Khám phá

Khám phá cuộc sống nội cung triều Nguyễn

Triển lãm “Cuộc sống nội cung triều Nguyễn (1802-1945)” vừa mới tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh) đã giúp cho giới nghiên cứu, các nhà hoạt động nghệ thuật, sân khấu, điện ảnh… có thêm tư liệu để phục dựng kiểu cách sinh hoạt của giới quý tộc Việt Nam dưới thời Nguyễn trong việc bảo lưu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể về cung đình Huế.
Trong các di sản mà triều Nguyễn để lại, di sản văn hóa cung đình có nhiều nét đặc trưng nhất tạo nên bản sắc của văn hóa Huế. Di sản văn hóa cung đình thể hiện qua nhiều hình thức đa dạng và phong phú của đời sống và sinh hoạt như ẩm thực, trang phục, kiến trúc, âm nhạc… và trên các loại vật dụng làm bằng nhiều chất liệu khác nhau, phản ánh phong cách mỹ thuật và văn hóa thời Nguyễn. 

Tham dự triển lãm, công chúng đã được chiêm ngưỡng khoảng 300 tư liệu, hiện vật đặc sắc minh họa cho đời sống của nữ giới trong cung đình triều Nguyễn như: Bộ nữ trang với các loại gương soi, trâm và ngọc bội, hộp phấn bằng bạc, hộp đựng hương liệu bằng ngà, dĩa đựng hương liệu bằng sứ ký kiểu…; các dụng cụ văn phòng như nghiên mực, ống bút bằng ngọc, có hộp đựng son bằng sứ men xanh trắng có niên đại “Đại Thanh Khang Hy niên chế (1662-1722); các hiện vật dùng trong ẩm thực như: các loại tiềm, bát, dĩa bằng sứ ký kiểu niên đại thế kỷ 19, đũa bằng ngà, vật dụng uống thuốc, bình và chén rượu bằng ngà, ngọc, dụng cụ ăn trầu, hộp đựng thuốc hút. Đặc biệt là bản sách đồng là sách phong cho bà Nguyễn Phước Đoan Thuận, hiệu Định Mỹ công chúa, con gái thứ 10 của vua Minh Mạng… Triển lãm cũng giới thiệu bộ đầu hồ là món giải trí trong nội cung vẫn còn nguyên vẹn dù ngày nay hiếm người nào có thể chơi được.


Một góc không gian của triển lãm “Cuộc sống nội cung triều Nguyễn (1802-1945)"”.


Bộ sưu tập hiện vật văn phòng chi bảo.


Không gian trưng bày và sưu tầm hiện vật dùng trong ẩm thực.


Các loại tiềm, bát – sứ kí kiểu, hiệu đề “Thiệu Trị niên chế”, 1841-1847.


Hộp đựng mứt, kẹo – pháp lam Huế, thế kỷ 19.


Thẻ bài “Đệ nhị ban quân sự” – ngà, thế kỷ 19.


Gương soi – đồi môi, thế kỷ 19.


Bộ xăm hường – gỗ cẩn ốc và ngà voi, thế kỷ 19.


Hộp đựng hương liệu – bạc, thế kỷ 19.


Đồ dùng pha trà – sứ kí kiểu, đồng, thế kỷ 19.


Bộ sưu tập các hiện vật trang điểm.


Ảnh chụp các nữ quan và thái giám thời Nguyễn.


Đồ dùng pha trà – sứ kí kiểu, đồng, thế kỷ 19.


Hộp đựng thuốc hút – bạc và gỗ, thế kỷ 19.



Công chúng được chiêm ngưỡng khoảng 300 tư liệu, hiện vật đặc sắc 
minh họa cho đời sống của nữ giới trong cung đình triều Nguyễn.

Theo các nhà nghiên cứu, tất cả sinh hoạt trong nội cung thời Nguyễn đều theo những nguyên tắc chuẩn mực được xây dựng từ nền tảng văn hóa truyền thống Việt Nam và ảnh hưởng tư tưởng đạo Phật, đạo Nho. Trong Đại nội, hoàng đế là người đàn ông duy nhất, còn lại là phụ nữ được chia cấp bậc rõ ràng theo quy định về cửu giai (9 bậc) và một ít nữ quan cùng thái giám. Nhìn chung, đời sống của các bà theo lễ nghi, khuôn phép để đảm bảo sự an bình, hòa hiệp chốn nội cung từ việc phụng thờ tổ tiên, phụng sự hoàng đế, phụng dưỡng hoàng thái hậu. Thiên chức người phụ nữ trong nội cung không phải khác biệt với người phụ nữ bên ngoài mà nó được nâng cao thành chuẩn mực và biểu tượng về phẩm hạnh của người phụ nữ Việt Nam thời quân chủ với nhiều tấm gương còn lưu lại ngày nay. Tại triển lãm “Cuộc sống nội cung triều Nguyễn (1802-1945)”, công chúng còn được biết thêm nhiều thông tin bổ ích như việc tấn phong Hoàng hậu. Thực tế, trải qua 13 đời vua, chỉ có 2 hoàng hậu được tấn phong là bà Tống Thị Lan được vua Gia Long (1802-1820) phong Thuận Nguyên hoàng hậu năm 1806, và bà Nguyễn Hữu Thị Lan được vua Bảo Đại (1926-1945) phong Nam Phương hoàng hậu năm 1934.

Rất đông các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên, đến tham quan và tìm hiểu triển lãm. Bạn Mai Anh, sinh viên đại học Hồng Bàng chia sẻ: “Em thích tìm hiểu lịch sử với nhiều giá trị quý giá mà cha ông để lại. Các hiện vật của triều Nguyễn thật sự sống động và rất đẹp, giúp cho em hiểu biết nhiều hơn về một triều đại đặc biệt trong lịch sử Việt Nam…”./.

 
Bài và ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt

Tháp Đôi - dấu ấn văn hóa Chăm Pa ở Quy Nhơn

Tháp Đôi - dấu ấn văn hóa Chăm Pa ở Quy Nhơn

Đến với Quy Nhơn (Bình Định), du khách không chỉ được khám phá những bãi biển đẹp, các danh lam thắng cảnh hùng vĩ mà còn được chiêm ngưỡng những tòa tháp Chăm cổ kính có niên đại trên dưới ngàn năm tuổi. Trong số đó, Tháp Đôi là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu luôn thu hút đông đảo du khách tới tham quan và khám phá.

Top