Tiềm năng địa phương

Nuôi thủy sản ở Trà Cổ

Nghề nuôi thủy hải sản chưa ở đâu lại đặc biệt như ở phường Trà Cổ (Tp. Móng Cái, Quảng Ninh), bởi nó được khởi đầu và phát triển từ chính mối quan hệ láng giềng thân thiết từ ngàn đời nay của cư dân ở biên giới hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
Anh Bùi Trung Tùy, một trong những ngư dân đầu tiên triển khai mô hình nuôi thủy sản ở Trà Cổ đưa chúng tôi đến vùng chuyên canh nuôi trồng thủy sản của người dân trong phường bằng chiếc cano nhỏ, là phương tiện đi lại hàng ngày của anh để di chuyển đến các bè nuôi hầu của gia đình. Vừa lái cano, anh Tùy vừa chỉ tay về hướng trước mặt để chỉ cho chúng tôi biết về cột mốc 1378 là đường phân định hải giới trên biển giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Vùng nuôi trồng thủy hải sản của người dân Trà Cổ cũng nằm gần sát khu vực đường biên giới này.

Chỉ tay xa hơn một chút về hướng đối diện, anh Tùy cho biết: “Đó là khu vực nuôi trồng thủy hải sản của người dân ở hai làng Giang Bình và Trúc Sơn của Trung Quốc. Các mô hình nuôi trồng thủy hải sản này của người dân Trà Cổ đều học từ các mô hình của ngư dân nước bạn đấy”.



Ngư dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc đang vận chuyển những dây hầu giống vào bè nuôi trồng
của các hộ gia đình ở phường Trà Cổ.


Mỗi bè nuôi trồng thủy hải sản ở đây rộng trên 1000 m2, chứa khoảng 10 vạn con giống.


Những dây hầu giống loại nhỏ này có giá 20.000 VNĐ/dây, đang được người dân ở Trà Cổ chuẩn bị cho vụ nuôi mới.


Người dân Trà Cổ căn cứ vào độ mặn
và các lạch nước để sao cho phù hợp với điều kiện của vùng biển Trà Cổ.


Hầu giống của các hộ gia đình ở Phường Trà Cổ đa phần đều được nhập từ vùng Khâm Châu (Quảng Tây, Trung Quốc).


Anh Bùi Trung Tùy kiểm tra những dây hầu giống vừa được thả xuống bè của gia đình.


Mỗi dây hầu nuôi kể từ khi thả con giống đến lúc thu hoạch đạt tỷ lệ từ 80 – 90% thành phẩm.


Mỗi dây hầu giống có khoảng 20 con giống và thời gian từ khi nuôi đến khi cho thu hoạch từ 8 – 10 tháng tuổi.


Gia đình anh Bùi Trung Tùy, một trong những hộ gia đình nuôi thủy hải sản thành công ở phường Trà Cổ.

Theo chia sẻ của anh Tùy thì từ ngàn đời nay, cư dân ở biên giới hai nước đã có những mối giao hảo thân thiết. Bởi vậy, không lạ khi những mô hình phát triển kinh tế mới có ở vùng biên giới nước này, thì một thời gian sau chính nó lại được nhân rộng và phát triển ở vùng biên giới nước kia.

Từ mô hình nuôi trồng con hầu, con ngao, con sò, con vạng,… đầu tiên của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Huy và anh Phạm Văn Bình triển khai theo kinh nghiệm học tập được từ ngư dân nước bạn và manh nha thêm một vài hộ gia đình khác tham gia vào năm 2012. Đến hết năm 2013, con số này đã lên tới gần ba chục hộ gia đình, với thời kỳ cao điểm có hơn 80 bè nuôi trồng trên biển.

Theo tính toán của anh Tùy, trừ vốn đầu tư cố định ban đầu, cộng với tiền đầu tư mua con giống, trung bình mỗi vụ gia đình anh Tùy thu được trên dưới 300 triệu đồng tiền lãi.

Điều đặc biệt nữa là không chỉ học tập nước bạn về kinh nghiệm, các hộ gia đình như anh Tùy đều lấy con giống từ Khâm Châu (Quảng Tây, Trung Quốc) và bước cuối cùng trong một dây chuyền sản xuất là tiêu thụ cũng được chuyển sang các vùng Quảng Đông, Quảng Châu, Thẩm Quyến (Trung Quốc).

Nuôi trồng thủy sản ở biển Trà Cổ không còn dừng lại ở một vùng nuôi trồng thủy sản đơn thuần như những nơi khác của Việt Nam mà nó đã trở thành một “vùng kinh tế nhỏ” chứa đựng những tình cảm hữu hảo tốt đẹp của mối quan hệ Việt – Trung bền chặt đã gắn bó từ bao đời nay./.

Bài: Thảo Vy - Ảnh: Nguyễn Tất Sơn


 


Top