Chân dung

Người thổi “hồn Việt” vào tranh Marquetry

Hơn 40 năm theo đuổi loại hình nghệ thuật tranh cẩn gỗ chìm, hay còn gọi là Marquetry, họa sỹ Nguyễn Trung Kỳ (Tp. Hồ Chí Minh) hiện là một trong những người đi tiên phong trong việc du nhập và phát triển dòng tranh này ở Việt Nam.
Những năm 80 của thế kỷ trước, Nguyễn Trung Kỳ cũng những người bạn của mình tại Tp. Hồ Chí Minh chuyên sáng tạo về thể loại tranh đắp nổi, và đã có một số sản phẩm được xuất sang châu Âu. Có tay nghề cao, ông được nhận vào làm cho một công ty của Mỹ, với chuyên môn thiết kế và cắt các sản phẩm gia công làm đồ gia dụng.

Trong thời gian ở công ty này, ông được các đồng nghiệp người nước ngoài hướng dẫn thêm những kinh nghiệm, kỹ thuật của họ, từ đó ông biết đến Marquetry, 
nghệ thuật tranh cẩn gỗ chìm của phương Tây. Từ những tấm vân gỗ tự nhiên, qua sự ghép nối đầy sáng tạo đã làm nên những bức tranh độc đáo, có chiều sâu và đó chính là điều làm ông rất ấn tượng về dòng tranh này. Sau 4 năm gắn bó với công ty, ông xin nghỉ việc để nghiên cứu, sáng tạo không ngừng với những vân gỗ đầy ảo diệu.
    
Vì không phải nghề truyền thống của Việt Nam, ban đầu họa sỹ Trung Kỳ gặp rất nhiều khó khăn trong sáng tác một bức tranh Marquetry. Đặc biệt, do thị trường trong nước lúc này chưa có loại veneer (tấm gỗ tự nhiên cắt mỏng có độ dày khoảng 0.6mm), nguyên liệu chính của dòng tranh này nên ông phải nhập về từ nước ngoài. Rồi ông phải lên mạng, tự tìm tài liệu, sách hướng dẫn về nghệ thuật làm tranh Marquetry và mày mò tự học. Cứ thế, với tình yêu dành cho môn nghệ thuật này cùng sự kiên nhẫn, chịu học hỏi, thử nghiệm, cuối cùng ông cũng đã làm chủ được kỹ thuật và trở thành một trong những người tiên phong phát triển dòng tranh Marquetry tại Việt Nam.
    


Họa sỹ Nguyễn Trung Kỳ tại xưởng tranh của mình ở Tp. Hồ Chí Minh.


Họa sỹ Nguyễn Trung Kỳ đã có hơn 40 năm gắn bó với dòng tranh Marquetry
và hiện ông vẫn luôn say mê tìm tòi và nghiên cứu để sáng tạo những tác phẩm độc đáo.


Là dòng tranh ngoại nhập nên người họa sỹ như Nguyễn Trung Kỳ phải mày mò sưu tầm tài liệu trên Intenet hoặc tài liệu từ nước ngoài.


Công đoạn dùng dao cắt từng chi tiết nhỏ sau khi đã phác thảo tranh.


Công đoạn đóng khung cho bức tranh cẩn gỗ chìm.


Có những bức tranh Marquetry được làm từ hàng ngàn chi tiết nhỏ và trong ảnh là bức tranh vẽ hình con báo
mà họa sỹ Nguyễn Trung Kỳ vô cùng tâm huyết.


Sáng tạo của họa sỹ Nguyễn Trung Kỳ được ghi nhận qua một số cuộc thi tại Việt Nam.

Theo họa sỹ Trung Kỳ, để sáng tạo một bức tranh Marquetry hoàn chỉnh phải qua rất nhiều công đoạn phức tạp như: vẽ phác thảo ý tưởng, lựa chọn những veneer phù hợp với từng chi tiết của bức tranh... Để veneer phía dưới tấm phác thảo, dùng dao chuyên dụng, cắt từng chi tiết bức phác thảo cùng chi tiết tấm veneer phía dưới, sau đó lấy miếng veneer đã cắt, gắn lên vị trí vừa bị cắt của bức tranh phía trên. Cứ như thế, lần lượt cắt - ghép và dán keo cho đến khi hoàn thành các chi tiết của một bức tranh.

Thời gian hoàn thành một tác phẩm nhanh hay chậm tùy theo sự phức tạp trong các chi tiết của bức tranh. “Có những tác phẩm tôi thực hiện chỉ trong vòng vài ngày, nhưng có những tác phẩm có tới hàng ngàn chỉ tiết nhỏ thì tôi phải kỳ công làm trong vòng 3 năm mới hoàn thành”, họa sĩ Trung Kỳ chia sẻ.
    
Trong một tác phẩm Marquetry có rất nhiều chỉ tiết nhỏ, do đó người làm công việc này đòi hỏi phải rất khé léo, tỉ mỉ và cẩn thận trong từng chi tiết, nếu bị lỡ tay làm sai một chi tiết sẽ dẫn đến hư cả một bức tranh, phải bỏ đi và thực hiện lại từ đầu. Tranh Marquetry không có nhiều màu sắc mà chỉ có những màu sắc chủ đạo của các vân gỗ tự nhiên và màu của gỗ bị đốt cháy bằng cát theo sự sáng tạo của người nghệ nhân. Vì thế, việc tìm các vân gỗ tự nhiên phù hợp với chi tiết trong một bức tranh là vô cùng khó khăn. Các vân gỗ hoàn toàn khác nhau nên hầu như trong nghệ thuật Marquetry thường không thể có hai tác phẩm giống nhau được.
     
Với tay nghề điêu luyện, họa sỹ Nguyễn Trung Kỳ hiện đã mang lại sự đa dạng các chủ đề trong các tác phẩm Marquetry của mình. Đặc biệt, ông đang tập trung sáng tạo tranh Marquetry gắn liền với các chủ đề phong cảnh, quê hương, đất nước và con người Việt Nam. Hiện nay, tranh của ông đã có mặt ở một số điểm du lịch trong cả nước cũng như đã có một số tác phẩm được xuất sang các nước châu Âu và nhận được sự yêu thích và đón nhận của công chúng.
    
“Tôi luôn mong muốn quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài thông qua chính dòng tranh của họ", ông Trung Kỳ cho biết.
    
Trước đó, năm 1987 họa sỹ Trung Kỳ đã mang 6 tác phẩm Marquetry của mình tham gia triển lãm về Kinh tế - Kỹ thuật toàn quốc tại Hà Nội và đã xuất sắc giành được 3HVC, 2HVB và 1HCĐ./.


Một số tác phẩm Marquetry tiêu biểu của họa sỹ Nguyễn Trung Kỳ



















Bài và ảnh: Sơn Nghĩa

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Với bàn tay tài hoa và cái tâm của người thầy thuốc, Lương y Cao Văn Minh - người được kế thừa các bài thuốc quý gia truyền của dòng tộc Cao và được đào tạo bài bản tại trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội, đã và đang điều trị các bệnh lý về xương khớp, đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ và bại liệt cho hàng chục ngàn bệnh nhân ở Việt Nam và nước ngoài.

Top