Du lịch

Làng bích hoạ Cảnh Dương

Nằm bên núi Phượng, sông Loan thơ mộng, làng biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) như một chiếc thuyền neo bình yên bên bờ biển biếc. Ngôi làng cũng là một trong “bát danh hương”, tức 8 làng cổ có danh tiếng lâu đời của vùng đất Quảng Bình bỗng thơ mộng thu hút du khách bởi những bức bích họa độc đáo tuyệt đẹp.
Làng bích họa Cảnh Dương là thành quả của dự án “Bích họa tương lai” của nhóm bạn trẻ, xuất phát từ mong muốn hỗ trợ người dân có cơ hội phát triển du lịch cũng như tạo nên những giá trị nghệ thuật.  Họa sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Việt Dũng (SN 1984), là người phụ trách nhóm họa sĩ trẻ thực hiện dự án “Bích họa tương lai” chia sẻ: “Phần lớn các bức họa ở Cảnh Dương do chúng tôi tìm kiếm tư liệu từ Nhà truyền thống làng Cảnh Dương, ảnh của một số nhiếp ảnh gia và sưu tầm, sau đó được thiết kế đổ 3D để các vẽ”.
Cảnh Dương vẫn còn lưu giữ được nhiều nét kiến trúc, văn hóa, tín ngưỡng tiêu biểu của một làng biển miền Trung như: Những bức tường rào bằng san hô hàng trăm năm tuổi; đình tổ thờ 2 bộ xương cá voi lớn nhất Việt Nam và một nghĩa địa cá voi độc nhất vô nhị.


Ngay từ năm 2018, bằng các nguồn xã hội hóa và đặc biệt có sự hỗ trợ kinh phí từ phía Sở Du lịch Quảng Bình, sự tham mưu chuyên môn của Sở Văn hóa - Thể thao, đến nay, dự án hoàn thành 1.000m với hơn 50 bức bích họa 3D vô cùng sống động chạy dài từ đình thờ Tổ đến gần khu vực làng nghề xã Cảnh Dương.

Một con ngõ nhỏ trong làng Cảnh Dương rực rỡ sắc màu bởi những bức bích họa. 
Ảnh: Thông Hải/VNP


Một bức bích họa mà họa sỹ đã tài tình tận dụng một bức tường đã xanh rêu họa nên cảnh giếng nước thân thuộc ở làng quê Việt Nam. 
Ảnh: Thông Hải/VNP


Hiên một ngôi nhà ở làng Cảnh Dương được “khoác” lên sắc màu của bức bích họa mô phỏng cảnh làng chài trong buổi bình minh. 
Ảnh: Thông Hải/VNP


Cũng như bao làng biển khác của Việt Nam, làng Cảnh Dương cũng có tín ngưỡng thờ cá Ông (cá voi). Không chỉ có bức bích họa về cá Ông mà ở bìa làng,
còn có nghĩa địa chôn cất 30 cá Ông lụy vào bờ biển làng Cảnh Dương. 
Ảnh: Thông Hải/VNP


Sự tài tình của họa sỹ khi phối bức bích họa bên những khung cửa sổ ở làng Cảnh Dương. 
Ảnh: Thông Hải/VNP


Những bức bích họa trên tường phối với nét sinh hoạt của người dân làng Cảnh Dương tạo nên một vẻ đẹp bình dị của ngôi làng biển cổ. 
Ảnh: Thông Hải/VNP


Nhờ những bức bích họa, không gian làng Cảnh Dương như mở rộng, thơ mộng đầy sắc màu. 
Ảnh: Thông Hải/VNP


Một nét sinh hoạt quen thuộc của người miền biển được khắc họa trên tường một ngôi nhà cấp 4 ở làng Cảnh Dương. 
Ảnh: Thông Hải/VNP


Tín ngưỡng thờ cá Ông, múa bả trạo (điệu múa chèo thuyền, có vùng còn gọi là Chèo đưa linh) và khát vọng dong thuyền chinh phục biển khơi được đưa vào
một bức bích họa ở làng Cảnh Dương. 
Ảnh: Thông Hải/VNP


Trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, nhân dân Cảnh Dương đã xây dựng quê hương mình thành một làng chiến đấu kiểu mẫu theo đường lối chiến tranh nhân dân, đã chống trả hơn 120 trận càn lớn nhỏ, trong đó đã đánh bại 4 trận càn có quy mô lớn. Trong ảnh: Một bức bích họa mô phỏng cảnh chiến đấu của dân làng Cảnh Dương trong kháng chiến chống Pháp. Ảnh: Thông Hải/VNP
Người dân nơi đây tự hào về những bức bích hoạ sinh động trên quê hương mình. Con đường làng chài dài khoảng gần 1 cây số nhưng lại có đến 50 bức tranh 3D, mô phỏng vẻ đẹp trong thời chiến, thời bình, môi trường, cuộc sống thường ngày với sự đơn sơ, rêu phong, cổ kính…được người vẽ phác hoạ tỉ mỉ từng chi tiết.

Những bức hoạ được vẽ trực tiếp lên tường nhà hay tường rào. Với sự tỉ mỉ và kỳ công, các hoạ sĩ đã lột tả những câu chuyện về quá trình hình thành, phát triển, truyền thống văn vật từ buổi lập làng đến vẻ đẹp chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong kháng chiến của dân làng Cảnh Dương như bức hoạ: Cảnh Dương – Pháo đài thép; Dân quân du kích giương súng sẵn sàng chiến đấu bên bờ tường rào làng quê….  Cùng với đó là khung cảnh thiên nhiên thơ mộng và cuộc sống trên bến dưới thuyền nhộn nhịp nơi làng chài. Chủ đề này gồm các bức họa: Chợ cá lúc sáng sớm; Đoàn tàu vững vàng giữa biển khơi; Ngư phủ bủa lưới buổi bình minh,…
Cảnh Dương là ngôi làng biển cổ đã hình thành 400 năm, 2 lần vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT chống Pháp và chống Mỹ, được nhạc sỹ Hoàng Vân ví là “quê hương đứng nơi đầu sóng” trong bài hát “Quảng Bình quê ta ơi”.

Bên cạnh đó còn có những bức bích họa có nội dung về  truyền thống văn hoá biển như: Lễ hội đua thuyền trên sông Loan, Lễ hội cầu ngư,… và những câu chuyện riêng biệt, đậm tính nhân văn về ân tình giữa người dân làng biển Cảnh Dương với những cảnh vật đầy sống động mà họ cả đời gắn bó như: Bức hoạ về các loài cá, tôm, san hô, ốc, rong rêu và những câu chuyện cổ tích liên quan đến biển cả…

Những ngôi nhà cổ, những bức tường bằng đá san hô còn nguyên màu rêu xanh cổ kính được vẽ nên bằng những sắc màu. Qua từng nét vẽ, đất và người Cảnh Dương trong lao động và chiến đấu đã hiện lên vừa gần gũi, bình dị, vừa kì vĩ, hiên ngang. Đi hết chiều dài của những con đường bích họa, ta như được sống lại cùng lịch sử và truyền thống của con người làng biển. Thế mới biết, từng bức bích họa như từng lát cắt của lịch sử, từng khoảnh khắc giản đơn mà ấn tượng lại chứa đựng những câu chuyện đời sống sâu sắc, nghĩa tình..

 Có lẽ vì thế, Cảnh Dương đã được Sở Du lịch Quảng Bình chọn làm làng du lịch kiểu mẫu nằm trong tuyến du lịch Công viên thuyền thúng chạy dọc theo bờ biển huyện Quảng Trạch./.
  Thực hiện:Thông Hải






 

Vườn quốc gia Cát Bà - lá phổi xanh giữa biển

Vườn quốc gia Cát Bà - "lá phổi xanh" giữa biển

Vườn quốc gia Cát Bà là một trong những khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Việt Nam và thế giới. Nơi đây, chứa đựng những giá trị vô cùng độc đáo với đủ cả hệ sinh thái rừng và biển. Đến với Vườn quốc gia Cát Bà du khách sẽ có những trải nghiệm, khám phá hệ sinh thái động, thực vật đa dạng, đi dưới tán rừng xanh bạt ngàn và tham gia các hoạt động ngoài trời thú vị.

Top