Tin tức

Một số giải pháp tăng cường hợp tác công nghiệp hỗ trợ Việt - Nhật

Theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, để thâm nhập thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp của Việt Nam cần phải xây dựng, tạo lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các đối tác Nhật Bản. Trong quá trình đàm phán, trao đổi, đối tác Nhật thường đưa ra các yêu cầu, đề nghị; ví dụ, yêu cầu thay đổi mẫu mã hoặc kích thước sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu của người Nhật.

Bởi vì hiểu rõ về thị trường nên các đối tác Nhật mới đưa ra yêu cầu thay đổi cho phù hợp như vậy. Một khi họ đưa ra những yêu cầu, những điều tư vấn góp ý cho bạn để làm cho bản chào hàng của bạn được tốt hơn thì có nghĩa là người ta đang tạo cho bạn con đường đến với thị trường Nhật và bạn nên tích cực đáp ứng những yêu cầu đó.

Nếu những đòi hỏi phía đối tác đưa ra quá khắt khe, bạn nên trao đổi cụ thể, đầy đủ với phía Nhật Bản và cùng với họ xác định rõ mức độ thay đổi mà bạn có thể đáp ứng được.

Doanh nghiệp Nhật Bản giới thiệu hệ thống máy lắp ráp tự dộng tại một hội chợ diễn ra tại Việt Nam. Ảnh: VNP

Nhu cầu của người tiêu dùng Nhật Bản ngày nay đã có sự thay đổi từ nhập số lượng lớn sang nhập nhiều chủng loại hàng với số lượng nhỏ hơn để đáp ứng sở thích cá nhân. Bên cạnh đó, người Nhật cũng quan tâm đến mức giá. Do vậy để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của doanh nghiệp, điều quan trọng là phải tăng năng suất, hiệu suất và cần phải có hệ thống sản xuất giá thành thấp.

Hiểu biết thấu đáo về văn hóa, tập quán kinh doanh của Nhật Bản là vô cùng quan trọng. Cách trao danh thiếp, mang theo catalogue công ty, đúng giờ hẹn...là những yếu tố không thể thiếu để tạo lòng tin từ lần gặp gỡ đầu tiên. Ngoài ra, có những trường hợp đối tác Nhật Bản có thể yêu cầu gửi hàng mẫu nhiều lần rồi mới xem xét hợp tác. Khi đã có quan hệ hợp tác với đối tác Nhật Bản thì doanh nghiệp Việt Nam cần phải chú trọng để duy trì mối quan hệ đó một cách lâu dài.

Tích cực tham gia các Hội chợ triển lãm quốc tế giới thiệu hàng hóa sản phẩm của mình với các khách hàng Nhật Bản. Trong thời buổi cạnh tranh cao, việc chủ động tìm đến với thị trường và tiếp xúc bạn hàng, người tiêu dùng sẽ mang lại cơ hội kinh doanh và thành công cho doanh nghiệp. Các hội chợ triển lãm về CNHT cũng thường xuyên diễn ra tại Nhật Bản, không chỉ riêng ở Tokyo mà còn ở nhiều thành phố lớn của Nhật.

Khai thác triệt để các ưu đãi trong cam kết của các Hiệp định song phương, đa phương mà Việt Nam và Nhật Bản cùng là thành viên như Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...

Tận dụng các kênh hỗ trợ của Việt Nam và Nhật Bản (Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường châu Á – Châu Phi, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, JETRO, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Tokyo, Trung tâm ASEAN – Nhật Bản, các Hiệp hội ngành hàng…).

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc sang Nhật Bản để dự triển lãm hay giao thương trực tiếp, các doanh nghiệp cần chú ý theo dõi thông tin và thu xếp tham gia các buổi hội thảo – giao thương trực tuyến như buổi ngày hôm nay để tìm kiếm đối tác.

Cùng với tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang từng bước phát triển và có vai trò ngày càng quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhiều công ty, tập đoàn lớn của Nhật Bản, đã thiết lập cơ sở sản xuất, nhà máy chế tạo và lắp ráp tại Việt Nam, tận dụng được các lợi thế chi phí và các cơ hội phối hợp với doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tạo ra lợi ích về doanh thu cho cả hai bên./.
 
Thực hiện: Công Đạt


Top