Phóng sự chuyên đề

Oằn mình chống hạn, mặn

Vốn nổi tiếng là vùng sông nước “gạo trắng, nước trong”, là vựa lúa, vựa cá chính của cả nước nhưng mùa khô năm nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với hàng triệu người dân đang phải điêu đứng trước thảm họa kép của hạn hán và xâm nhập mặn khắc nghiệt nhất trong vòng 100 năm qua. Sông ngòi nước mặn chát, kênh rạch cạn khô, ruộng đồng nứt nẻ, mặt đất trắng xóa muối khiến cho không chỉ lúa chết, tôm cá chết… mà cả con người cũng đang khắc khoải, mỏi mòn vì thiếu nước ngọt.
Điêu đứng trước hạn hán và xâm nhập mặn:
Mấy năm trước, cứ vào dịp tháng 3 là lúc người dân ĐBSCL chuẩn bị cho vụ thu hoạch lúa Đông Xuân, nhưng năm nay hạn hán và xâm nhập mặn đã khiến cho đồng ruộng trở trên xơ xác, hoang tàn.

Gia đình ông Trương Quốc Thanh từ An Giang tới ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang thuê 20 ha đất ruộng trồng lúa từ 6 năm trước. Sau 5 năm làm ăn thuận lợi, đến vụ Đông Xuân năm nay, khi lúa đang đến kỳ kết hạt thì gặp hạn hán kéo dài, kế đến là nước mặn xâm nhập khiến cho cây lúa chững lại, hạt lúa không ngậm sữa rồi trở nên vàng vọt, héo úa.

Ông Thanh chua xót: “Nhìn thấy nước trong kênh mà không dám bơm vào, bởi chỉ toàn nước mặn sẽ càng làm lúa chết nhanh hơn”. Qua mỗi ngày, ruộng lúa của ông lại chết thêm một ít. Cuối cùng, 20 ha lúa chết rụi hoàn toàn và ông Thanh trở thành trắng tay.



Cho đến giữa tháng 3/2016, khi phóng viên Báo Ảnh Việt Nam chụp bức ảnh này trên ruộng lúa bị xâm nhập mặn 
của gia đình ông Nguyễn Văn Phương (ấp Cả Chanh, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang) thì toàn bộ
13/13 tỉnh ở ĐBSCL đều  chịu ảnh hưởng nặng do hạn hán và mặn xâm nhậpkhắc nghiệt nhất trong vòng 100 năm qua.
Ảnh: Nguyễn Luân



Tình trạng hạn hán và mặn xâm nhập đã lên đến mức nặng nhất trong vòng 100 năm qua. Ảnh: Nguyễn Luân


Hệ thống mương chứa nước cũng bị khô hạn ở ấp Hòa Phước (xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, Kiên Giang).
Ảnh: Nguyễn Luân



Bà Trần Thị Châu, một nông dân Tp. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang trên ruộng lúa đã bị thiệt hại hoàn toàn của gia đình.
Ảnh: Nguyễn Luân





Cây lúa đang cho hạt gặp hạn và mặn xâm nhập đã gây tình trạng hạt lép và hỏng hoàn toàn. Ảnh: Nguyễn Luân


Đôi tay của lão nông Nguyễn Văn Phương ở ấp Cả Chanh, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang)
đang bốc những lớp muối kết tủa trên mặt ruộng lúa của gia đình mình. Ảnh: Nguyễn Luân



Người dân ở huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) tích trữ nước mưa từ mùa mưa trước để sử dụng trong mùa nắng hạn.
Ảnh: Nguyễn Luân



Gia đình ông Nguyễn Văn Tư, ấp Xẻo Quao A, xã Nam Thái, huyện An Biên, Kiên Giang phải đào giếng ngầm
sâu đến 90m mới có nước ngọt để sử dụng. Ảnh: Nguyễn Luân



Người dân ở ấp 5 xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre đào giếng lớn để tìm nguồn nước ngọt sử dụng.
Ảnh: Nguyễn Luân



Anh Lê Công Trình ở ấp 8, xã An Hiệp huyện Ba Tri tỉnh Bến Tre bơm nước ngọt từ giếng nước khoan
vào những chiếc can mang về sinh hoạt và bán lại cho người dân. Ảnh: Nguyễn Luân

Sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc) ở độ cao trên 5.000m, chảy qua tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) rồi qua Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và cuối cùng là Việt Nam. ĐBSCL là hạ lưu sông Mekong, vì vậy việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong là tác nhân chính gây ra sạt lở, mất cân bằng sinh thái, đặc biệt làm xáo trộn đời sống của nông dân và ngư dân vùng hạ nguồn sông Mekong. Theo tính toán của các nhà khoa học, vùng ĐBSCL bị giảm 600.000 tấn thủy sản/năm, năng suất nông nghiệp giảm gần 224.000 tấn/năm. Tổng thiệt hại nông nghiệp và thủy sản khoảng 5.200 tỷ đồng, chiếm 2,3% tổng GDP của toàn vùng.
Theo nhận định của các nhà chuyên môn, mùa mưa năm 2015 đến trễ nhưng lại kết thúc sớm, mùa nắng thì kéo dài khiến cho lượng nước dự trữ bị sụt giảm đáng kể không đủ cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt. Việc các nước ở khu vực thượng nguồn sông Mekong thời gian qua tiến hành xây dựng nhiều công trình thủy điện và tăng cường trữ nước đã khiến cho lượng nước đổ về hạ nguồn ĐBSCL bị giảm đi một nửa. Bên cạnh đó, hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu El Nino làm nước biển dâng cao gây xói lở bờ biển, dẫn đến tình trạng mặn xâm nhập vào đồng ruộng từ các cửa biển. Chính “tác động kép” này đã gây ra “hậu quả đôi”, khiến cho ĐBSCL phải oằn mình gánh hạn, gánh mặn.

Năm nay, mặn xâm nhập đến sớm hơn các năm trước gần 2 tháng, phạm vi xâm nhập rất sâu và rộng. Hiện tại, trên các hệ thống sông chính ở miền Tây như sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn… mặn xâm nhập rất sâu, có nơi lên tới 70-90 km, sâu hơn trung bình nhiều năm trước từ 20-30 km, độ mặn ở một số cửa sông chính đã lên đến 8 - 9%.

Các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau là các địa phương chịu hậu quả của “tác động kép” nặng nề nhất. Riêng tỉnh Kiên Giang do giáp với biển Tây và sông Cái Lớn nên tình trạng xâm nhập mặn càng dữ dội và khó khắc phục hơn. Nhiều hộ dân ở các huyện Kiên Lương, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng dù đã tìm mọi cách để cứu lúa nhưng vẫn không thành công. Lão nông Nguyễn Văn Phương ở ấp Cả Chanh, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận đã 3 - 4 lần cấy dặm lại thửa ruộng bị mặn xâm nhập nhưng không có nước ngọt nên không sao cứu vãn được, đành đứng nhìn lúa chết dần chết mòn mà ruột gan cũng héo mòn theo.

Tình trạng mặn xâm nhập còn làm suy giảm lượng nước ngọt ở nhiều nơi, kết hợp với hạn hán càng làm mạch nước ngầm sớm kiệt quệ, đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Việc đi tìm nguồn nước ngọt, nước sạch để sinh hoạt của người dân ở nhiều huyện như An Biên, An Minh, Kiên Lương… ở tỉnh Kiên Giang ngày càng trở nên khó khăn. Nhiều nơi phải đào giếng khoan sâu tới hơn 90m mới có nước sử dụng.

Cả tỉnh Bến Tre có tới 160/164 xã bị hạn, mặn xâm nhập dẫn đến thiếu nước sạch sinh hoạt. Người dân tiết kiệm nước bằng cách tắm bằng nước lợ, sau đó mới tắm tráng lại bằng chút ít nước mưa dự trữ từ mùa mưa trước… Chính vì thế, chưa bao giờ nỗi lo thiếu nước ngọt lại trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân vùng sông nước ĐBSCL như bây giờ.

Ứng phó lâu dài:

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà, nguyên nhân chính của diễn biến hạn, mặn khốc liệt đang diễn ra ở ĐBSCL là các vấn đề ở thượng nguồn dòng chảy.
Hiện các hồ chứa trên dòng chính ở phía Trung Quốc có dung tích khoảng 23 tỉ m3, các hồ chứa trên những sông nhánh khoảng 20 tỉ m3. Tổng dung tích này tác động rất lớn đến việc điều tiết nước và lưu lượng dòng chảy về phía hạ lưu.
Trong dịp Tết Nguyên đán ở Trung Quốc, nhu cầu năng lượng giảm nên họ tích nước, do vậy vào thời điểm này lượng nước giảm đáng kể, sau đó dòng chảy tăng lên (khi các hồ xả nước để chạy thủy điện). “Tôi khẳng định đây là nguyên nhân cơ bản” - ông Hà nói. (Nguồn: báo Tuổi Trẻ)
Dự kiến tình trạng hạn hán và mặn xâm nhập sẽ đạt mức đỉnh điểm vào cuối tháng 5 và có khả năng kéo dài đến tận tháng 6.  Do vậy, việc phòng chống hạn, mặn cho vùng đang là vấn đề rất cấp bách.

Trước tình hình đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi thị sát các tỉnh ĐBSCL để xem xét tình hình, động viên nhân dân và tìm hướng khắc phục. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó nạn hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.

Trước mắt, để đối phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang tiếp tục diễn ra gay gắt ở ĐBSCL và hạn hán nặng tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã kêu gọi và đề nghị các tổ chức quốc tế hỗ trợ, cứu trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân bị thiệt hại nặng nề; thực hiện đắp đập tạm, đào ao, khoan giếng, vận chuyển nước sinh hoạt đến cho người dân, hỗ trợ kinh tế không để dân đói, dân thiếu nước sinh hoạt…



Trước thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi kiểm tra tình hình tại các tỉnh ĐBSCL.
Trong ảnh: Sáng 17/3/2016, Tổng Bí thư đến thăm hỏi bà con nông dân trên cánh đồng lúa bị xâm nhập mặn
ở xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Trí Dũng



Tuyến cống quốc phòng chống mặn đang được xây dựng khẩn trương tại xã Nam Thái A, huyện An Biên, Kiên Giang.
Ảnh: Nguyễn Luân



Tp. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đang gấp rút hoàn thành hệ thống cống sông Kiên. Ảnh: Nguyễn Luân


Hệ thống cọc gỗ chắn sóng và rừng phòng hộ chống xâm thực ở cửa biển huyện An Minh, Kiên Giang. Ảnh: Nguyễn Luân


Lực lượng quản lý rừng Quốc Gia U Minh Thượng đo mực nước dưới thảm than mùn
nhằm kiểm tra, phòng chống cháy rừng. Ảnh: Nguyễn Luân



Người dân vất vả khoan giếng sâu với hi vọng tìm được nguồn nước ngọt
tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Nguyễn Luân



Hệ thống máy bơm tại rừng Quốc Gia U Minh Thượng bơm điều chỉnh lượng nước
trong rừng nhằm đảm bảo an toàn cho rừng. Ảnh: Nguyễn Luân



Một số người dân ở thị trấn Mỏ Cày Nam đã chủ động đầu tư hệ thống lọc nước để lọc lại nước máy,
vừa để dùng và phục vụ bà con trong vùng. Ảnh: Nguyễn Luân


 Tại cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, bà con đã chuyển đổi mô hình trồng lúa sang trồng sả đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ảnh: Nguyễn Luân



Tại một số địa phương đã phải thu hoạch lúa sớm khi bị hư hại nặng do hạn, mặn xâm nhập. Ảnh: Nguyễn Luân

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã kêu gọi và đề nghị các tổ chức quốc tế hỗ trợ, cứu trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân bị thiệt hại nặng nề; thực hiện đắp đập tạm, đào ao, khoan giếng, vận chuyển nước sinh hoạt đến cho người dân, hỗ trợ kinh tế không để dân đói, dân thiếu nước sinh hoạt…
Về lâu dài, Chính phủ đã xác định phải bố trí lại cơ cấu cây trồng phù hợp; đa dạng hóa và phát triển các cây trồng có khả năng thích ứng với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn; nghiên cứu chọn tạo các giống cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lương thực có khả năng chịu hạn, chịu mặn tốt; cải tạo hạ tầng kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tập quán sản xuất và sinh hoạt của cư dân ven biển để thích nghi với mực nước biển dâng... Bên cạnh đó, kêu gọi các nước khai thác sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong; kêu gọi các tổ chức quốc tế tài trợ vốn các dự án ODA về xây dựng công trình và nâng cao năng lực quản lý để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.

Để đối phó lâu dài với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, Viện Lúa ĐBSCL đang tập trung vào nghiên cứu các giống lúa chịu mặn cao để có thể sống chung với hạn, mặn một cách tốt nhất. Đến nay Viện đã nghiên cứu thành công và đang trong giai đoạn thử nghiệm một số giống lúa chịu được độ mặn 3 - 4%.

Ngoài ra, việc đa dạng các giống cây trồng có khả năng chịu hạn, mặn tốt cũng đang được các địa phương chú trọng nghiên cứu. Điển hình như việc người dân ở cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang đã chuyển đổi thành công việc trồng cây sả thay cho cây lúa do đất nhiễm mặn quá cao, mở ra hướng đi mới cho người dân vùng cù lao sông Tiền.

Hy vọng rằng, với những giải pháp trước mắt và lâu dài như trên, ĐBSCL sẽ vượt qua khó khăn để tiếp tục là vựa lúa, vựa cá lớn nhất của cả nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước và thế giới./.




Trước tình trạng xâm nhập mặn diễn ra căng thẳng ở đồng bằng sông Cửu Long, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về đồng bằng sông Cửu Long cũng khuyên người dân nên dần thích ứng bằng cách chuyển đổi sang hệ thống canh tác mặn, “Canh tác lúa trong điều kiện khắc nghiệt ven biển đã là không phù hợp, mà canh tác lúa trong mùa khô ven biển lại càng không phù hợp hơn”, ông nói.  
(Nguồn: báo điện tử VnExpress)


 
Bài: Sơn Nghĩa, Bích Liên - Ảnh: Nguyễn Luân


Top