Tiềm năng địa phương

Khởi nghiệp từ “Cuộc cách mạng một cọng rơm”

Được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ cuốn sách nổi tiếng thế giới “Cuộc cách mạng một cọng rơm”, Lê Xuân Hòa, người sáng lập nông trại Hón Mũ (Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã không chỉ tiên phong trong việc tạo ra một không gian sống mới mà ở đó con người “hoàn toàn thuận theo tự nhiên”, mà còn cung cấp ra thị trường những sản phẩm cũng được làm hoàn toàn bằng những vật liệu tự nhiên.
Sau hai lần bỏ ngang giữa chừng việc học tại hai ngôi trường Đại học, thêm 2 năm đi khắp nơi để tìm công việc phù hợp với mình, đầu năm 2014, Lê Xuân Hoà đã trở về quê hương mang ý định khởi nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê mình. Tuy nhiên, không chấp nhận được phương pháp làm nông kiểu lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật, Lê Xuân Hoà đã bỏ đất hoang và nghiên cứu về rau sạch.

Sau khi đi tham quan một số vườn rau sạch nhưng Lê Xuân Hoà vẫn thấy “sự sạch” này có vấn đề. “Trong lúc cũng sắp nghĩ là bản thân mình hình như có vấn đề, tôi tình cờ được một người bạn đưa tới dự buổi gặp mặt các độc giả cuốn sách "Cuộc cách mạng một cọng rơm" của Masanobu Fukuoka. Đọc xong cuốn sách ấy thì nhận ra rằng mình không có vấn đề gì cả. Sau đó, tôi đã trở về quê và bắt đầu nông trại Hón Mũ theo hướng thuận tự nhiên”, Lê Xuân Hoà nhớ lại về sự ra đời của nông trại Hón Mũ.

Tại nông trại Hón Mũ, mọi cây đều được cho là có “giá trị”, dù là cỏ dại, cây hoa màu hay những cây gỗ, cây lâu năm... Tại nông trại, cây tự mọc nhiều hơn cây do bàn tay con người trồng.



Khi mở rộng sản xuất, Lê Xuân Hòa quan tâm đến việc tác động với môi trường rừng và tính bền vững của thiên nhiên.


Hiện nay xưởng sản xuất ống hút tre tạo công ăn việc làm ổn định cho 11 lao động địa phương,
với thu nhập bình quân từ 4,5 – 6 triệu/tháng.


Nông trại Hón Mũ đã cung cấp ra thị trường trên 500.000 ống hút tre.



Sau khi cắt mài, những chiếc ống hút tre được hấp trong lò, đem phơi khô dưới nắng để tránh ẩm.

Quan điểm của người sáng lập Hón Mũ đó là: “Miễn là cây thì đều được trân trọng”. Bởi vậy, Lê Xuân Hoà đã xây dựng Hón Mũ theo hướng tái tạo khu rừng đa loài tự nhiên từ đất rừng canh tác và tìm các thế mạnh của từng loại cây để chứng minh rằng rừng tự nhiên chứa đựng nhiều giá trị hơn rừng độc canh.

Lê Xuân Hoà cho biết, mặc dù khi nhận quản lý khu rừng, gia đình phải trả tiền thuê đất hàng tháng và gánh một khoản nợ, nhưng gia đình vẫn cam kết không bóc lột đất. Bởi vậy, mỗi người khi đến sống trải nghiệm tại nông trại đều được hoàn toàn miễn phí. Nhưng khi đến với Hón Mũ, mọi người đều phải tự phục vụ những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của mình như tìm chỗ dựng lều trại, nấu ăn, hái rau, câu cá, …

Nông trại Hón Mũ được xây dựng như “phiên bản thứ hai” của nông trại Fukuaka, một người nông dân đồng thời là một nhà triết gia nổi tiếng Nhật Bản, tác giả cuốn sách “Cuộc cách mạng một cọng rơm”, ở đó con người sống hoàn toàn thuận theo tự nhiên.

Trong một lần tình cờ tiếp một người bạn từ Hà Nội vào thăm nông trại. Khi đó chiếc thìa gỗ (được mua ở siêu thị) do người bạn của Hòa mang theo bị gãy. Hòa đã làm một chiếc thìa bằng tre để tặng cho người bạn này dùng tạm trong thời gian ở nông trại.

Sau đó, chính người bạn này của Lê Xuân Hòa đã chụp ảnh chiếc thìa tre được tặng và đăng lên facebook. Sau sự kiện đó, Lê Xuân Hòa đã làm thêm rất nhiều thìa tre để tặng cho bạn bè trên cộng đồng farm của mình.

“Khi quá nhiều người hỏi về thìa tre, mình đã quyết định làm để bán theo yêu cầu của mọi người”, Lê Xuân Hòa nhớ lại thời điểm Hón Mũ bắt đầu sản xuất các đồ dùng bằng nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên.

Câu chuyện người sáng lập nông trại Hón Mũ đến với ống hút tre cũng tình cờ như vậy. Hai năm về trước, trong một lần đi giao lưu tại cộng đồng Farm, Lê Xuân Hoà được tiếp cận với câu chuyện về những chiếc ống hút.

Thông tin về tác hại của những chiếc ống hút nhựa với môi trường trong buổi nói chuyện đó đã ám ảnh và tác động rất nhiều trong tâm thức của Lê Xuân Hoà.

Sẵn nguồn nguyên liệu tre, nứa ngay tại nhà, ngay trong đêm hôm đó, Lê Xuân Hoà đã mang những cây tre ra mài thử nghiệm làm ống hút.

“Khi lên trang bán hàng của Alibaba, thấy họ bán ống hút tre nhưng giá rất cao. Lúc đó tôi đã nghĩ mình có thể làm được những chiếc ống hút tre hoàn toàn tự nhiên, thẩm mỹ hơn nhưng lại có giá mềm hơn rất nhiều”, Lê Xuân Hoà nhớ lại về quyết định bắt tay vào sản xuất những chiếc ống hút tre Hón Mũ.

Sự tự tin này là có căn cứ khi Lê Xuân Hòa sinh ra và lớn lên tại vùng đất được thiên nhiên ban tặng nguồn nguyên liệu dồi dào về các loại tre, nứa.

Bởi vậy, sau khi đã nghiên cứu khá nhiều thông tin về ống hút, Lê Xuân Hòa quyết định hiện thực hóa ý tưởng đó.

Tháng 9/2017, Lê Xuân Hòa bắt đầu cung cấp ra thị trường những chiếc ống hút tre đầu tiên. Ban đầu, chỉ vài chục ống hút và chỉ sau 1 – 2 tháng, nhu cầu tăng dần lên vài trăm, vài nghìn chiếc. Hiện nay, Hón Mũ đã cung cấp ra thị trường trên 500.000 chiếc ống hút tre.

“Tôi không ngờ thị trường lại tiếp nhận chiếc ống hút tre của tôi nồng nhiệt đến vậy”, Lê Xuân Hòa chia sẻ.

Niềm vui này không chỉ ở việc bán được sản phẩm, mà quan trọng hơn cả, theo người sáng lập Hón Mũ: “Việc cộng động sử dụng ống hút tre nhiều chứng tỏ họ đã có một nhận thức và quan tâm nhất định đến môi trường”.

Trong khi nhu cầu tăng nhanh đột biến, nhưng khác với những nhà sản xuất khác, Lê Xuân Hòa lại không mở rộng quy mô và phát triển ồ ạt. Bởi theo cách lý giải của Hòa: “Tôi cần quan sát để đảm bảo việc mở rộng sản xuất không tác động đến môi trường rừng và việc mình khai thác thế này có thân thiện với môi trường, có đảm bảo tính bền vững của thiên nhiên hay không”.

Chính vì vậy, đến tháng 9/2018, Lê Xuân Hòa mới chính thức mở rộng xưởng sản xuất. Lê Xuân Hòa đã dành tròn một năm để quan sát và thẩm định việc sử dụng nguồn nguyên liệu như hiện nay có bền vững hay không.



Những chiếc ống hút tre với nhiều kích thước khác nhau và có thể sử dụng nhiều lần vì có que rửa kèm theo.






Những sản phẩm bằng tre, nứa của nông trại Hón Mũ.




Ngoài những sản phẩm do nông trại trực tiếp làm,
Hón Mũ còn giúp người nông dân sống xung quang tiêu thụ các sản phẩm thủ công khác.


Mỗi chiếc bút tre của Hón Mũ đều được khắc tên trên sản phẩm.


Bút bi tre một sản phẩm của nông trại Hón Mũ cũng được thị trường đón nhận rất tốt.


Góc sản phẩm của nông trại Hón Mũ tại Hội chợ hàng Việt 2018 trong Khu di tích Lam Kinh.

Và kết quả theo Lê Xuân Hòa chia sẻ, nếu công xuất có tăng lên gấp 100 lần như hiện nay thì sự tác động đến môi trường cũng là tác động tích cực.

Giải thích cho điều này, Lê Xuân Hòa cho biết, tre hết mùa khai thác vẫn còn 70% tán. Vì vậy, cây tre khi trồng và khai thác có ảnh hưởng rất ít đến tán rừng.  Các sản phẩm của nông trại Hón Mũ đều đảm bảo theo nguyên tắc bảo vệ môi trường của Lê Xuân Hòa đó là khi sản phẩm không dùng nữa và thải ra môi trương đều sẽ dễ dàng phân huỷ, không gây ô nhiễm đến môi trường xung quanh.

Hiện tại, xưởng sản xuất ống hút tre tạo công ăn việc làm ổn định cho 11 lao động địa phương, với thu nhập bình quân từ 4,5 – 6 triệu/tháng.

Lê Xuân Hòa cho biết, việc mở rộng sản xuất ống hút tre của Hón Mũ có hai ý nghĩa lớn. Thứ nhất, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương, góp phần khôi phục lại nghề thủ công truyền thống của địa phương.

Thứ hai, tre, nứa được sử dụng hiện nay là tre, nứa phế thải. Bởi vậy, việc sử dụng nó đã tạo ra thu nhập cho những người đi phá tre, nứa ở bìa rừng. Ngày trước, một tấn nứa được bán với giá 600.000 – 700.000 VNĐ cho nhà máy giấy. Nhưng với giá thu mua của Lê Xuân Hòa hiện nay là 30 triệu VNĐ/tấn nứa, những người này sẽ không phá nứa bừa bãi mà khai thác có kế hoạch. “Họ nhận thức được đây là nguồn thu lâu dài và đảm bảo. Nên chính họ lại là người góp phần bảo vệ rừng và trồng lại rừng”, Lê Xuân Hòa cho biết.

Với quan niệm, “thứ mình muốn là vô tận, nên khi mình dừng càng sơm thì mình càng được thỏa mãn”, nên trong tương lai, Lê Xuân Hòa cho biết sẽ Hón Mũ sẽ là một cộng đồng phi lợi nhuận. Tức là một nơi để mọi người trải nghiệm một cuộc sống khác và từ đó thay đổi nhận thức về môi trường./.

 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Công Đạt, Trần Thanh Giang


Top