho các phòng thí nghiệm chuyên sâu tại Việt Nam.

Theo PGS.TS Trần Mạnh Trí, Phthalates được coi như kẻ giết người thầm lặng mà không phải ai cũng đủ kiến thức khoa học để nhận ra nguy cơ này từ trong những vật dụng bằng nhựa, sơn, hóa mỹ phẩm sử dụng hàng ngày.


PGS.TS Trần Mạnh Trí, giảng viên khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Chủ nhiệm đề tài khoa học “Đánh giá rủi ro phơi nhiễm phthalates từ không khí trong nhà từ một số thành phố phía Bắc của Việt Nam và những liên quan của chúng đến rủi ro phơi nhiễm của con người”.
Công trình được đề cử giải thưởng khoa học Tạ Quang Bửu năm 2020.



Đặc biệt, Công trình của PGS.TS Trần Mạnh Trí và các cộng sự đã có những sáng tạo trong việc tối ưu kỹ thuật thu mẫu tạo hiệu quả cao.


PGS.TS Trần Mạnh Trí  chuẩn bị dụng cụ thu mẫu dùng trong Công trình khoa học ““Đánh giá rủi ro phơi nhiễm phthalates từ không khí trong nhà”.


PGS.TS Trần Mạnh Trí trao đổi cùng sinh viên của mình tại phòng thí nghiệm khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội.


Là Đảng viên và nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực Hóa học tại Việt Nam, PGS.TS Trần Mạnh Trí
hiện đã công bố nhiều công trình trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và các tạp chí quốc tế.

Hơn 50 năm nay, các hợp chất Phthalates luôn là thành phần hàng đầu thu hút sự nghiên cứu và đánh giá của nhiều tổ chức uy tín thế giới về mức độ an toàn khi sử dụng vì Phthalates có mặt rất nhiều trong đồ dùng của con người. Ý tưởng phải làm một đề tài khoa học về những rủi ro phơi nhiễm của chất các Phthalates trong môi trường không khí trong nhà được PGS.TS Trần Mạnh Trí theo đuổi từ lâu.

Phthalates là nhóm chất hóa học tổng hợp, phát tán chủ yếu vào không khí trong nhà từ các vật dụng gia đình như đồ dùng bằng nhựa, hóa mỹ phẩm…
Phthalates gây rối loạn nội tiết và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ em và người lớn qua đường hít thở.
Nhận thấy ý tưởng mới và tính cấp thiết của công trình trong ứng dụng với thực tiễn đời sống, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) đã phê chuẩn ý tưởng của PGS.TS Trần Mạnh Trí năm 2015.

Sau 2 năm thử nghiệm, thu mẫu và hoàn thành xử lý số liệu, công trình đã được công bố trên tạp chí quốc tế uy tín Science of the Total Environment và được giới chuyên môn đánh giá cao.

Các mẫu nghiên cứu đã được thử nghiệm tại các phòng thí nghiệm thuộc Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN và Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát nhằm định danh và định lượng đồng thời mười hóa chất thuộc nhóm phthalates trên thiết bị phân tích hiện đại nhất hiện nay là sắc ký khí ghép nối khối phổ phân giải cao (GC/MS).

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã tối ưu kỹ thuật thu mẫu sử dụng bơm hút không dầu tốc độ thấp kết hợp với màng lọc thạch anh để giữ chất trên pha hạt và ống polyurethane foam để giữ chất trong pha hơi. Gần một trăm mẫu không khí trong nhà được thu thập và phân tích trong các vi môi trường như văn phòng, hộ gia đình, phòng thí nghiệm, nhà trẻ, hiệu làm tóc… tại 4 tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình và Tuyên Quang từ tháng 8/2016 đến 2/2017. Kết quả nghiên cứu chỉ ra phthalates phân bố với nồng độ cao trong tất cả các mẫu thu thập đó.

Đây là một nghiên cứu được đánh giá là đầy đủ, toàn diện và có tính liên ngành cao, khác biệt so với các nghiên cứu trước đây trên thế giới khi chỉ tập chung vào chuẩn hóa phương pháp, hoặc chỉ quan trắc mức độ ô nhiễm, hoặc chỉ nghiên cứu đánh giá rủi ro phơi nhiễm riêng lẻ. Hơn nữa, tính đến thời điểm công trình này được công bố (năm 2017), các nghiên cứu về sự phân bố phthalates trong môi trường không khí trên thế giới chưa nhiều và thiếu những đánh giá về mức độ phân bố phthalates trong không khí theo các vi môi trường khác nhau.

Vì vậy, nghiên cứu này được các phản biện quốc tế đánh giá cao và được chấp nhận đăng ở một tạp chí ISI uy tín hàng đầu trong lĩnh vực như Science of the Total Environment (thuộc danh mục SCI, xếp hạng Q1, chỉ số ảnh hưởng IF=5,9). Nghiên cứu này đã xây dựng được phương pháp tối ưu để xác định đồng thời mười chất phthalates trong không khí, điểm đặc biệt là nghiên cứu đã lập dựng kỹ thuật thu mẫu khí chia thành hai pha (pha hơi và pha hạt), nhờ đó mà đã xác định được hằng số phân bố rắn-hơi và hằng số octanol-nước cho mười chất phthalates trong điều kiện thực (chưa có nghiên cứu nào trên thế giới công bố).



 PGS.TS Trần Mạnh Trí trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp quốc tế tại Thụy Sĩ. Ảnh: Tư liệu


PGS.TS Trần Mạnh Trí cùng nhóm nghiên cứu tại New York, Hoa Kỳ... Ảnh: Tư liệu


... và trao đổi nghiên cứu tại Tập đoàn Hiyoshi, Nhật Bản. Ảnh: Tư liệu


PGS.TS Trần Mạnh Trí cùng các nhà khoa học tại Hội thảo quốc tế ở Honolulu. Ảnh: Tư liệu


Niềm vui của thầy giáo Trần Mạnh Trí bên các sinh viên tốt nghiệp khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Tư liệu

Quan trọng hơn, nghiên cứu đã áp dụng quy trình để đánh giá mức độ ô nhiễm phthalates trong không khí theo các vi môi trường khác nhau tại Việt Nam (chưa có số liệu nào công bố tại Việt Nam trước đó). Tiếp đến là đánh giá rủi ro phơi nhiễm phthalates qua con đường hít thở không khí cho các nhóm lứa tuổi người Việt Nam khác nhau.

Hiện PGS.TS Trần Mạnh Trí và cộng sự vẫn tiếp tục chuẩn hóa các phương pháp phân tích tối ưu để quan trắc mức độ ô nhiễm và đánh giá rủi ro phơi nhiễm các hợp chất khác thuộc nhóm gây rối loạn nội tiết và phthalates trong không khí xung quanh, bụi trong nhà, đồ uống và thực phẩm chứa trong các vật dụng bằng nhựa…

Ngoài công việc giảng dạy tại khoa Hóa học, PGS.TS Trần Mạnh Trí tập trung nhiều thời gian cho các công trình nghiên cứu khoa học khác. Với anh, mỗi công trình thành công là niềm vui, niềm tin được nhân lên gấp bội khi góp phần đưa ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, góp phần làm xã hội phát triển hơn./.


- Năm 2014, PGS.TS Trần Mạnh Trí nhận Bằng độc quyền sáng chế của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam với công trình “Thiết bị tái chế và thu hồi chất thải công nghiệp nguy hại”. 
- PGS.TS Trần Mạnh Trí cũng đã nhận Giải thưởng dành cho các nhà Hóa học trẻ mới khởi nghiệp tại Hội nghị Hóa học Thế giới lưu vực Thái Bình Dương năm 2015, tổ chức tại Hawaii, Hoa Kỳ.
Bài: Bích Vân - Ảnh: Việt Cường & Tư liệu

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Với bàn tay tài hoa và cái tâm của người thầy thuốc, Lương y Cao Văn Minh - người được kế thừa các bài thuốc quý gia truyền của dòng tộc Cao và được đào tạo bài bản tại trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội, đã và đang điều trị các bệnh lý về xương khớp, đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ và bại liệt cho hàng chục ngàn bệnh nhân ở Việt Nam và nước ngoài.

Top