Chân dung

Madam Liên và câu chuyện về khẩu trang, trồng cây lương thực ở CH Trung Phi

Madam Liên hay Sứ giả hòa bình Việt Nam tham gia phòng chống Covid 19 là tên gọi mà Trung tá Nguyễn Thị Liên - người phụ nữ Việt duy nhất tham gia Lự lượng gìn giữ hòa bình (LLGGHB) Liên hợp quốc  tại CH Trung Phi được bạn bè quốc tế, người dân bản địa và truyền thông thế giới đặc biệt yêu quý đặt cho. 
Nhận nhiệm vụ tại Phái bộ Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở CH Trung Phi từ tháng 6/2019, Trung tá Nguyễn Thị Liên và các đồng nghiệp đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh xung đột vũ trang và bất ổn chính trị trong khi dịch COVID-19 hoành hành.

Công việc tại Phái bộ là vậy, nhưng khi có bất kỳ thời gian rảnh nào, chị lại tìm cách để giúp đỡ, hòa đồng cùng người dân bản địa. Trong một lần dọn dẹp dàn mồng tơi của các đồng nghiệp khóa trước, những cọc rau héo bỏ đi được người dân bản địa tranh nhau lấy, Trung tá Liên đã nảy ngay ra ý trồng vườn mùng tơi cho các gia đình.

Hiện thực hóa ý tưởng, gặp bất kỳ ai trên đường, Trung tá Liên đều tìm cách tiếp cận để nhờ sự giúp đỡ. “Tôi chia sẻ với họ rằng, tôi có cây này muốn trồng như thế này trên mảnh đất này. Sau đó, họ tranh nhau giúp tôi cuốc đất”, Trung tá Liên nhớ lại thời điểm bắt đầu làm thân với người dân bản địa.



Nhận nhiệm vụ từ tháng 6/2019, Trung tá Nguyễn Thị Liên là nữ quân nhân người Việt duy nhất tham gia LLGGHB ở CH Trung Phi. Ảnh: Công Đạt/VNP


Trung tá Nguyễn Thị Liên phát biểu về chủ đề khuyến khích phụ nữ tham gia LLGGHB Liên hợp quốc. Ảnh: Công Đạt/VNP


Trung tá Nguyễn Thị Liên đang làm việc cùng các đồng nghiệp tại phái bộ MINUSCA. Ảnh: NVCC



Trung tá Nguyễn Thị Liên trao tặng khẩu trang cho lễ phát động chống COVID-19 của phái bộ MINUSCA khối dân sự
của Liên hợp quốc với hơn 10 cơ quan báo đài ở CH Trung Phi. 
Ảnh: NVCC


Trung tá Nguyễn Thị Liên (thứ tư từ bên trái) chụp ảnh cùng các đồng nghiệp tại MINUSCA. 
Ảnh: NVCC


Trung tá Nguyễn Thị Liên (thứ hai bên phải) chụp ảnh cùng các đồng nghiệp tại MINUSCA. 
Ảnh: NVCC


Trung tá Liên được các đồng nghiệp trân trọng gọi bằng tên “madam Liên Việt Nam”. 
Ảnh: NVCC

Theo đó, nhà nào có đất, Trung tá Liên đều khuyến khích trồng rau. Kết quả các gia đình xung quanh khu vực chị sinh sống, nhà thì có ruộng rau muống, nhà có ruộng mùng tơi, ruộng bầu Việt Nam,… để ăn.

Cũng trong một lần tình cờ Trung tá Liên đổ bỏ những hạt đỗ không mọc lên giá được, những hạt này lại nảy mầm lên cây. “Tôi đã ngừng việc làm giá đỗ và dùng những hạt đỗ đó để trồng đậu”, Trung tá Liên chia sẻ về chiến dịch mới, có thể làm thay đổi cuộc sống của người dân theo cách bền vững hơn. Theo đó, rau xanh chỉ là thực phẩm ngắn hạn, cái họ vẫn thiếu là lương thực.  

Chiến dịch trồng cây lương thực được triển khai ngay sau đó với hai loại cây ngô và đậu. Dưới sự giúp đỡ của người dân, Trung tá Liên rất nhanh sau đó đã có 5 sào ruộng để trồng ngô và đậu.

“Cây đậu là loài cây ưa nắng, lại thêm đất mới. Nên đến mùa thu hoạch, nhà nào cũng có một nồi đậu to như nồi bánh chưng Tết ở Việt Nam”. Sau đó, Trung tá Liên đã dạy người dân làm bánh sắn nhân đậu xanh. Trẻ em thì được uống bột đậu xanh để cải thiện cuộc sống.

Đến mùa thu hoạch ngô, Trung tá Liên cũng nhớ lại với đầy cảm xúc rưng rưng: “Khi tôi đến, họ đã gọi riêng tôi ra chỗ vắng, dí vào tay tôi những bắp ngô ngon nhất của vụ thu hoạch. Họ tuy đói khát nhưng lại không ăn hết mà vẫn luôn dành một phần cho tôi”.

Cách tiếp cận của người phụ nữ Việt này rất đơn giản: “Mình đến với họ bằng trái tim thì sẽ động đến trái tim họ”. Bởi vậy, Trung tá Liên còn được các đồng nghiệp truyền tai nhau rằng: “Ở Trung Phi, cần tìm dụng cụ gì, cần nhờ gì người dân, cứ madam Liên là ra hết”. Đó là lý do, trong điều kiện thiếu thốn, nhưng với uy tín của bản thân, Trung tá Liên đã tổ chức được một party ẩm thực quy tụ hơn 20 nước tham dự.



Trung tá Liên may khẩu trang giúp người dân CH Trung Phi phòng chống dịch Covid -19. Ảnh: NVCC


Trung tá Nguyễn Thị Liên (đầu tiên bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng người dân CH Trung Phi trong những chiếc áo cờ đỏ sao vàng của Việt Nam. 
Ảnh: NVCC


Trung tá Liên nhận được rất nhiều tình cảm của người dân địa phương. 
Ảnh: NVCC


Những trẻ em CH Trung Phi được uống bột đậu xanh từ các vụ thu hoạch đậu do Trung tá Liên khởi xướng trồng để cải thiện cuộc sống. 
Ảnh: NVCC


Trong điều kiện thiếu thốn, nhưng với uy tín của bản thân, Trung tá Liên đã tổ chức được một party ẩm thực quy tụ hơn 20 nước tham dự. 
Ảnh: NVCC


Trung tá Liên đang thưởng thức đồ ăn của người dân bản địa. 
Ảnh: NVCC

Covid - 19 ập đến sau mùa thu hoạch đậu. Trung tá Liên vẫn nhớ như in thời điểm dịch bùng phát ở Trung Phi: “Khi đó cả đất nước không có lấy một chiếc khẩu trang nào”. Nhìn thấy thực trạng đó, chị lại nghĩ ra kế hoạch hành động may khẩu trang tặng cho người dân.

Trong một tháng, chị may được 400 chiếc. Tuy nhiên, sau khi may xong những chiếc khẩu trang, Trung tá Liên lại gặp một vấn đề đó là người dân Trung Phi không có thói quen đeo khẩu trang. Thậm chí họ còn kỳ thị, tránh xa những người đeo khẩu trang.

Trung tá Liên sau đó đã tìm cách vận động để người dân tự nguyện đeo khẩu trang. Chị đã chia sẻ với người dân rằng: “Tôi làm ra khẩu trang để giúp các bạn phòng dịch bệnh. Tôi vừa phải tốn vải, tốn công nhưng lại không được trân trọng thì tôi sẽ rất buồn”. Sau đó, Trung tá Liên phát khẩu trang cho những người dân có nhu cầu muốn đeo.

Việc làm này của Trung tá Nguyễn Thị Liên sau đó đã được trung tướng Daniel Traore, chỉ huy trưởng lực lượng quân sự Phái bộ MINUSCA tặng giấy khen với dòng chữ: "Lòng nhân từ, bác ái và thiện chí của cô thể hiện những giá trị cốt lõi của Liên hợp quốc. Cô xứng đáng là đại sứ tuyệt vời của Việt Nam".

Tiếp đó, trung tá Liên đã tiếp tục may thêm 300 chiếc khẩu trang cho lễ phát động chống COVID-19 của phái bộ MINUSCA khối dân sự của Liên hợp quốc với hơn 10 cơ quan báo đài ở CHTrung Phi tại Bangui.

Trung tá Liên sau đó đã trở thành nhân vật được các hãng truyền thông đưa tin: “Sứ giả hòa bình Việt Nam tham gia phòng chống covid 19 tại Cộng hòa Trung Phi”. Phóng sự về Trung tá Liên sau đó được truyền thông của UN phát lại./.


 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Công Đạt, NVCC

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Với bàn tay tài hoa và cái tâm của người thầy thuốc, Lương y Cao Văn Minh - người được kế thừa các bài thuốc quý gia truyền của dòng tộc Cao và được đào tạo bài bản tại trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội, đã và đang điều trị các bệnh lý về xương khớp, đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ và bại liệt cho hàng chục ngàn bệnh nhân ở Việt Nam và nước ngoài.

Top