Phóng sự chuyên đề

Ngành da giày sẵn sàng đón các FTA thế hệ mới

Việt Nam hiện đứng thứ ba trên thế giới về năng lực xuất khẩu da giày với kim ngạch khoảng 15 tỉ USD/năm và đang hướng tới mục tiêu 54 tỉ USD vào năm 2030. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ngành da giày Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn khi các FTA thế hệ mới chính thức có hiệu lực. Vì vậy, các doanh nghiệp đang tích cực chuẩn bị cho việc tham gia vào các sân chơi lớn này.
Bước đột phá ở thị trường Mỹ

Da giày là một ngành công nghiệp truyền thống của Việt Nam, phù hợp với tính cách tỉ mỉ, khéo léo của người Việt. Ở Việt Nam có nhiều làng nghề, xóm nghề sản xuất giày thủ công nổi tiếng và nhiều nghệ nhân tên tuổi. Ví như ở Tp. Hồ Chí Minh có “làng” đóng giày truyền thống ở quận 4, có nghệ nhân Trịnh Ngọc là người từng đóng giày cho quốc vương Sihanouk của Campuchia... Ngày nay, ngành da giày Việt Nam đã phát triển rất mạnh, cả nước có khoảng hơn 550 doanh nghiệp, thu hút khoảng 600.000 lao động, sản phẩm đã xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.



Ngành da giày Việt Nam đẩy mạnh đầu tư công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: Đặng Kim Phương


Các doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới công nghệ để hội nhập. Ảnh: Đặng Kim Phương


Ngành da giày phù hợp với tính cách tỉ mỉ, khéo léo của người Việt. Ảnh: Đặng Kim Phương


Thợ da giày Việt Nam được đào tạo bài bản nên chất lượng sản phẩm luôn đạt yêu cầu theo quy định của khách hàng.
Ảnh: Đặng Kim Phương



Việt Nam có đội ngũ nhân công đông đảo, giá rẻ và tay nghề cao, lại đang trong thời kỳ dân số vàng. Ảnh: Đặng Kim Phương


Dàn máy ép đế PVC của Công ty giày Bita’s. Ảnh: Trọng Chính


Theo dự báo, ngành sản xuất da giày sẽ được hưởng lợi nhiều nhờ việc ký kết các FTA thế hệ mới.  Ảnh: Đặng Kim Phương


Các sản phẩm giày, dép là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực vào thị trường TPP, 
EU
và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan (VCUFTA). Ảnh: Đặng Kim Phương

Việt Nam hiện có hơn 550 doanh nghiệp da giày, thu hút khoảng hơn 600.000 lao động. Ngành công nghiệp da giày chiếm 8 -10% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm cả nước; là mặt hàng xuất khẩu chủ lực thứ ba sau dệt may, điện thoại các loại và linh kiện; kim ngạch xuất khẩu năm 2012 đạt 8,76 tỷ USD, năm 2013 đạt 8,4 tỷ USD, năm 2014 đạt 10, 3 tỷ USD, năm 2015 đạt 14,88 tỷ USD, và dự kiến năm 2016 sẽ đạt 17 tỉ USD.
Việt Nam là nước có thế mạnh về gia công sản xuất da giày xuất khẩu. Trong 20 năm qua, nhờ chính sách ưu đãi, Việt Nam đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực da giày. Rất nhiều nhà máy quy mô lớn với công nghệ tiên tiến đã được xây dựng tại các khu công nghiệp lớn ở Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng… Cùng với đó, do mức thu nhập và đời sống của người dân ngày càng cao nên các doanh nghiệp da giày cũng đã đầu tư phát triển mạnh hệ thống cửa hàng, siêu thị đồ da giày, túi xách hiện đại và sang trọng… nhằm đáp ứng nhu cầu tăng nhanh của thị trường trong nước.

Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), năm 2015 xuất khẩu da giày tăng trưởng ở hầu hết các thị trường. Trong đó Hoa Kỳ là thị trường có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất, chiếm tới 43% kim ngạch xuất khẩu, đạt 5,1 tỷ USD, tăng 50% so với năm 2014; EU đạt 4,4 tỷ USD, tăng 20%, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu; tiếp sau là thị trường Nhật, Trung Quốc...

Trước đây, EU vốn là thị trường xuất khẩu chủ lực của da giày Việt Nam, nhưng đến năm 2015 Mỹ đã vươn lên chiếm ngôi đầu bảng với giá trị xuất khẩu đạt hơn 5 tỷ USD, riêng quý I năm nay đạt 918 triệu USD, tức tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy Mỹ đang trở thành một thị trường sáng giá, nhất là sau khi quan hệ giữa hai nước được nâng lên tầm quan hệ đối tác toàn diện.



Sản phẩm da giày chất lượng cao của Việt Nam hiện được xuất khẩu tới 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ảnh: Đặng Kim Phương



Sản phẩm dây lưng chất lượng cao của Việt Nam được người tiêu dùng tin tưởng. Ảnh: Đặng Kim Phương


Sản phẩm da giày Việt Nam tại Triển lãm quốc tế về da, giày và sản phẩm từ da. Ảnh: Đặng Kim Phương

Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Da giày Việt Nam cho thấy, Hiệp hội bán lẻ giày Hoa Kỳ đã đưa ra nhận xét rằng, tiềm năng cạnh tranh xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam rất khả quan nhờ sự ổn định kinh tế, tiền tệ, chính trị và xã hội; nguồn nhân công đông đảo, giá rẻ và tay nghề cao, lại đang trong thời kỳ dân số vàng với 42,1% lao động dưới 25 tuổi.

Điều này cho thấy thị trường xuất khẩu da giày của Việt Nam đang ngày càng được mở rộng từ thị trường truyền thống sang thị trường mới giàu tiềm năng hơn, nhất là ở các nước nằm trong nhóm Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như với EU và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Sẵn sàng cho những cuộc chơi lớn

Với mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam sẽ lên tới 54 tỉ USD. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, ngành da giày Việt Nam được khuyến cáo là phải biết tận dụng tối đa mọi lợi thế của các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã kết thúc đàm phán và chuẩn bị được ký kết.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Lefaso, ngành da giày sẽ được hưởng lợi lớn khi Việt Nam tham gia sâu vào các FTA này. Ví dụ như thị trường Mỹ, khi chưa có TPP, xuất khẩu da giày vào thị trường này đã tăng 50%, chiếm 8,2% thị phần. Nếu các FTA có hiệu lực, thuế giảm về 0% sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành da giày ở thị trường Mỹ. Hay với EU, chúng ta mới chiếm 11% thị phần, nếu FTA có hiệu lực chắc chắn tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường này cũng rất cao.



Tại Tp. Hồ Chí Minh từ nhiều năm nay đã có các doanh nghiệp
đầu tư vào việc nuôi trăn để lấy da phục vụ cho ngành da giày
Ảnh: Trọng Chính


Nuôi cá sấu để tạo nguồn nguyên liệu da cao cấp cho ngành da giày Việt Nam. Ảnh: Đặng Kim Phương


Sản phẩm da cá sấu của Công ty TNHH Cá sấu Hoa Cà. Ảnh: Đặng Kim Phương


Sản phẩm da trăn thành phẩm của Công ty TNHH Cá sấu Hoa Cà. Ảnh: Trọng Chính


Nguyên liệu chỉ khâu giày của Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình (TBS Group). Ảnh: Đặng Kim Phương


Khách hàng nước ngoài tìm hiểu nguyên liệu da phục vụ cho ngành da giày tại Triển lãm Quốc tế về da, giày
và sản phẩm từ da tại Việt Nam. Ảnh: Đặng Kim Phương

Hiện nay, để chuẩn bị tiếp cận các FTA thế hệ mới, các doanh nghiệp đã tích cực cập nhật những thông tin về FTA, cải tổ cơ cấu sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tìm kiếm nguồn vay ưu đãi...

Ngay tại Tp. Hồ Chí Minh, “thủ phủ” của ngành da giày Việt Nam, nhiều doanh nghiệp lớn như Biti’s, Bita’s, Vina Giày, Giày Thái Bình, Giày Sài Gòn, Giày Gia Định... đã sớm chuẩn bị cho việc tham gia vào các sân chơi lớn này.

Ví dụ như Biti’s, một thương hiệu mạnh mang tầm quốc gia đã xác định rất rõ mục tiêu của mình trong tiến trình hội nhập, đó là mang sản phẩm giày dép Việt Nam đi khắp thế giới. Nhờ đó sản phẩm của Biti’s đã được xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia trên thế giới, trong đó có những nước lớn và có ngành công nghiệp da giày phát triển như Ý, Pháp, Anh, Mỹ, Nga, Nhật, Mexico...

Vina Giày cũng là một thương hiệu lớn ở Việt Nam, tham gia vào thị trường giày dép Tp. Hồ Chí Minh khá sớm vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Vốn là một doanh nghiệp gia đình có nghề làm giày truyền thống, Vina Giày đã sớm mạnh dạn đổi mới tư duy sản xuất theo hướng hiện đại để vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước, trở thành thành viên của các Hiệp hội giày danh giá trên trên thế giới như SATRA tại Anh và NSRA tại Mỹ.

Khác với các doanh nghiệp chuyên sản xuất giày dép, ông Tôn Thất Hưng, chủ doanh nghiệp Cá sấu Hoa Cà lại chọn một hướng đi riêng, đó là sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ cao cấp bằng da cá sấu. Các sản phẩm như ví, thắt lưng, dây đồng hồ, túi xách… được làm bằng tay rất tinh xảo, sang trọng không kém gì hàng của các thương hiệu lớn trên thế giới nhưng giá lại mềm hơn, nên khả năng cạnh tranh rất cao.

Mặc dù tiềm năng và cơ hội vô cùng lớn song ngành da giày của Việt Nam cũng đối diện với những thách thức không hề nhỏ khi tham gia vào các sân chơi lớn. Vì vậy, theo Lefaso, ngành da giày Việt Nam phải phấn đấu nâng tỉ lệ nội địa hóa lên mức 60% để đáp ứng được tất cả điều kiện về quy tắc xuất xứ đối với các FTA đã ký, từ đó có thể giúp giảm các chi phí về vận chuyển và nâng cao sự chủ động của doanh nghiệp Việt.



Khách quốc tế tìm hiểu về sản phẩm giày da cao cấp của Việt Nam. Ảnh: Đặng Kim Phương


Biti’s là một trong số nhiều thương hiệu giày nổi tiếng của Việt Nam,
sản phẩm hiện đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Đặng Kim Phương



Gian hàng của Công ty giày Thái Bình trưng bày và giới thiệu các sản phẩm
tại Trung tâm thương mại Vincom Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đặng Kim Phương



Khách hàng nước ngoài tìm hiểu sản phẩm túi xách
và ví da cao cấp làm bằng da cá sấu của Công ty Cá sấu Hoa Cà. Ảnh: Đặng Kim Phương

Về tầm nhìn lâu dài và bền vững, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định, trong quy hoạch tổng thể phát triển, ngành da giày sẽ xây dựng một số khu/cụm công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu và xử lý môi trường tập trung; đồng thời xây dựng một số cụm chuyên sản xuất nguyên vật liệu để kêu gọi các nhà đầu tư. Ngoài ra, ngành da giày cũng sẽ xây mới và phát triển các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm xúc tiến thương mại, trung tâm thời trang ở trong nước và nước ngoài...

Có thể nói, cho đến thời điểm này, ngành da giày Việt Nam đã có những bước chuẩn bị tương đối cơ bản để sẵn sàng cho cuộc chơi lớn nhằm tạo nên cú đột phá lớn, trong đó có mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 54 tỉ USD vào năm 2030 tới./.




Theo số liệu của Lefaso, Việt Nam nằm trong top 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, nhưng là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Italia. Sản phẩm giày dép của Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản, giày dép Việt Nam tiếp tục tăng thị phần và đứng vị trí thứ hai sau Trung Quốc.

 
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Đặng Kim Phương & Trọng Chính


Top