Tin tức

Lễ hội Phá Bàu được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia


Đại diện địa phương nhận quyết định công nhận Lễ hội Phá Bàu là di sản văn hóa phí vật thể.
Ảnh: K GỬIH/TTXVN
Ngày 31/3, tại ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Lộc Ninh tổ chức công bố danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ hội truyền thống tập quán và tín ngưỡng lễ hội Dua Tpeng (hay còn gọi là Lễ hội Phá Bàu) của dân tộc Khmer.

Lễ hội Phá Bàu của người Khmer ở xã Lộc Khánh, huyện biên giới Lộc Ninh là lễ hội truyền thống lâu đời. Đây là loại hình văn hóa dân gian tổng hợp, chứa đựng nhiều giá trị độc đáo riêng, nội dung phong phú, đa dạng của người Khmer Lộc Khánh nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung.

Không gian lễ hội ở hai địa điểm là miếu Ông Tà - nơi thực hiện nghi lễ xin bình an của ngươi dân và bàu nước nơi thực hiện các nghi lễ chính, phần hội của lễ hội bắt tôm cá.

Lễ hội Phá Bàu phản ánh rõ đời sống của cư dân nông nghiệp canh tác lúa nước và nương rẫy. Thông qua lễ hội, người Khmer Lộc Khánh cầu xin thần linh cho đồng bào được bình an, khỏe mạnh, mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở. Đây là di sản phi vật thể có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người Khmer tại địa phương.

Già làng Lâm Bắc, ấp Sóc Lớn phấn khởi cho biết, Già và đồng bào Khmer rất vui mừng khi Lễ hội Phá Bàu trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Già mong muốn di sản này sẽ được gìn giữ cho muôn đời sau.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước Đỗ Minh Trung cho biết: Lễ hội Phá Bàu trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định sự đa dạng văn hóa ở Bình Phước.

Ngoài ra, việc công nhận khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của lễ hội, đồng thời là sự ghi nhận nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Lộc Ninh, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan, đơn vị liên quan đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của dân tộc./.

TTXVN/VNP


Top