Nghệ thuật

Mê hoặc những bức tranh từ khói bếp

Cạo những lớp khói bếp bám vào khung tre để "vẽ" ra tác phẩm nghệ thuật bằng đôi tay tài hoa của mình là cách mà lão nông dân Vũ Quốc Sự ở thị xã Long Khánh (Đồng Nai) sáng tạo ra dòng tranh với tên gọi lạ lẫm: tranh gác bếp.
Ông Sự cho biết, cách đây khoảng chục năm, trong một lần gỡ bỏ căn chòi trong rẫy, ông nhận thấy những vệt khói bám vào các thanh tre trong gian bếp bị va quẹt, cọ xước tạo thành những hình thù thú vị. Ông lắp ghép những thanh tre lại rồi lấy dạo cạo theo trí tưởng tượng của mình thì được một bức tranh lạ mắt.


Các thanh tre dùng làm tranh gác bếp được chẻ đều và mài nhẵn bề mặt.


Các thanh tre được nẹp lại với nhau vừa làm nền vừa làm khung tranh.


Dụng cụ để làm tranh gác bếp là những thanh tre và bút cạo.


Các khung tranh thô được mang vào hun khói trong bếp củi liên tục trong vòng 3 tháng.



Sau khi “vẽ” xong, bức tranh sẽ được phun lên một lớp sơn để bảo quản và dể lâu chùi.


Họa sĩ Vũ Quốc Sự với các tác phẩm tranh gác bếp của mình ở thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Tác phẩm đầu tiên ông Sự có ý thức “vẽ” là bức tranh về khung cảnh làng quê sông nước mà ông đã phải bỏ nhiều công sức và vật liệu làm đi làm lại nhiều lần, suy nghĩ và sáng tạo để hoàn thiện tác phẩm. Ban đầu, những nét cạo còn thô sơ, chưa được mềm mại nhưng càng về sau đôi tay lão nghệ sĩ càng điêu luyện. Đến nay, ông Sự đã vẽ được nhiều nội dung từ loại tranh này, từ phong cảnh thiên nhiên đất nước đến phong cảnh nước ngoài, chân dung nhân vật nổi tiếng hay những sự kiện lịch sử quan trọng…

Tranh gác bếp chỉ gồm có hai màu chủ đạo: màu đen của khói hun bám vào thanh tre và màu vàng nhạt của thân tre khi cạo bỏ bớt những phần khói bám. Những hình khối, chi tiết cân đối, tỉ mỉ và có chiều sâu, nội dung phong phú và gần gũi với cuộc sống mà ông Sự mang lại đã tô điểm thêm nét độc đáo cho dòng tranh này.

Vẻ đẹp mộc mạc, có chiều sâu được làm từ những vật liệu đơn giản, gần gũi với cuộc sống sinh hoạt của người nông dân vùng quê đã góp phần giúp những bức tranh gác bếp tạo ấn tượng mạnh.

Ông Sự cho biết, cần thời gian trung bình khoảng 6 tháng để hoàn thành một bức tranh gác bếp, gồm các khâu chuẩn bị tre nguyên liệu dùng làm nền và khung tranh, sau đó mang đi ngâm nước để chống mối mọt, rồi mang đi hun khói trước khi tiến hành cạo định hình nội dung tác phẩm.

Trong đó, riêng công đoạn hun khói lên khung tre đòi hỏi nhiều thời gian và liên tục, thông thường mất khoảng 3 tháng để khói bếp có thể bám đen đều khắp khung tre. Ông Sự đã theo đuổi dòng tranh gác bếp được 9 năm, nhưng cho đến nay chỉ mới sáng tạo được khoảng 150 bức tranh. Bởi theo ông, quá trình chuẩn bị đã lâu, quá trình cạo khói lại càng thận trọng và phải làm việc liên tục và rất cẩn thận. Chỉ cần cạo sai một chi tiết nhỏ đều phải bỏ cả khung tranh đó, bởi vệt khói đã bị mất đi thì không có cách nào tái tạo lại được mà chỉ có thể dùng khung tre mới làm lại từ đầu.



Tác phẩm đồng USD 100 được ông Sự thực hiện trên khổ tranh 90x120cm.


Tranh gác bếp gồm có hai màu chủ đạo: màu đen của khói hun bám vào thanh tre
và màu vàng nhạt của thân tre khi cạo bỏ bớt những phần khói bám.



Những nét “vẽ” bay bổng, uyển chuyển, cân đối, thể hiện được cái thần
và chiều sâu của tác phẩm đã mang lại giá trị cho bức tranh.



Tác phẩm “Trước động đất”.


Tác phẩm “Sau động đất”.


Tác phẩm “Biển đảo Việt Nam”.


Tác phẩm “Tháp Eiffel”.


Khung cảnh làng quê yên bình được thể hiện qua dòng tranh gác bếp.


Một tác phẩm về chủ đề Phật giáo.


Bộ 4 tác phẩm "Tùng – Cúc – Trúc – Mai".



Tranh gác bếp mang vẻ đẹp mộc mạc, có chiều sâu nhưng lại được làm từ những vật liệu đơn giản.

Hôm chúng tôi đến thăm phòng tranh cũng là nhà riêng của “người họa sĩ nông dân” đang lúc ông tất bật chuẩn bị tranh cho đợt tham dự triển lãm tại Trung tâm Triển lãm và Hội chợ Tân Bình (Tp. Hồ Chí Minh) vào tháng 9 sắp tới. Thể loại “tranh gác bếp” đã được ông Sự đăng ký thương hiệu với Cục sở hữu trí tuệ vào tháng 5 năm 2012. Hiện tại, ông Sự còn sáng tạo thêm cách vẽ tranh gác bếp trên những chất liệu kính và mica, bước đầu đã mang lại những thành tựu nhất định./.
 
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Nguyễn Luân


Top