Chân dung

NSƯT Hồng Ngát và cái duyên với điện ảnh

Là một nhà thơ, nhà biên kịch, nhà quản lý điện ảnh của Việt Nam..., dù ở vị trí hay vai trò nào bà cũng cống hiến hết mình cho nghệ thuật với những dấu ấn khó quên. Bà chính là NSƯT, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát.
Xuất phát điểm là một diễn viên sân khấu tại Nhà hát chèo Việt Nam, trong suốt quãng thời gian 15 năm hoạt động nghệ thuật tại đây đã bồi đắp cho tâm hồn của NSƯT Hồng Ngát rất nhiều cảm xúc, chất liệu thơ văn cho công tác làm biên kịch điện ảnh sau này.

Nhớ lại quãng thời gian đó, bà tâm sự: “Sân khấu chèo thường sử dụng ca dao, tục ngữ, thơ ca… với những câu từ giản dị mà có ý nghĩa sâu xa để diễn xuất. Và cái chất văn hóa dân gian mang đậm tâm hồn Việt ấy đã ngấm vào tôi từ lúc nào không biết”.

Năm 1980, bà được cử sang Liên Xô học chuyên sâu về ngành biên kịch điện ảnh. Về nước, bà đầu quân cho Hãng Phim truyện Việt Nam.


Lời chào ra mắt đầu tiên đối với ngành điện ảnh Việt Nam của bà chính là kịch bản bộ phim “Một thời đã sống” (đạo diễn Xuân Sơn). Đây cũng chính là kịch bản tốt nghiệp của bà do chính trường Điện ảnh Matxcova (Liên Xô) đánh công văn về Hãng phim truyện Việt Nam yêu cầu được sản xuất thành phim. Và bà cũng là một trong số ít nhà biên kịch vừa tốt nghiệp ra trường (năm 1987), sau đó một năm đã có ngay bộ phim đầu tay (năm 1988).

Trong thời gian làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam, ngoài những kịch bản do chính mình sáng tác, bà còn chuyển thể thành công hàng chục kịch bản từ những truyện ngắn của các nhà văn nổi tiếng. Một trong những kịch bản để lại dấu ấn và tạo tiếng vang trong sự nghiệp làm biên kịch của bà chính là kịch bản bộ phim truyện “Ký ức Điện Biên”.


NSƯT, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (2015). Ảnh: Trịnh Văn Bộ


Năm 2012, NSƯT Hồng Ngát vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước 
cho chùm kịch bản phim: Canh bạc, Trăng trên đất khách, Cha tôi và hai người đàn bà. Ảnh: Tư liệu


NSƯT Hồng Ngát với các nhà làm phim nước ngoài. Ảnh: Tư liệu



NSƯT Hồng Ngát trên phim trường “Ký ức Điện Biên”. Ảnh: Tư liệu



NSƯT Hồng Ngát nghiên cứu kịch bản trước giờ bấm máy. Ảnh: Trịnh Văn Bộ



NSƯT Hồng Ngát với đồng nghiệp tại Hãng Phim truyện Việt Nam. 
Ảnh: Trịnh Văn Bộ


NSƯT Hồng Ngát tham gia hội đồng duyệt phim tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Ảnh: Trịnh Văn Bộ



Nghệ sĩ Hồng Ngát với thầy giáo người Nga tại 
trường Điện ảnh Matxcova (Liên Xô cũ). Ảnh: Tư liệu


Nghệ sĩ Hồng Ngát với các bạn cùng lớp khi còn theo học lớp biên kịch tại Liên Xô (cũ). Ảnh: Tư liệu

Nói về những kỉ niệm khó quên khi bắt tay viết kịch bản phim "Ký ức Điện Biên, NSƯT Hồng Ngát tâm sự: “Kịch bản "Ký ức Điện Biên" được tôi lấy ý tưởng từ truyện ngắn “Bec-na” của Thiếu tướng, nhà văn Chu Phác. Đó là câu chuyện kể về hồi ức của một anh lính Pháp đầu hàng Việt Minh ở Điện Biên Phủ. Truyện của nhà văn Chu Phác có lời văn giản dị nhưng ẩn chứa nhiều tâm tư chân thành, xúc động và giàu tính nhân văn. Vì thế nó thôi thúc tôi viết nên kịch bản này. Lúc đầu kịch bản có tên là “Người hàng binh”, sau đổi thành “Ký ức Điện Biên”.

Viết kịch bản phim về đề tài cuộc chiến ở Điện Biên Phủ là một vấn đề hết sức gai góc đối với các nhà biên kịch, bởi nó không chỉ đề cập những vấn đề lớn liên quan đến lịch sử, đến một cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, mà còn phải tìm ra hướng đi mới để tránh trùng lặp với ý tưởng và cách thức thể hiện của những tác giả đi trước. Chính vì thế mà NSƯT Hồng Ngát đã chọn cho mình cách tiếp cận từ góc độ giá trị nhân văn, giá trị tình cảm giữa con người với con người và giữa những con người ở hai chiến tuyến khác nhau.

Sau khi hoàn thành 
bộ phim “Ký ức Điện Biên” đã được chiếu đi chiếu lại nhiều lần trong những dịp kỷ niệm quan trọng của chiến thắng Điện Biên Phủ. Đặc biệt, lúc Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, bộ phim đã được chiếu lại nhiều lần cho công chúng xem. Xem phim, người ta thấy trong đó có sự hy sinh anh dũng, sức mạnh đoàn kết của một dân tộc, nhưng quan trọng hơn hết là thấy được tấm lòng nhân hậu, nhân văn của người Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ nhất thông qua sự biến chuyển cảm xúc của người hàng binh, từ sợ hãi đến cảm phục và cuối cùng là yêu mến.

Với những đóng góp lớn cho ngành điện ảnh nước nhà, năm 2012, NSƯT Nguyễn Thị Hồng Ngát đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước cho chùm kịch bản các phim: Canh bạc, Trăng trên đất khách, Cha tôi và hai người đàn bà.

Hiện nay, sau khi đã về nghỉ hưu được chục năm nhưng NSƯT Hồng Ngát vẫn không dứt khỏi ngành điện ảnh. Hiện bà đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực Hội điện ảnh Việt Nam và là thành viên của Hội đồng duyệt phim Quốc gia. Ngoài ra bà còn bận rộn với công việc quản lý tại hãng phim riêng mình là “Hong Ngat Film”. Và ở tuổi 65, bà lại dấn thân với vai trò mới khi làm đạo diễn bộ phim “Gương trời”, một bộ phim hay vừa được trình chiếu trên kênh VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam./.
 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trịnh Văn Bộ & Tư liệu

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Với bàn tay tài hoa và cái tâm của người thầy thuốc, Lương y Cao Văn Minh - người được kế thừa các bài thuốc quý gia truyền của dòng tộc Cao và được đào tạo bài bản tại trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội, đã và đang điều trị các bệnh lý về xương khớp, đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ và bại liệt cho hàng chục ngàn bệnh nhân ở Việt Nam và nước ngoài.

Top