Thể thao

Lạc Việt Võ đạo- Tinh thần y võ cổ truyền

Là môn võ tổng hợp các kỹ thuật tự vệ trong võ thuật cổ truyền của dân tộc Việt Nam, kết hợp với y học nhằm nâng cao sức khỏe, Lạc Việt Võ Đạo đã trở thành một môn phái tinh thần của người Việt trong gần ba thập kỷ qua, được UNESCO bảo trợ là dòng võ văn hóa Việt cần được lưu truyền tới thế hệ mai sau.
Tại Việt Nam có nhiều phái võ và Lạc Việt Võ đạo là môn phái tiên phong chọn lọc những tinh hoa của y võ cổ truyền với hơn 50 bài quyền tay không cơ bản, các bài tập mô phỏng cách đánh của muông thú, các bài binh khí như: thương, đao, côn, kiếm... Bên cạnh đó môn phái còn có các bài quyền, các bài đối luyện ở trình độ cao và phuơng pháp tập luyện khí công đặc sắc kết hợp với y học.
Đối với những người mới nhập môn có các bài tập riêng luyện tay, chân, phản xạ,...Sau 3 tháng tập luyện sẽ đạt được trình độ và bản lĩnh nhất định. Người có thể chất, thể trạng sức khoẻ khác nhau đều có thể tuỳ sức mà tập luyện. Yêu cầu công việc, nghề nghiệp khác nhau thì có chế độ tập luyện tương ứng thích hợp để việc học được hữu dụng với hoàn cảnh sống và hoạt động thực tế của mỗi người.
So với các môn phái khác, 
Lạc Việt Võ đạo rất thực dụng, đòn đánh ngắn, chắc chắn, mục tiêu đánh hầu như chỉ vào yếu điểm của đối phương, đòn vừa ra là đã thu về nhanh như chớp, không sơ hở để đối phương có thể lợi dụng tấn công vào. Giữa động tác với động tác đã hỗ trợ nhau hết sức linh hoạt. Hệ thống bài bản tập luyện của môn phái mang tính khoa học cao, có tác dụng ưu việt không chỉ nâng cao sức khoẻ mà còn tác động tích cực vào tâm lý người tập.
      

Các võ sư tại 64 võ đường của môn phái Lạc Việt Võ Đạo hội tụ trong Hội diễn năm 2017. Ảnh: Khánh Long


Võ sư Chưởng môn Nguyễn Thành Chung trao cờ lưu niệm cho các võ đường trong Hội diễn năm 2017. Ảnh: Khánh Long



Lạc Việt Võ Đạo đã trở thành một môn phái tinh thần của người Việt
và từng bước mở rộng khẳng định giá trị nhân văn của môn võ có y có đạo. Ảnh: Khánh Long

Hầu hết các môn sinh đều có cảm nhận là khi "Nghệ" đã thấm được vào mình, tự nhiên cảm thấy tâm tính thay đổi hẳn, điềm đạm hơn, nhu hòa hơn, mất dần khí huyết nóng nảy, bộp chộp, duy trì được tính kiên nhẫn và khả năng chịu đựng cao, tạo lập được phong cách khoan thai, đĩnh đạc, trầm tĩnh. Nếu kiên trì khổ luyện lâu năm không những người tập Lạc Việt Võ đạo có được võ nghệ cao cường mà còn rèn luyện được cho mình chữ "Nhẫn".
Lạc Việt võ đạo rèn về võ thuật lẫn võ đức, con người được phát triển toàn diện, khoẻ về thể xác, đẹp về tâm hồn, ấy là căn nguyên tạo nên sự tồn tại và phát triển sâu gốc, bền rễ của môn phái qua nhiều năm. Từ năm 1995, võ sư Nguyễn Thành Chung và cộng sự đã kết hợp Học Viện An Ninh và Học Viện cảnh Sát nhân dân dạy cho các chiến sỹ công an nơi đây những kỹ thuật đặc thù cho phòng chống tội phạm theo kỹ thuật ảo diệu của đường võ cổ, các đòn thế cận chiến với tội phạm, nhẹ nhàng, khéo léo.
Võ sư Nguyễn Thành Chung là người đã hơn 30 năm gắn bó với nghề võ. Ông cũng là người trăn trở và tâm huyết tìm cho Lạc Việt Võ đạo một lối đi riêng. Năm 2005, Võ sư Nguyễn Thành Chung được Trung tâm giáo dục Quốc tế ILO (Torino, Italia ) mời sang dự hội thảo và giới thiệu võ cổ truyền Việt Nam. Khi tiếp xúc với bè bạn quốc tế, ông nhận thấy họ dành nhiều cảm tình cho dòng võ cổ truyền Việt Nam, nhiều võ sư  Italia sau khi xem môn phái Lạc Việt đã theo tập kiên trì.
Đó chính là động lực để ông và các cộng sự của Lạc Việt Võ đạo mở rộng và phát triển môn phái trong cộng đồng. Hiện nay, Lạc Việt Võ đạo có tổng cộng 64 võ đường, 30 huấn luyện viên với 6.000 võ sinh đang tham gia tập luyện, tổ chức 130 kỳ thi lên đai từ các bậc cơ bản cho tới đẳng cấp cao theo giáo trình huấn luyện riêng của môn phái. Lạc Việt Võ đạo được UNESCO bảo trợ là dòng võ văn hóa Việt cần được lưu truyền tới thế hệ mai sau.



Bài quyền tập thể mở đầu cho Hội diễn của Lạc Việt Võ đạo. Ảnh: Khánh Long


Thế võ hầu quyền dành cho trẻ em. Ảnh: Khánh Long


Bài quyền cá nhân biểu diễn trong Hội diễn Lạc Việt Võ đạo. Ảnh: Khánh Long


Đường quyền tay không mô phỏng cách đánh của muông thú. Ảnh: Công Đạt


Môn sinh biểu diễn sử dụng binh khí là Trường côn (võ gậy). Ảnh: Công Đạt


Một đòn thế quyết định trong bài võ sử dụng trường côn làm binh khí. Ảnh: Công Đạt


Môn sinh biểu diễn sử dụng binh khí là đao. Ảnh: Công Đạt


Biểu diễn đối luyện tay không chống đao. Ảnh: Công Đạt


Một đòn võ đối kháng tay không đẹp mắt. Ảnh: Công Đạt


Một đòn kẹp cổ trong bài đối luyện. Ảnh: Khánh Long


Màn biểu diễn tay không đối kháng trên không. Ảnh: Khánh Long


Luyện khí công, môn sinh nằm trên bàn chông dùng búa công phá gạch để trên bụng. Ảnh: Khánh Long


Vận dụng khí công trong thế võ dùng búa đập gạch. Ảnh: Công Đạt

Môn phái Lạc Việt Võ đạo do võ sư Nguyễn Thành Chung sáng lập từ năm 1987, đến nay ngoài các võ đường lớn tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc như: Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Lạc Việt Võ Đạo đã mở rộng đến một số nước châu Âu như Thành phố Torino-Italia, Cộng hoà Pháp, Vương Quốc Bỉ….
Võ sư Nguyễn Thành Chung, Chưởng môn phái 
Lạc Việt Võ đạo là võ sư đại diện của Việt Nam tham gia Hiệp Hội võ thuật chiến binh quốc tế. Ông cho biết, Lạc Việt Võ đạo với tinh thần kết hợp y võ trong từng bài tập luôn hướng đến giá trị nhân văn và văn hóa Việt. Trong nhịp sống công nghiệp hiện đại, Lạc Việt Võ đạo giúp mỗi người nâng cao thể chất và sức khỏe, kết hợp với y võ chữa bệnh để giúp tinh thần người học võ hiền hòa, bình tĩnh trước mọi khó khăn của cuộc sống.
Đặc biệt, trong năm 2018, để từng bước mở rộng khẳng định giá trị nhân văn của môn võ có y có đạo này, Lạc Việt Võ đạo sẽ hướng đến phát triển hình thức du lịch võ thuật, từ đó quảng bá văn hóa y võ cổ truyền của dân tộc Việt đến bạn bè quốc tế./.

Bài: Bích Vân - Ảnh: Công Đạt – Khánh Long

Mãn nhãn Giải vô địch thế giới mô tô nước UIM-ABP Aquabike World Championship

Mãn nhãn Giải vô địch thế giới mô tô nước UIM-ABP Aquabike World Championship

Sau 2 ngày tranh tài diễn ra đầy kịch tính, Giải đua mô tô nước thế giới 2024 (UIM-ABP Aquabike World Championship) – chặng đua Grand Prix of Binh Dinh, đã lựa chọn được những gương mặt vận động viên xuất sắc nhất để vinh danh tại đầm Thị Nại (tp.Quy Nhơn, Bình Định).

Top