Khám phá

Kim sách triều Nguyễn

Kim sách triều Nguyễn là một loại thư tịch cổ được làm từ các kim loại quý (vàng, bạc) dùng để ghi lại các việc chính sự, lễ nghi triều đình. Vừa qua, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đã giới thiệu tới công chúng những bảo vật này trong triển lãm “Bảo vật hòang cung – Kim sách triều Nguyễn”.
Ngày 30/8/1945, sau Lễ thoái vị của vua Bảo Đại ở Ngọ Môn (Huế), chính quyền cách mạng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trưng thu gần 3.000 hiên vật là những ấn vàng, kim sách, bảo vật cung đình... đưa ra Hà Nội bảo quản. Đây là lần đầu tiên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam giới thiệu đến công chúng 22 quyển kim sách (sách đúc bằng vàng) trong số 94 cuốn kim sách của 13 đời vua triều Nguyễn và 10 kim bảo (ấn vàng), 2 hộp đựng kim sách đều được làm từ kim loại quý, trạm khắc tinh xảo.


Kim sách chất liệu Vàng. Niên hiệu Gia Long thứ 1 (1802).
Hoàng đế Gia Long ca tụng công đức và tấn tôn thân mẫu là Quốc mẫu Vương Thái phi Nguyễn Thị Hoàn làm Vương Thái hậu.
Sách gồm 6 tờ với 2 tờ bìa trước và sau trang trí hình rồng, 4 tờ ruột khắc sách văn.



Kim sách chất liệu Vàng. Niên hiệu Thiệu Trị thứ 1 (1841).
Hoàng đế Thiệu Trị ca tụng công đức và dâng tôn thụy cho Hoàng phụ Minh Mệnh
miếu hiệu là Thánh tổ (Thánh tổ Nhân Hoàng đế).
Sách gồm 9 tờ với 2 tờ bìa trước và sau trang trí hình rồng, mây, 7 tờ ruột khắc sách văn.



Ấn “Thánh Tổ Nhân Hòang đế chí bảo”, chất liệu Vàng, Niên hiệu Thiệu Trị thứ 1 (1841).
Hoàng đế Thiệu Trị cho đúc cùng kim sách dâng tôn thụy cho Thánh tổ Nhân Hoàng đế Minh Mệnh.



Ấn “Hoàng Thái hậu chi bảo”, chất liệu Vàng, niên hiệu Minh Mệnh thứ 2(1822).
Hoàng đế Minh Mệnh cho đúc cùng kim sách dâng tôn hiếu cho thân mẫu làm Hoàng Thái hậu.



Kim sách chất liệu Vàng, niên hiệu Minh Mệnh thứ 2(1822).
Hoàng đế Minh Mệnh ca tụng công đức và tôn hòang mẫu là Nhị phi Trần Thị Đang (1769 – 1846) làm Hoàng Thái hậu.
Sách gồm 5 tờ, 2 tờ bìa trước và sau trang trí hình rồng mây, 3 tờ ruột khắc sách văn.



Ấn “Quốc mẫu chi bảo”, chất liệu Bạc mạ Vàng, thời Lê Trung Hưng, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 57 (1796).
Vua Gia Long cho đúc cùng kim sách dâng tôn hiệu cho mẫu phi Nguyễn Thị Hoàn làm Quốc mẫu Vương Thái phi.



Hộp đựng kim sách chất liệu Bạc, trang trí hình long, lân, quy, phượng. Thời Nguyễn (1802 – 1945).


Bộ kim sách và kim bảo thời Gia Long được trưng bày tại triển lãm.


Triển lãm thu hút sự quan tâm của du khách nước ngoài...


...và đem đến cho người xem những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật mang đậm dấu ấn của triều Nguyễn.


Người xem cũng có dịp tìm hiểu các triều vua nhà Nguyễn thông qua sơ đồ tại Triển lãm.

Mỗi quyển kim sách là một di sản vô giá, vừa chứa đựng những thông tin chân thực về lịch sử, tư tưởng đạo đức, điển chế, điển lễ đương triều, vừa phản ánh chân thực cuộc đời, sự nghiệp của các hoàng đế và các nhân vật ghi trong kim sách. Lời sách do các hoàng đế tự biên soạn hoặc được các đại thần chấp bút. Việc chế tạo kim sách hoàng đế giao cho Hữu ty thuộc bộ Lễ lúc đó thực hiện. Xưởng chế tạo kim sách nằm ngay trong hoàng cung, phía đông Tử Cấm Thành (Huế).

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, TS Nguyễn Văn Cường cho biết: “Bảo tàng đã cho dịch và hiệu đính các cuốn kim sách để giúp cho công chúng có cơ hội hiểu thêm đựơc về cuộc sống hoàng cung qua các đời vua triều Nguyễn”.

Triển lãm “Bảo vật hoàng cung – Kim sách triều Nguyễn” cũng là dịp để du khách trong và ngoài nước được tiếp cận và thưởng lãm những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật mang đậm dấu ấn của triều Nguyễn, chế độ quân chủ cuối cùng của Việt Nam./. 

 
Thực hiện: Trần Thanh Giang
 

Tháp Đôi - dấu ấn văn hóa Chăm Pa ở Quy Nhơn

Tháp Đôi - dấu ấn văn hóa Chăm Pa ở Quy Nhơn

Đến với Quy Nhơn (Bình Định), du khách không chỉ được khám phá những bãi biển đẹp, các danh lam thắng cảnh hùng vĩ mà còn được chiêm ngưỡng những tòa tháp Chăm cổ kính có niên đại trên dưới ngàn năm tuổi. Trong số đó, Tháp Đôi là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu luôn thu hút đông đảo du khách tới tham quan và khám phá.

Top