Tin tức

Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố Hưng Yên

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố Hưng Yên. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
Tối 30/8, thành phố Hưng Yên đã tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố (1/9/2009 - 1/9/2019) và đón bằng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tới dự có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị,  Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và các tỉnh thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa...

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao Bằng khen của Chính phủ cho nhân dân và cán bộ thành phố Hưng Yên có thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí Nguyễn Văn Bình đã trao Bằng công nhận địa phương hoàn thành xây dựng nông thôn mới cho thành phố Hưng Yên.

Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá cao sự nỗ lực và những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hưng Yên đã đạt được trong thời gian qua. Nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc bộ, thành phố Hưng Yên là vùng đất có bề dày về văn hóa lịch sử và truyền thống hiếu học. Những năm qua, thành phố đã khai thác tiềm năng, lợi thế, xây dựng địa phương ngày càng phát triển, tạo ra hình ảnh của một đô thị văn minh, xanh - sạch - đẹp. Tăng trưởng kinh tế của thành phố cao hơn bình quân của tỉnh. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 4 lần so với năm 2009.

Đọc diễn văn tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên Nguyễn Tuấn Cường cho biết, trong chặng đường 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố bình quân luôn đạt trên 11,8%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, du lịch, giảm dần tỷ trọng các ngành nông nghiệp. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, thành phố đã tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng thương mại dịch vụ với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng. Giá trị ngành thương mại - dịch vụ trên địa bàn thành phố đến nay đạt 6.925 tỷ đồng, tăng 5 lần so với năm 2009.

Từ năm 2011 đến nay, thành phố đã huy động được tổng số trên 2,1 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong đó nguồn vốn huy động từ nhân dân đạt 1,1 nghìn tỷ đồng. Đến nay, 10/10 xã của thành phố đều đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, điều đặc biệt và đáng ghi nhận chính là việc đến nay thành phố không có nợ đọng trong đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng luôn được thành phố đặc biệt chú trọng, đến nay giá trị công nghiệp xây dựng đạt 7.826 tỷ đồng, gấp 6 lần so với năm 2009. Tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như sản xuất và phân phối điện, cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải, hàng may mặc, chế biến lương thực, thực phẩm. Ngoài ra, thành phố cũng đã và đang tích cực triển khai thành lập các cụm công nghiệp trên địa bàn, trong đó trước mắt là cụm công nghiệp Bảo Khê với diện tích 50 ha.

Nhờ việc tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với trọng tâm là phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, qua đó từng bước hình thành những vùng sản xuất tập trung theo quy trình VietGap, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao; do vậy giá trị sản xuất nông nghiệp thành phố đến nay đạt 1.040 tỷ đồng, tăng gần 6,5 lần so với năm 2009.

Phát huy truyền thống của vùng đất "thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến", thành phố luôn nỗ lực khai thác lợi thế, triển khai đồng bộ nhiều giải phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Đáng chú ý, thành phố hiện vẫn bảo tồn được 200 di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật, là một trong những địa phương có mật độ di tích lịch sử dày đặc nhất cả nước. Nổi bật là Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, tạo ra thế mạnh để phát triển du lịch, dịch vụ và thương mại của thành phố, thu hút hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước về tham quan.

Giai đoạn tiếp theo, thành phố Hưng Yên tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh; tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất; thu hút đầu tư công nghiệp sạch, chú trọng phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ và thương mại. Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị và các dự án trọng điểm. Thực hiện tốt nếp sống văn minh đô thị, tiếp tục xây dựng đô thị Hưng Yên phát triển theo hướng xanh - sạch - đẹp và bền vững. Duy trì kỷ cương, lề lối làm việc và hiện đại hóa nền hành chính đi đôi với xây dựng chính quyền thành phố trong sạch, vững mạnh./.

TTXVN/VNP


Top